Tin tức
Chế độ dinh dưỡng sau mổ điều trị ung thư đường tiêu hóa
1. Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng như thế nào đối với bệnh nhân ung thư?
Đối với các bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật, đặc biệt là bệnh nhân mắc ung thư thì chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng, nó có tác động trực tiếp đến hiệu quả của việc điều trị, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, giảm nguy cơ biến chứng. Nếu không bổ sung dinh dưỡng đúng cách cho người bệnh thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc đáp ứng điều trị cũng như làm giảm chất lượng sống của người bệnh.
Chế độ dinh dưỡng sau mổ rất quan trọng để giúp bệnh nhân đẩy nhanh quá trình hồi phục
Bệnh nhân ung thư nói chung và bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa nói riêng thường kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch,… để nâng cao hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, khi áp dụng các phương pháp này, bệnh nhân rất có thể sẽ gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn như chán ăn, giảm cân,… Với những trường hợp này, bệnh nhân cần được bổ sung dinh dưỡng thật tốt để duy trì cân nặng lý tưởng nhất để có đủ năng lượng, sức khỏe đảm bảo cho quá trình điều trị bệnh được thuận lợi và hiệu quả.
Người bệnh không nên kiêng khem quá mức để cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng, từ đó dẫn đến không đủ năng lượng và đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Vai trò dinh dưỡng đối với bệnh nhân trước và sau khi phẫu thuật:
Trước phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật, chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng đối với bệnh nhân. Người bệnh cần được bổ sung dinh dưỡng nhiều hơn để họ có đủ sức trải qua ca phẫu thuật.
Sau phẫu thuật
Nguyên tắc chung về chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân sau mổ là ăn nhiều protein, ăn nhiều năng lượng hơn bình thường, ăn nhiều glucid,… Có thể ăn ít về lượng nhưng cần phải đủ dinh dưỡng, giàu đạm và nhiều năng lượng.
Bệnh nhân cần được kiểm soát tốt lượng thức ăn mỗi ngày, nên thay đổi cách chế biến để người bệnh giảm cảm giác chán ăn.
Nếu người bệnh không thể ăn bằng đường miệng thì có thể sử dụng biện pháp bổ sung dinh đường truyền tĩnh mạch để đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh.
Nếu không có một chế độ dinh dưỡng tốt, bệnh nhân sẽ chậm lành vết thương, khó cai máy thở (đối với các trường hợp bệnh nhân phải thở máy sau mổ), suy dinh dưỡng, nhiễm trùng vết mổ,... Từ đó, làm tăng tỉ lệ tử vong chu phẫu cho người bệnh. Bên cạnh đó, nếu dinh dưỡng tốt sẽ giảm được thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị cho người bệnh, giảm tỉ lệ các biến chứng đi đáng kể.
2. Chế độ dinh dưỡng sau mổ điều trị ung thư đường tiêu hóa
Cũng giống như các bệnh nhân khác, những trường hợp bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa vừa trải qua phẫu thuật thường có cảm giác mệt mỏi và chán ăn. Dưới đây là một số lưu ý cụ thể về chế độ dinh dưỡng sau mổ điều trị ung thư đường tiêu hóa:
Những ngày đầu sau mổ thì nên ăn thức ăn dạng lỏng
Nên ăn những thức ăn dạng lỏng
Sau mổ, người bệnh nên ăn những đồ ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa chẳng hạn như cháo, súp. Bên cạnh đó, bạn nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày, tránh để bệnh nhân ăn quá no trong một bữa.
Ăn các chất béo có lợi
Một số chất béo có lợi dành cho bệnh nhân sau phẫu thuật có thể kể đến như dầu oliu, dầu cá để thay thế cho các loại mỡ động vật, chẳng hạn như mỡ lợn, mỡ gà, mỡ bò và đặc biệt là tránh các loại đồ ăn chiên rán.
Theo các nhà khoa học, chất béo động vật gây kích thích niêm mạc, tổn thương niêm mạc, khiến đường ruột bị viêm và dễ gây tái sinh tế bào ung thư vì nó có thể làm tăng hấp thụ chất gây ung thư và đồng thời tăng sự bài tiết axit mật trong ruột.
Người bệnh cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng
Thường xuyên ăn rau xanh, trái cây tươi
Rau xanh và những loại trái cây tươi tốt cho tất cả chúng ta và đặc biệt tốt cho những bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa. Cụ thể, trong rau xanh có chứa nhiều chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa rất tốt, tránh tình trạng táo bón và giảm nồng độ các chất gây ung thư trong ruột.
Bên cạnh đó, người bệnh sau khi được thực hiện phẫu thuật cũng cần bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất cũng như nguyên tố vi lượng để giúp cơ thể tăng sức đề kháng, tránh bệnh tái phát. Đây cũng là cách giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, phòng chống bệnh tật.
Nên bổ sung selen và beta carotene
Đây là hai chất rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là ngăn ngừa tái phát, phòng chống ung thư. Một số thực phẩm giàu Selen có thể kể đến như một số loại cá biển (cá thu, cá ngừ, cá hồi,…), các loại ngũ cốc nguyên hạt, nấm, lòng đỏ trứng. Beta carotene chính là tiền chất vitamin A. Loại dưỡng chất này có nhiều trong các loại trái cây màu vàng, màu cam và các loại rau màu xanh đậm.
Người bệnh nên ăn rau xanh để hỗ trợ hệ tiêu hóa
Tránh thực phẩm lên men, chế biến sẵn
Ngoài việc bổ sung các loại dinh dưỡng trên, bệnh nhân cũng cần hạn chế một số loại thực phẩm lên men và thực phẩm chế biến sẵn. Cụ thể:
Những thực phẩm lên men chẳng hạn như cà muối, dưa muối,… có thể gây tác động xấu đến vết mổ và đường ruột. Nó cũng chính là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư.
Những thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói,… cũng là những loại đồ ăn có tiềm ẩn nguy cơ ung thư mà tất cả chúng ta cần tránh.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên hạn chế ăn một số loại thực phẩm gây nóng như ớt, hạt tiêu, một số loại đồ uống lên men như bia rượu,…
Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, người bệnh cần chăm sóc, vệ sinh vết mổ tốt và tuân thủ những chỉ định của bác sĩ để vết thương nhanh lành, cơ thể nhanh hồi phục và tăng hiệu quả điều trị.
Bệnh nhân cần được tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng sau mổ có thể gọi đến số 1900 56 56 56 để được các chuyên gia dinh dưỡng của Bệnh viện Đa Khoa MEDLATEC tư vấn trực tiếp.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!