Tin tức
Chủ quan không tầm soát sớm, nữ bệnh nhân 41 tuổi phải cắt bỏ toàn bộ cổ tử cung do ung thư
- 02/04/2025 | Nhờ xét nghiệm HPV tại nhà, người phụ nữ 35 tuổi phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
- 03/04/2025 | Tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần và một số lưu ý khi tầm soát
- 10/04/2025 | Nhận biết tiền ung thư cổ tử cung và gợi ý cách phòng ngừa
Phát hiện ung thư cổ tử cung từ biểu hiện rối loạn kinh nguyệt
Vừa qua, Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Cầu Giấy tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ A.D.H (41 tuổi, ở Hà Nội) đến khám do ra máu âm đạo thẫm màu dù không trong chu kỳ kinh nguyệt. Triệu chứng kéo dài đến ngày thứ 7 khiến chị lo lắng và quyết định đi thăm khám.
Tại Phòng khám, qua thăm khám phụ khoa, bác sĩ ghi nhận âm đạo có ít máu thẫm, đồng thời phát hiện tổn thương ở môi trên cổ tử cung, chạm vào dễ chảy máu.
Nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý ác tính, bác sĩ chỉ định chị H. thực hiện xét nghiệm HPV Genotype PCR - phương pháp giúp sàng lọc sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus HPV type 16 - một trong những chủng nguy cơ rất cao gây ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, chỉ số xét nghiệm SCC của bệnh nhân tăng cao, đây là chất chỉ điểm thường tăng trong các bệnh lý bất thường, hoặc ung thư của tế bào biểu mô vảy (có mặt ở thực quản, bề mặt cổ tử cung...).
Nhằm làm rõ tình trạng bệnh, bác sĩ tiếp tục tiến hành soi cổ tử cung và sinh thiết vùng tổn thương. Kết quả mô bệnh học xác định ung thư biểu mô vảy tại chỗ cổ tử cung. Để đánh giá chính xác giai đoạn bệnh, chị H được chỉ định chụp MRI vùng tiểu khung, hình ảnh cho thấy khối u ở cổ tử cung, kích thước 25x15mm - tương ứng giai đoạn IB1 theo phân loại của Hiệp hội Sản phụ khoa Quốc tế (FIGO).
Hình ảnh MRI cho thấy khối u ở thành trước cổ tử cung, kích thước 25x15mm
Bác sĩ chẩn đoán xác định chị H. mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn I. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ cổ tử cung và hiện đang tiếp tục điều trị hóa chất và xạ trị theo phác đồ.
Ung thư cổ tử cung - Nỗi ám ảnh với phái đẹp toàn cầu
Dù các phương tiện truyền thông không ít lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của ung thư cổ tử cung, nhưng nhiều chị em vẫn còn thờ ơ, xem nhẹ mối hiểm họa đang âm thầm đe dọa sức khỏe, tính mạng.
Số liệu thống kê từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2022 chỉ ra, ung thư cổ tử cung đứng thứ 4 về số ca mắc mới ở nữ giới với 662.301 trường hợp và 348.874 ca tử vong.
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ác tính nguy hiểm
Theo WHO có 99,7% trường hợp ung thư cổ tử cung liên quan đến virus HPV - loại virus có khoảng gần 200 type. Trong đó, phổ biến nhất là type 16 và 18 - nguyên nhân của hơn 70% trường hợp gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới.
Điều khiến ung thư cổ tử cung trở nên đáng sợ không chỉ là tính chất ác tính, mà còn bởi sự “lặng thầm” kéo dài trong giai đoạn đầu của bệnh. Nhiều phụ nữ mang mầm bệnh suốt 10 - 15 năm mà không hề hay biết, bởi những dấu hiệu ban đầu như ra máu bất thường, khí hư đổi màu, đau bụng dưới nhẹ… thường bị nhầm lẫn với rối loạn nội tiết, hoặc các vấn đề phụ khoa thông thường.
Tuy nhiên, chính thời gian tiến triển tiền ung thư kéo dài lại là cơ hội “vàng” cho việc tầm soát và can thiệp kịp thời. Nhờ những tiến bộ của y học hiện đại, ngày nay, phụ nữ có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình thông qua các phương pháp sàng lọc tiên tiến - điển hình là xét nghiệm HPV Genotype Real-time PCR. Đây là kỹ thuật có khả năng nhận diện chính xác các chủng HPV nguy cơ cao từ rất sớm, từ đó tăng khả năng phát hiện bệnh ở giai đoạn tiền ung thư, nâng cao tỷ lệ điều trị thành công.
Khuyến cáo từ Bộ Y tế đưa ra, nữ giới đã quan hệ tình dục, đặc biệt từ 21 tuổi cần xét nghiệm tế bào cổ tử cung, từ 25 tuổi xét nghiệm sàng lọc HPV để kịp thời xử trí trong trường hợp phát hiện các bất thường ở cổ tử cung.
Chụp cộng hưởng từ MRI - Công cụ “vàng” chẩn đoán, tiên lượng, định hướng điều trị ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng.
Trong quá trình chẩn đoán xác định, tiên lượng bệnh và xây dựng phác đồ điều trị, một trong những kỹ thuật hình ảnh quan trọng và được đánh giá cao hiện nay là chụp cộng hưởng từ (MRI). Kỹ thuật này được ví như “mắt thần” giúp bác sĩ nhìn thấy rõ cấu trúc tổn thương bên trong cơ thể mà không cần can thiệp xâm lấn.
ThS.BS Lê Quỳnh Sơn - Trưởng Phòng CT - MRI, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC cho biết: So với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác trong bệnh lý ung thư cổ tử cung, chụp MRI có ưu thế vượt trội trong việc đánh giá chính xác vị trí tổn thương, kích thước và mối tương quan của tổn thương với các cấu trúc lân cận như thành âm đạo, dây chằng rộng, bàng quang, trực tràng. Qua đó, kỹ thuật giúp xác định chính xác giai đoạn bệnh, là yếu tố then chốt để tiên lượng và lựa chọn hướng điều trị phù hợp - phẫu thuật triệt căn, xạ trị, hóa trị, hoặc kết hợp đồng thời các phương pháp. Ngoài ra, MRI còn cho phép đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện tái phát sớm (nếu có).
Chụp cộng hưởng từ chẩn đoán, định hướng điều trị ung thư cổ tử cung tại MEDLATEC
Hệ thống Y tế MEDLATEC quy tụ đội ngũ chuyên gia, cùng năng lực, trang thiết bị giúp chị em tầm soát ung thư cổ tử cung từ khi manh nha. Đừng chờ đến khi cơ thể “lên tiếng” mới hành động - hãy tầm soát sớm ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc và tương lai của chính bạn.
Mọi thông tin cần tư vấn thêm, hoặc đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC, người dân vui lòng liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời nhất.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
