Từ điển bệnh lý

Ung thư cổ tử cung : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Ung thư cổ tử cung

Cổ tử cung nằm giữa âm đạo và tử cung, độ dài là khoảng 5cm. Đầu mở của cổ tử cung được bao phủ bởi một lớp mô mỏng được tạo từ thành tế bào, đầu này thông với âm đạo.

Ung thư cổ tử cung hình thành do tế bào ở đây phát triển đột biến tạo nên khối u ở cổ tử cung. Những tế bào này nhân lên một cách mất kiểm soát mà không chết đi theo quy luật thông thường. Dần dần chúng phát triển tấn công sang những mô lân cận, giai đoạn muộn còn di căn tới những cơ quan khác.

Mô phỏng cấu tạo tử cung ở nữ giới

Mô phỏng cấu tạo tử cung ở nữ giới

Tại Việt Nam, tỷ lệ nguy cơ nhiễm virus HPV ít nhất một lần trong đời ở nữ giới lên đến 80%. Trong đó, HPV là nguyên nhân chủ yếu gây nên ung thư cổ tử cung. Phụ nữ ở độ tuổi từ 20 - 30 có tỷ lệ nhiễm cao nhất (20 - 25%).

Ở nước ta trung bình mỗi ngày có thêm 14 ca mắc mới, trong đó có 7 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. So với những biến chứng về thai sản thì con số này cao gấp 2 - 3 lần. Đáng lo ngại hơn, số liệu trên thế giới cho thấy số người chết vì ung thư cổ tử cung lớn hơn rất nhiều lần so với những ca tử vong vì các bệnh lao, HIV và sốt rét cộng lại.


Nguyên nhân Ung thư cổ tử cung

Như ở trên đã đề cập, virus HPV là thủ phạm chính gây nên ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Nguyên nhân này chiếm gần 99% các ca bị ung thư cổ tử cung và lưu hành phổ biến nhất là virus HPV type 16 và 18 (chiếm 70% nguyên nhân gây bệnh).

Virus HPV là một trong những nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Virus HPV là một trong những nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Loại virus này có thể lây lan giữa người với người qua con đường: tiếp xúc da với da, quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn, thậm chí quan hệ tình dục bằng miệng hoặc tay.

Khi HPV lây nhiễm vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ làm nhiệm vụ chống lại sự xâm nhập này. Tuy nhiên nếu hệ miễn dịch bị suy yếu thì các chị em rất  có khả năng bị ung thư cổ tử cung trong tương lai vì không phải lúc nào cơ thể cũng đủ khoẻ mạnh để chống lại các loại virus.


Triệu chứng Ung thư cổ tử cung

Trong giai đoạn đầu bệnh thường diễn tiến rất thầm lặng và không gây ra những biểu hiện điển hình để người bệnh dễ nhận biết. Những triệu chứng dưới đây sẽ cảnh báo một người có đang gặp nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung hay không: 

  • Các bất thường ở dịch tiết âm đạo: dịch tiết có mùi hôi, màu xám đục và số lượng tiết dịch nhiều hơn bình thường;
  • Những thay đổi khi tiểu tiện: đi tiểu nhiều, tiểu gấp, tiểu rắt;
  • Chảy máu âm đạo: đây là một triệu chứng đặc trưng và dễ nhận biết nhất của ung thư cổ tử cung. Hiện tượng này có thể xảy ra sau mãn kinh, sau khi quan hệ tình dục, sau kỳ kinh nguyệt, rong kinh, hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt ra quá nhiều máu một cách bất thường;

Chảy máu âm đạo và đau vùng chậu bất thường là một trong những dấu hiệu cảnh báo mắc ung thư cổ tử cung

Chảy máu âm đạo và đau vùng chậu bất thường là một trong những dấu hiệu cảnh báo mắc ung thư cổ tử cung

  • Chân bị sưng đau: nguyên nhân là do khối u phát triển quá to làm chèn ép dây thần kinh cũng như mạch máu vùng chậu khiến chân bị sưng đau. Cơn đau còn kéo dài dai dẳng, cũng có thể biến mất trong vài ngày, nhưng sau đó lại đau nặng hơn.
  • Đau vùng chậu: là khi khối u đã xâm lấn sang vùng xương chậu. Cần phân biệt với đau vùng chậu trong kỳ kinh nguyệt, đau vì quan hệ tình dục hoặc đau khi đi tiểu.

Các biến chứng Ung thư cổ tử cung

Bên cạnh các biểu hiện bất thường gây khó chịu và đau đớn cho người bệnh, dưới đây là các biến chứng do ung thư cổ tử cung gây nên:

  • Chảy máu tạng: khi khối u ở cổ tử cung xâm lấn âm đạo, bàng quang, trực tràng hoặc ruột có thể dẫn đến chảy máu.
  • Vô sinh: cổ tử cung vốn là nơi để tinh trùng và trứng phát triển. Nếu bệnh nhân bắt buộc phải cắt bỏ cổ tử cung khi điều trị thì sẽ khiến họ mất đi khả năng làm mẹ. Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể bị mãn kinh sớm nếu bị cắt bỏ buồng trứng.
  • Suy thận: có trường hợp khối u cổ tử cung xâm lấn niệu quản, gây chèn ép, cản trở nước tiểu đi ra khỏi thận. Lâu ngày nước tiểu tích tụ sẽ khiến thận bị sưng, gây sẹo làm chức năng thận bị suy giảm.
  • Ảnh hưởng tâm lý: ung thư cổ tử cung cũng khiến bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, nguyên nhân gây bệnh trầm cảm và ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của người bệnh và gia đình.

Đối tượng nguy cơ Ung thư cổ tử cung

Những người kèm theo các yếu tố nguy cơ dưới đây sẽ có khả năng cao bị mắc ung thư cổ tử cung hơn so với người bình thường:

  • Hút thuốc lá: loại sản phẩm này chứa nhiều nicotine gây suy yếu hệ miễn dịch, làm stress oxy hoá, gây mất cân bằng các gen và dễ sinh ung thư;
  • Có quá nhiều bạn tình: nghiên cứu cho thấy nếu một người phụ nữ có nhiều hơn 7 đối tác quan hệ tình dục trong cuộc đời, hoặc có hơn 2 bạn tình trong vòng 1 năm thì sẽ tăng nguy cơ nhiễm virus HPV. Bên cạnh đó, nếu giao hợp khi tuổi còn vị thành niên cũng có khả năng cao mắc bệnh do ở thời điểm này các tế bào mô cổ tử cung chưa phát triển đầy đủ, chúng đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tổn thương;
  • Hệ miễn dịch suy giảm: hệ miễn dịch được coi là lá chắn bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập, tàn phá của các tế bào ung thư. Do đó nếu hệ miễn dịch yếu kém sẽ tạo điều kiện cho những khối u phát triển;
  • Mang thai khi còn quá trẻ, hoặc mang thai nhiều lần: khi chưa đủ 17 tuổi mà đã mang thai thì sẽ gây tổn thương cho cơ quan sinh sản vì cơ thể chưa phát triển hoàn thiện. Những người mang thai từ 4 lần trở lên cũng đối mặt với nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn;
  • Các nhân tố khác: lười vệ sinh cá nhân, thường xuyên lạm dụng thuốc tránh thai, nhiễm chlamydia, lạc nội mạc tử cung,...

Phòng ngừa Ung thư cổ tử cung

Nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có hy vọng chữa khỏi. Do đó, mỗi chị em phụ nữ cần: 

  • Thực hiện tiêm vắc xin phòng HPV khi đủ điều kiện;

Tiêm vắc xin là một trong những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu

Tiêm vắc xin là một trong những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu

  • Tầm soát ung thư hàng năm;
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vùng kín;
  • Khi quan hệ tình dục cần ý thức sử dụng biện pháp bảo vệ;
  • Có lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân bằng, tập luyện thể dục thể thao điều độ,...

Các biện pháp chẩn đoán Ung thư cổ tử cung

Ngăn ngừa và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung theo Hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ

Dưới đây là các nguyên tắc chị em phụ nữ cần biết để có thể tầm soát ung thư cổ tử cung đúng cách:

  • Mọi phụ nữ đều nên bắt đầu thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung khi bước vào tuổi 21;
  • Nữ giới trong độ tuổi từ 21 - 29 nên tiến hành xét nghiệm Pap 3 năm/lần. Khi có kết quả xét nghiệm Pap bất thường thì mới nên thực hiện xét nghiệm HPV ở độ tuổi này;

Khi nghi ngờ mắc ung thư cổ tử cung bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn những xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết phát hiện bệnh

Khi nghi ngờ mắc ung thư cổ tử cung bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn những xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết phát hiện bệnh

  • Bước sang tuổi 30, phụ nữ nên kết hợp sàng lọc bằng Pap và HPV 5 năm/lần miễn khi xét  nghiệm cho kết quả bình thường, nên duy trì điều này đến năm 65 tuổi. Hoặc còn 1 lựa chọn khác đó là phụ nữ từ 30 - 65 tuổi có thể vẫn làm xét  nghiệm Pap 3 năm/lần;
  • Trên 65 tuổi, nếu nữ giới đã thực hiện kiểm tra thường xuyên trong vòng 10 năm qua có kết quả bình thường, nên ngưng sàng lọc ung thư cổ tử cung. Còn đối với bệnh nhân đã từng bị ung thư mức độ nặng nên tiếp tục thực hiện sàng lọc ít nhất 20 năm sau, bao gồm cả những người trên 65 tuổi;
  • Những người đã mổ cắt bỏ hoàn toàn tử cung (cả cổ tử cung lẫn tử cung) thì không cần sàng lọc, ngoại trừ trường hợp phẫu thuật cắt tử cung để điều trị tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung. Những người chỉ phẫu thuật cắt tử cung nhưng không loại bỏ cổ tử cung vẫn cần tiếp tục thực hiện sàng lọc ung thư theo hướng dẫn như trên;
  • Phụ nữ mắc hội chứng suy giảm hệ miễn dịch (nhiễm HIV, dùng steroid lâu ngày, trải qua phẫu thuật ghép tạng,...) cần thường xuyên kiểm tra hơn;
  • KHÔNG thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung HÀNG NĂM đối với mọi lứa tuổi ở nữ giới nếu kết quả Pap là bình thường và bản thân không bị hội chứng suy giảm hệ miễn dịch;
  • Ngay cả khi đã tiêm vắc xin phòng HPV, chị em phụ nữ vẫn cần theo dõi sức khoẻ và tuân theo các hướng dẫn này theo đúng nhóm tuổi của mình.

Những người phụ nữ nếu không có kế hoạch sinh con nữa thì vẫn cần tiếp tục thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung theo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, khuyến cáo trên lưu ý rằng không nên sàng lọc hàng năm nhưng nếu người nào có kết quả xét nghiệm bất thường, cần làm xét nghiệm Pap (thậm chí cả xét nghiệm HPV) trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm để theo dõi.

Các loại xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung

  • Xét nghiệm Pap (Papanicolaou): đây là biện pháp thu lượm những mô tế bào ở cổ tử cung, sau đó quan sát các tế bào này dưới kính hiển vi để tìm dấu hiệu tiền ung thư và ung thư;
  • Xét nghiệm HPV: đây là xét nghiệm nhằm kiểm tra chủng HPV gây ung thư cổ tử cung (thường là các chủng phổ biến có nguy cơ cao), bằng cách tìm kiếm, kiểm tra xem trong các tế bào của cổ tử cung có tồn tại các đoạn DNA của chủng virus này không. Có thể thực hiện đồng thời xét nghiệm này với xét nghiệm Pap (tuỳ theo độ tuổi);
  • Xét nghiệm Pap bất thường: điều này báo hiệu bệnh nhân có thể mắc ung thư cổ tử cung, từ đây sẽ tiến hành những xét nghiệm sâu hơn để chẩn đoán chính xác ung thư cổ tử cung.

Các biện pháp điều trị Ung thư cổ tử cung

Biện pháp phẫu thuật loại bỏ ung thư

Thường thì mổ cắt bỏ hoàn toàn tử cung sẽ được áp dụng khi bệnh ở giai đoạn đầu, giúp điều trị ngăn chặn sự lan rộng của ung thư và phòng ngừa tái phát. Tuy nhiên điều này cũng khiến bệnh nhân mất đi khả năng sinh sản.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần dành ít nhất 4 - 8 tuần để nghỉ ngơi phục hồi và trở lại đời sống sinh hoạt bình thường.

Xạ trị

Xạ trị hoạt động theo cơ chế tiêu diệt các tế bào ung thư thông qua chùm tia X hoặc proton có mức năng lượng cao. Liệu pháp này có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp cùng hoá trị để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật cắt bỏ, hoặc sử dụng sau khi phẫu thuật để xoá bỏ nốt những tàn dư của tế bào ung thư còn sót lại. 

Xạ trị

Xạ trị

Xạ trị có thể khiến cho phụ nữ đang trong thời kỳ tiền mãn kinh có thể bị dừng kinh nguyệt và bắt đầu giai đoạn mãn kinh sớm. Bệnh nhân cần có kế hoạch bảo quản trứng trước khi bắt đầu xạ trị nếu có ý định thụ thai sau khi điều trị.

Hóa trị

Hoá trị là dùng thuốc đường tiêm để tiêu diệt ung thư. Xạ trị liều thấp có thể kết hợp với hoá trị do hoá trị có khả năng cải thiện hiệu quả của tia bức xạ. Thường ở giai đoạn bệnh tiến triển sẽ cần phải sử dụng liều hoá trị cao hơn.

Lưu ý sau khi điều trị ung thư

Sau khi kết thúc đợt điều trị, bệnh nhân cần tái khám 3 - 6 tháng/lần. Bởi vì ung thư cổ tử cung hoàn toàn có khả năng tái phát sau nhiều năm điều trị. Vì vậy tái khám giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.