Tin tức

Chụp cộng hưởng từ cho trẻ em vấn đề được cha mẹ quan tâm

Ngày 29/08/2019
BS. Trần Văn Thụ, Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Người lớn chụp cộng hưởng từ để đánh giá, chẩn đoán bệnh lý vốn là điều không có gì xa lạ nữa nhưng đối với trẻ em thì sao? Việc chụp cộng hưởng từ cho trẻ em có gì khác với người lớn hay không, khi nào nên thực hiện? Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu về vấn đề này.

1. Tổng quan về phương pháp chụp cộng hưởng từ

1.1. Thế nào là chụp cộng hưởng từ?

Chụp cộng hưởng từ (còn gọi là MRI) là kỹ thuật tạo hình cắt lớp sử dụng từ trường và sóng radio tác động và làm cho nguyên tử Hydrogen trong cơ thể hấp thụ và phóng thích năng lượng sóng RF. Khi quá trình này xảy ra, máy chụp sẽ thu nhận, xử lý rồi chuyển đổi thành các tín hiệu dưới dạng hình ảnh.

Hình ảnh máy chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC

Máy chụp cộng hưởng từ

Điều đặc biệt đáng nói là hình ảnh do máy MRI thu được chi tiết giải phẫu tốt, độ tương phản cao, có khả năng tái tạo 3D và không có tác dụng phụ. Vì thế kỹ thuật này ngày càng được chỉ định rộng rãi cho chẩn đoán nhiều bệnh lý bên trong cơ thể.

1.2. Khả năng phát hiện bệnh qua chụp cộng hưởng từ

Chụp cộng hưởng từ có thể áp dụng cho hầu hết các cơ quan trong thể, nhất là não, tim mạch, cơ xương khớp và một số bệnh ung thư:

- Bệnh về não

MRI giúp phát hiện một loạt bệnh lý của não như nang, xuất huyết, phù nề, khối u, bất thường về cấu trúc… Không những thế, nó còn xác định thông động tĩnh mạch, tổn thương não. Trong nhiều trường hợp, MRI còn phát hiện các bệnh mãn tính của hệ thần kinh. Thông qua những hình ảnh rõ ràng về nhu mô não mà bác sĩ chẩn đoán ít sai sót các bệnh lý tuyến yên và thân não.

- Bệnh cơ xương khớp

Chụp cộng hưởng từ được xem là phương pháp tạo ảnh tốt nhất về cơ xương khớp, có khả năng đánh giá chính xác toàn bộ cấu trúc của vùng này. Cũng vì thế mà các dấu hiệu liên quan tới tổn thương xương, cơ gân, sụn, dây chằng,… nhanh chóng được phát hiện.

- Bệnh ung thư

Độ phân giải tổ chức cao cùng khả năng chụp được nhiều bình diện, có nhiều chuỗi xung thăm khám của MRI giúp cho việc phát hiện các tổn thương ở mức tế bào trở nên dễ dàng hơn. Nhờ đó mà bác sĩ đánh giá được sự thay đổi chức năng của tổ chức, phát hiện sớm các bệnh lý ung thư.

Mặt khác, với kỹ thuật chụp MRI, bác sĩ còn phát hiện, phân biệt và cảnh báo được tổn thương lành hay ác tính; di căn nghiêm trọng hay thông thường của tế bào ung thư. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc lên phác đồ điều trị, hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

2. Chụp cộng hưởng từ cho trẻ em có gì khác so với người lớn?

2.1. Đặc thù của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ cho trẻ em

MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cung cấp nhiều thông tin phục vụ chẩn đoán hầu hết các loại bệnh lý, là căn cứ để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, thời gian người chụp cần nằm yên trong lồng chụp là khá dài (20 – 60 phút).

Chụp cộng hưởng từ cho trẻ em cần sự hỗ trợ của gây mê

Chụp cộng hưởng từ cho trẻ em cần sự hỗ trợ của gây mê

Từ trước tới nay, chụp cộng hưởng từ luôn là một thử thách cho tất cả mọi người vì khoảng thời gian nằm khá lâu, dễ gây ra tâm lý bất an. Chụp cộng hưởng từ cho trẻ em sẽ khó khả thi vì trẻ rất khó nằm yên được trong khoảng thời gian như vậy. Xuất phát từ thực tế ấy, bệnh nhi được chỉ định chụp cộng hưởng từ cần phải có sự hỗ trợ của gây mê. Đây chính là điểm khác so với việc chụp MRI ở người lớn.

Mặt khác, chụp MRI cần phải nằm trong lồng kín của buồng chụp nên điều này càng trở nên khó khăn hơn với đối tượng chụp là trẻ mắc chứng tự kỷ, hạn chế về trí tuệ và ngôn ngữ. Trong những trường hợp này, nếu không sử dụng thuốc an thần thì không thể chụp được.

2.2. Chụp MRI thành công ở trẻ tự kỷ

Đặc thù chụp cộng hưởng từ cho trẻ em khó khăn là vậy nhưng mới đây, các nhà nghiên cứu nhiều lĩnh vực học thuật thuộc Đại học Brigham Young và Đại học Utah đã thành công trong việc chụp MRI cho trẻ tự kỷ và phát hiện ra những điều thú vị góp phần giúp việc điều trị bệnh trở nên hiệu quả.

Bằng cách sử dụng một loạt biện pháp hỗ trợ hành vi giảm thiểu lo lắng và sợ hãi,… họ đã chụp cộng hưởng từ chức năng và cấu trúc cho 37 trẻ tự kỷ gồm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên. 17 trường hợp trong số đó hạn chế phát triển ngôn ngữ và có chỉ số IQ trung bình 54.

Trấn an, tạo tâm lý thoải mái cho trẻ trước khi chụp MRI

Trấn an, tạo tâm lý thoải mái cho trẻ trước khi chụp MRI

Mục đích của nghiên cứu này nhằm tìm ra cách thức theo dõi não bộ của trẻ tự kỷ khi não đang trong trạng thái tỉnh và hoạt động. Để thực hiện, nhóm đã tạo ra một video giải thích từng bước của quá trình chụp MRI cho trẻ xem trước nhiều lần ở nhà. Nhóm cũng cung cấp cho gia đình trẻ các file chứa tiếng động của máy MRI để cho trẻ biết trước và làm quen với âm thanh này khi bước vào chụp thực tế.

Sau quá trình làm quen tại nhà, trẻ sẽ đến trước máy MRI và thử ấn nút điều khiển của máy, trẻ quan sát máy chuyển động lên xuống. Đến khi chụp thật, bác sĩ sẽ trấn an, nắm tay trẻ đồng thời nhắc trẻ không cử động. Điều tuyệt vời đã xảy ra, họ đã chụp cộng hưởng từ cho trẻ em thành công với nhóm trẻ tự kỷ.

Với kết quả là hình ảnh thu được, nhóm nghiên cứu đã phân tích, so sánh nhóm hạn chế ngôn ngữ với nhóm trẻ có chức năng cao hơn, trẻ bình thường. Kết quả là họ phát hiện ra, nhiều hệ thống trong não của nhóm trẻ hạn chế ngôn ngữ không hoạt động đồng bộ. Điều này có nghĩa là xảy ra tình trạng thuyên giảm tương tác giữa 2 bán cầu não trái và phải. Bên cạnh đó, họ cũng phát hiện ra mức độ kết nối hệ thống trong não bộ của trẻ trong nhóm hạn chế ngôn ngữ cao hơn nhóm trẻ bình thường.

Từ kết quả nghiên cứu của mình, đồng chủ nhiệm nghiên cứu, PGS. Mikle South cho biết: khi trẻ bị hạn chế ngôn ngữ đôi khi não trẻ sẽ hoạt động mạnh hơn. Mức độ tập trung của não thất thường, lúc thì quá cao lúc lại quá thấp. Khi trẻ để ý đến những việc khác nhau thì não bộ cũng có nhiều cách thức hoạt động khác nhau.

Thành công bước đầu trong việc chụp cộng hưởng từ cho trẻ tự kỷ đã  mở ra hy vọng về việc can thiệp điều trị cho nhóm trẻ này trong tương lai, giúp trẻ và gia đình có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Như vậy, chụp cộng hưởng từ cho trẻ em là nhóm đối tượng đặc thù nên chỉ thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa và cần phải can thiệp bằng thuốc gây mê để quá trình chụp thu được kết quả chính xác. Nếu cần thêm bất kỳ thông tin nào khác về vấn đề này, bạn đọc có thể gọi tới hotline 1900 56 56 56, chuyên viên y tế của Bệnh viện đa khoa MEDLATEC luôn sẵn lòng giải đáp cặn kẽ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.