Tin tức

Clindamycin trị mụn có tốt không và cách sử dụng Clindamycin hiệu quả

Ngày 26/02/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Trên thị trường hiện nay có không ít các sản phẩm với chức năng trị mụn vô cùng hiệu quả, trong đó cần phải kể đến Clindamycin. Việc sử dụng Clindamycin trị mụn cần phải tìm hiểu kỹ các thông tin về liều dùng, công dụng,... để tránh nguy cơ gặp phải các phản ứng phụ cho da.

1. Thông tin chung về hoạt chất Clindamycin trị mụn

Clindamycin là một hoạt chất kháng sinh thuộc nhóm Lincosamid. Sau khi được hấp thu, Clindamycin sẽ hình thành liên kết với ribosom giúp ngăn cản vi khuẩn thực hiện quá trình tổng hợp Protein. Đây là hoạt chất có khả năng tiêu diệt vi khuẩn ở nồng độ cao và kìm khuẩn nếu ở nồng độ thấp. 

Chính vì công dụng nêu trên nên Clindamycin được ứng dụng trong điều trị những vết mụn trứng cá nhiễm khuẩn từ nhẹ đến vừa. Nó có mặt khá phổ biến trong các thuốc trị mụn ở dạng bôi tại chỗ, dạng uống thì ít được dùng để điều trị các bệnh về da hơn. Bởi vì các chuyên gia y tế phát hiện ra rằng Clindamycin nếu dùng theo đường uống thì dễ gặp phải nhiều tác dụng phụ hơn so với đường bôi. Ngoài ra, theo các nghiên cứu chỉ ra thì Clindamycin khi kết hợp cùng Benzoyl peroxide sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn so với việc dùng riêng lẻ. 

Không thể phủ nhận công dụng trị mụn của Clindamycin nhưng vì đây là một loại kháng sinh nên cần phải dùng theo chỉ định của bác sĩ, nếu không sẽ dễ dẫn tới quá liều hoặc kháng thuốc khi bệnh nhân tự ý sử dụng.


Clindamycin là một hoạt chất kháng sinh thường được dùng để trị mụn

Những loại vi khuẩn Clindamycin có thể điều trị được bao gồm: Pneumococcus, Fusobacterium spp, Staphylococcus epidermidis, Bacteroides (B. fragilis), Staphylococcus aureus, Clostridium perfringens, Peptostreptococcus spp., Propionibacterium acnes (P. acnes),...

Những đối tượng không nên sử dụng Clindamycin trị mụn đó là:

  • Bệnh nhân bị mẫn cảm với các thành phần của thuốc hoặc dị ứng với Clindamycin (hay bất kỳ hoạt chất nào thuộc nhóm Lincosamid).
  • Người sử dụng thuốc lá, rượu bia hoặc có hệ tiêu hóa kém.
  • Bệnh nhân đang bị nổi mề đay, gặp phải triệu chứng khó thở hoặc nếu trong quá trình sử dụng phát sinh một số triệu chứng bất thường thì cần phải ngừng dùng thuốc và đi khám lại ngay.
  • Không kết hợp thuốc Clindamycin với những hoạt chất hay kháng sinh khác.

2. Hướng dẫn sử dụng Clindamycin trị mụn đúng cách

2.1. Liều dùng phù hợp

Tùy thuộc vào từng tình trạng mụn và dạng bào chế của thuốc mà liều dùng Clindamycin ở mỗi người có thể sẽ khác nhau:

Đối với dạng bọt:

  • Trẻ trơ sinh, trẻ nhỏ dưới 12 tuổi: việc sử dụng phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa.
  • Trẻ trên 12 tuổi và người lớn: dùng 1 lần/ngày cho những vị trí bị mụn.

Đối với dạng gel bôi tại chỗ:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tuổi: dùng theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa.
  • Trẻ trên 12 tuổi và người lớn: bôi 2 lần/ngày lên vị trí da nổi mụn.

2.2. Những lưu ý khi dùng thuốc Clindamycin trị mụn

Để đảm bảo thuốc Clindamycin phát huy tối đa hiệu quả trong quá trình sử dụng, bạn nên tham khảo kỹ những lưu ý dưới đây:

  • Rửa sạch sẽ vùng da bị mụn với sữa rửa mặt (nếu mụn xuất hiện ở da mặt), nước ấm và xà phòng nếu ở vùng da khác. Sau đó lau khô da và đợi khoảng 30 phút thì mới bôi thuốc để tránh tình trạng kích ứng da vì chất cồn trong thuốc.
  • Clindamycin dạng bọt có chứa cồn nên người bệnh không được dùng thuốc ở nơi gần lửa, nhiệt độ cao hoặc khi đang hút thuốc lá.
  • Không xịt trực tiếp bọt thuốc lên tay, thay vào đó hãy giữ bình thuốc theo tư thế thẳng đứng rồi ấn mạnh và dàn thuốc đều trên vùng da bị mụn.
  • Không để thuốc vương vào mắt, mũi, miệng. Nếu chẳng may thuốc bị dây vào mắt thì cần rửa mắt bằng nước sạch ngay.
  • Dùng thuốc theo đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ, nếu dùng quá liều sẽ khiến da trở nên khô hơn và bị kích ứng do thành phần cồn chứa trong thuốc.
  • Sau khi sử dụng không được vứt thuốc vào đường ống dẫn nước hay toilet. 
  • Nếu thuốc đã quá hạn sử dụng, biến đổi tính chất thì cần vứt thuốc ngay.
  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng và không để thuốc trong môi trường ẩm ướt như phòng tắm hoặc ngăn đá.
  • Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ cũng như thú cưng.

Việc sử dụng Clindamycin trị mụn cần phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ da liễu

Việc sử dụng Clindamycin trị mụn cần phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ da liễu

Tùy từng trường hợp, thuốc Clindamycin có thể sẽ không giúp điều trị khỏi hoàn toàn tình trạng mụn của bạn. Tuy nhiên bạn vẫn cần phải tuân thủ hoàn thành việc dùng thuốc trong suốt quá trình điều trị, không được tự ý ngừng dùng thuốc khi triệu chứng đã thuyên giảm. Bởi vì nếu dừng thuốc quá sớm, không theo chỉ định thì mụn có thể tái phát và gây ra tình trạng nhờn thuốc.

3. Thuốc Clindamycin có thể gây ra những tác dụng phụ như thế nào?

Nếu dùng quá liều Clindamycin hoặc dùng thuốc này trong thời gian dài thì có thể gây ra những phản ứng phụ không mong muốn, ảnh hưởng tới làn da và sức khỏe của người bệnh, cụ thể như sau:

Những tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Sốt.
  • Tiêu chảy, trong phân có thể bị lẫn máu.
  • Co thắt dạ dày, đau bụng, đầy hơi.
  • Buồn nôn, thậm chí ói mửa.
  • Sụt cân bất thường.
  • Suy nhược hoặc cơ thể mệt mỏi.
  • Thường xuyên khát nước.

Nhũng tác dụng phụ ít gặp: trên da xuất hiện triệu chứng ngứa, đỏ, phát ban hoặc kích ứng.

Những phản ứng phụ thường gặp hơn:

  • Đau đầu.
  • Da bị khô, bong tróc, đóng vảy (khi dùng thuốc Clindamycin dạng dung dịch bôi ngoài da).
  • Nhờn da, da bị kích ứng.
  • Da có cảm giác bị nóng rát hoặc châm chích sau khi bôi thuốc,

Một trong những tác dụng phụ của Clindamycin là có thể khiến da bạn bị kích ứng

Một trong những tác dụng phụ của Clindamycin là có thể khiến da bạn bị kích ứng

Ngoài những tác dụng ngoại ý nêu trên, bệnh nhân cũng có thể gặp phải những phản ứng phụ khác khi sử dụng Clindamycin trị mụn. Nếu bạn gặp phải những triệu chứng nêu trên thì hãy tạm thời ngưng sử dụng thuốc và liên hệ với bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp hơn.

Như vậy, Clindamycin trị mụn là biện pháp được ứng dụng khá phổ biến trong ngành da liễu. Đây là một trong những hoạt chất kháng sinh có tác dụng trị mụn khá hiệu quả nhưng bệnh nhân chỉ được dùng khi có chỉ định từ bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc để hạn chế những vấn đề về sức khỏe có thể gặp phải do dùng thuốc sai cách.

Trong trường hợp bạn đang cần được tư vấn phương pháp điều trị mụn hoặc các bệnh lý khác về da liễu, hãy liên hệ với tổng đài 1900 56 56 56 để được nhân viên y tế của MEDLATEC tư vấn, hướng dẫn đặt lịch khám cùng các bác sĩ Chuyên khoa Da liễu ngay hôm nay!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.