Tin tức

Có những loại thuốc bôi dị ứng thời tiết nào và nguyên tắc khi sử dụng?

Ngày 08/09/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày một trở nên nghiêm trọng khiến con người rất dễ bị dị ứng thời tiết. Đôi khi  điều này chỉ xuất hiện theo mùa nhưng cũng có thể là xảy ra quanh năm. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn điểm danh các loại thuốc bôi dị ứng phổ biến và một số lưu ý cần thiết trong quá trình sử dụng chúng.

1. Dị ứng thời tiết là do đâu?

Những khi thời tiết chuyển mùa và nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh hoặc ngược lại sẽ tạo điều kiện cho các tác nhân gây dị ứng như nấm mốc, phấn hoa, bụi bặm,.... phát triển. Từ đó ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của cơ thể con người.

Khi các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch đôi khi nhận lầm đó là “phần tử" gây hại nên kích hoạt hàng loạt kháng thể và các chất trung gian để đối phó lại với tác nhân lạ đó. Vô hình điều này diễn ra quá mức và gây nên phản ứng dị ứng.

Thời điểm giao mùa là khi cơ thể dễ bị dị ứng nhất

Thời điểm giao mùa là khi cơ thể dễ bị dị ứng nhất

Khi điều này xảy ra sẽ làm xuất hiện các triệu chứng như sau:

  • Nổi mề đay, mẩn ngứa: da phù nề, mảng mề đay có màu hồng hoặc trắng, dày cộm sau khi tiếp xúc với độ ẩm không khí cao, mưa lạnh,...;

  • Da ửng đỏ, ngứa dai dẳng, có biểu hiện sưng rộp, sung huyết và phù nề;

  • Viêm mũi dị ứng: đây là biểu hiện thường gặp ở những bệnh nhân có cơ địa hoặc tiền sử hay bị dị ứng thời tiết. Triệu chứng thường gặp bao gồm hắt hơi, khô và ngứa ngáy niêm mạc mũi, mắt khó chịu, chảy nước mũi, ngạt mũi, mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung, buồn ngủ ngày,...;

  • Chàm: các mảng da nổi mụn nước, đỏ và ngứa ngáy. Các mụn nước này vỡ dần gây trợt loét, dày sừng, khô ráp da và nứt nẻ. Trong trường hợp bệnh nhân bị chàm bội nhiễm thì cần được xử lý sớm để tránh làm nghiêm trọng thêm tổn thương này.

Ngoài ra có thể gặp các triệu chứng khác như: ngứa họng, ho khan, thở khò khè, ngứa ngáy, đỏ mắt, mệt mỏi, chảy nước mắt, chán ăn,.

2. Các biện pháp áp dụng trong điều trị tình trạng dị ứng thời tiết

2.1. Biện pháp không cần dùng thuốc

Người bệnh nên thực hiện những cách sau để làm giảm và ngăn ngừa ảnh hưởng của hiện tượng dị ứng thời tiết:

  • Không hút thuốc lá, tránh xa đồ uống có cồn và hạn chế việc phải tiếp xúc trực tiếp với phấn hoa, khói bụi, thú cưng vì đây là những tác nhân gây dị ứng thường gặp. Vì vậy người bệnh nên mặc quần áo dài tay và đeo khẩu trang khi ra ngoài trời;

  • Ăn nhiều hoa quả và rau xanh, cung cấp cho cơ thể đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh về dị ứng;

  • Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh, lưu ý giữ gìn sức khỏe vào những khi thời tiết chuyển mùa;

  • Không nên chỉnh nhiệt độ ở mức quá thấp khi dùng điều hòa;

  • Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao để tăng cường thể chất;

  • Nên tắm nước ấm để cơ thể không bị sốc nhiệt, giảm mẩn đỏ và tình trạng ngứa ngáy, phát ban do dị ứng thời tiết gây nên;

  • Không nên làm việc quá lâu dưới thời tiết lạnh giá hoặc nắng nóng oi bức và tránh nơi tập trung đông người, ngột ngạt;

  • Xông mũi bằng thảo dược: người bệnh nên thực hiện xông mũi từ 2 - 4 lần/tuần bằng những thảo dược tự nhiên như lá chanh, chè xanh, tinh dầu tràm trà, gừng, xả,... giúp loại bỏ những chất gây dị ứng và làm loãng dịch hô hấp bị tích tụ trong đường thở;

  • Dùng kem dưỡng ẩm cho da khi thời tiết lạnh để làm mềm da, hạn chế tình trạng thô ráp mẩn ngứa.

Nên bổ sung đủ nước mỗi ngày để tăng sức đề kháng

Nên bổ sung đủ nước mỗi ngày để tăng sức đề kháng

2.2. Điều trị bằng thuốc

Dưới đây là các thuốc bôi dị ứng thời tiết bạn có thể tham khảo:

  • Thuốc bôi Tacrolimus Ointment: chỉ định đối với những trường hợp bị vảy nến, viêm da cơ địa, dị ứng thời tiết,... nhưng hoạt lực của thuốc khá mạnh nên dễ khiến bệnh nhân gặp tác dụng phụ;

  • Thuốc bôi Phenergan: giúp cải thiện các biểu hiện mẩn đỏ và ngứa ngáy ngoài da do bị viêm da cơ địa, dị ứng thời tiết hay do các dị nguyên khác. Tuy nhiên những người bị rối loạn chuyển hóa hoặc trên da có vết thương hở không nên sử dụng loại thuốc này;

  • Thuốc bôi Betnovate: đây là thuốc chứa thành phần là corticosteroid được dùng trong các trường hợp bị chàm, vảy nến và dị ứng thời tiết,... hỗ trợ giảm triệu chứng sưng đau và viêm da. Không dùng Betnovate trong trường hợp mẫn cảm với thành phần của thuốc, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú;

  • Thuốc bôi Clobetasol Propionate Cream: tác dụng chính là ngăn chặn tình trạng viêm hoặc dị ứng, ức chế phản ứng viêm da. Bệnh nhân không thoa thuốc lên các nốt mụn trứng cá, chống chỉ định đối với trẻ em dưới 1 tuổi, người dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy gan thận,...;

  • Thuốc bôi Fluocinolone Acetonide Ointment: corticosteroid cũng là một trong các thành phần của thuốc này được dùng để chữa vảy nến và tình trạng viêm ngứa,...;

  • Thuốc bôi Hidem Cream: công dụng của thuốc này là giúp điều trị tổn thương ở da do dị ứng thời tiết gây nên, hay dị ứng do viêm da hoặc bệnh chàm,...;

  • Thuốc bôi Fucicort Cream: thuốc có thành phần chính là betamethasone và fusidic acid với hiệu quả sát khuẩn cao, chống lại phản ứng dị ứng và giảm thiểu các triệu chứng về da như vảy nến, dị ứng thời tiết hay nhiễm trùng. Không nên bôi thuốc lên phần vết thương hở. Thuốc có thể gây nên các tác dụng phụ như khô da, vùng da tổn thương bị thay đổi màu sắc, sưng da,...

3. Lưu ý khi dùng thuốc dị ứng thời tiết

  • Bệnh nhân chỉ dùng thuốc khi được bác sĩ kê đơn;

  • Không tự ý mua thuốc để điều trị khi chưa có sự tư vấn từ bác sĩ, nhất là nhóm corticoid;

  • Rất khó để điều trị dị ứng thời tiết một cách dứt điểm do bệnh này còn phụ thuộc vào hệ miễn dịch và cơ địa của mỗi người. Giải pháp duy nhất đó là hạn chế tiếp xúc với những yếu tố bất lợi của thời tiết và chữa theo từng đợt phát bệnh;

  • Tránh tiếp xúc với dị nguyên như phấn hoa, khói bụi, không nên uống đồ có cồn, không hút thuốc lá để phòng ngừa nguy cơ dị ứng càng bị kích thích trở nên nghiêm trọng hơn.

Thuốc bôi dị ứng thời tiết Phenergan

Trên đây là danh sách những loại thuốc bôi dị ứng thời tiết bạn có thể tham khảo. Nhìn chung trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên đi khám để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.