Tin tức
Cổ tử cung ngắn khi mang thai có sao không và cách khắc phục
- 10/07/2021 | Các phương pháp điều trị cổ tử cung ngắn hiệu quả hiện nay
- 29/06/2021 | Cảnh giác trước các loại ung thư cổ tử cung và mức độ nguy hiểm của nó
- 08/07/2021 | Mẹ bầu bị cổ tử cung ngắn nên kiêng gì và nên làm gì?
1. Thắc mắc của chị em: cổ tử cung ngắn khi mang thai có sao không?
Trong những lần thăm khám thai định kỳ, ngoài việc kiểm tra kích thước, hình dáng, sự phát triển của các cơ quan thai nhi thì còn cần kiểm tra các vấn đề sức khỏe khác của mẹ. Trong đó có chiều dài cổ tử cung, thường đo khi siêu âm qua ngã âm đạo, kết quả chính xác và có độ tin cậy cao. Đặc biệt phụ nữ mang thai có tiền sử sinh non, chuyển dạ sớm hoặc sảy thai sẽ cần lưu ý kiểm tra chiều dài cổ tử cung sớm hơn.
Cổ tử cung được đóng kín trong thời gian mang thai
Cổ tử cung ngắn khi mang thai là khi chiều dài cơ quan này kiểm tra vào giữa tuần thai thứ 14 - 16 đạt dưới 25mm. Siêu âm kiểm tra quá sớm hoặc quá muộn trước thời điểm này, kết quả đo có thể không thể hiện chính xác mẹ bầu có bị cổ tử cung ngắn không cũng như đánh giá nguy cơ. Với sức khỏe tình dục hay khả năng mang thai, cổ tử cung ngắn không gây ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, cổ tử cung ngắn khi mang thai có sao không?
Ở phụ nữ mang thai, cổ tử cung ngắn quá mức khiến chúng giãn ra sớm hơn trước giai đoạn thai trưởng thành và chuẩn bị chuyển dạ, cùng với đó cơ chế bảo vệ thai nhi cũng không được đảm bảo. Chỉ số chiều dài cổ tử cung được sử dụng để đánh giá nguy cơ chuyển dạ sinh non trước 37 tuần tuổi của thai.
Không phải tất cả thai phụ có cổ tử cung ngắn đều bị sảy thai hoặc chuyển dạ sinh non song tỉ lệ này cao hơn. Ngoài ra, bất thường cấu trúc này còn là yếu tố nguy cơ gây các biến chứng như: trẻ sinh nhẹ cân, thai chết lưu, khuyết tật bẩm sinh, chảy máu não,…
Cổ tử cung ngắn là yếu tố nguy cơ gây sinh non
Một số nghiên cứu về ảnh hưởng của cổ tử cung ngắn với quá trình mang thai kết luận, phụ nữ bị tình trạng này có nguy cơ sinh non cao gấp 6 lần bình thường nếu thai đơn và cao gấp 8 lần bình thường với song thai. Bên cạnh cổ tử cung ngắn thì còn nhiều yếu tố nguy cơ gây sinh non khác, thai phụ càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng sinh non càng cao.
Sinh non quá sớm khi các cơ quan của thai nhi chưa phát triển toàn diện có thể khiến trẻ tử vong sau khi sinh hoặc cần thời gian dài nuôi dưỡng đặc biệt sau sinh, sức khỏe và sự phát triển sau này cũng kém hơn trẻ bình thường. Vì thế, việc kéo dài thời gian thai nhi phát triển trong bụng mẹ trong các trường hợp cổ tử cung ngắn là rất quan trọng, tùy vào mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp thích hợp.
2. Phương pháp điều trị cổ tử cung ngắn
Phương pháp chẩn đoán chính xác nhất tình trạng cổ tử cung ngắn là siêu âm qua ngã âm đạo, thời điểm thường được chỉ định thực hiện là khoảng tuần thai thứ 14 - 16. Nếu chiều dài cổ tử cung đo được ngắn hơn 25mm thì được xem là cổ tử cung ngắn, lúc này bác sĩ cần kiểm tra thêm các chỉ số khác để đánh giá nguy cơ.
Siêu âm qua ngã âm đạo chẩn đoán chính xác tình trạng cổ tử cung ngắn
Có hai phương pháp chính điều trị cổ tử cung ngắn đó là khâu vòng cổ tử cung và bổ sung progesterone, mỗi phương pháp có tác động khác nhau để phòng ngừa sinh non.
2.1. Khâu vòng cổ tử cung
Khâu vòng cổ tử cung là kỹ thuật can thiệp không quá phức tạp, cũng không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của thai nằm trong tử cung. Phương pháp này có tác dụng phòng ngừa nguy cơ sảy thai hoặc chuyển dạ sinh non ở những thai phụ bị cổ tử cung ngắn, song chỉ thích hợp với mang đơn thai. Phụ nữ mang song thai hoặc đa thai nếu khâu vòng cổ tử cung có nguy cơ biến chứng nên sẽ xem xét phương pháp ngừa sinh non khác.
Khâu vòng cổ tử cung hiệu quả nhất nếu thực hiện sớm từ giai đoạn đầu của thai kỳ, thường khâu từ tuần 14 - 16, muộn nhất 20 tuần. Khi thai nhi đã lớn hơn 20 tuần tuổi, đạt kích thước nhất định và chiều dài cổ tử cung cũng thay đổi tương ứng thì kỹ thuật không đạt hiệu quả cao nữa.
Phương pháp này không thể thực hiện ở tất cả thai phụ bị cổ tử cung ngắn, bác sĩ cần đánh giá tình trạng sức khỏe cẩn thận, xem xét đáp ứng đủ điều kiện thực hiện thủ thuật mới tiến hành.
Đặt Progesterone có thể giảm nguy cơ sinh non
2.2. Bổ sung Progesterone
Có nhiều dạng bổ sung Progesterone song loại đặt âm đạo vẫn phổ biến nhất để phòng ngừa sinh non ở phụ nữ mang thai có cổ tử cung ngắn. Một nghiên cứu khoa học về hiệu quả của đặt thuốc Progesterone ở những thai phụ này cho biết, phương pháp giúp giảm 44% nguy cơ sinh non trước 33 tuần.
Đây là kết quả tốt với những thai phụ phát hiện tình trạng cổ tử cung ngắn, khả năng sinh non cao. Song vẫn chưa có nghiên cứu khoa học xác minh chính xác phương pháp này có hiệu quả tốt hơn hay không so với khâu vòng cổ tử cung.
Bên cạnh điều trị ngăn ngừa sinh non hoặc sảy thai, thai phụ chẩn đoán cổ tử cung ngắn cần đặc biệt lưu ý về chế độ sinh hoạt, vận động hàng ngày. Chiều dài cổ tử cung càng về cuối thai kỳ khi kích thước thai lớn, gần ngày sinh thì càng ngắn. Vì thế, phụ nữ cổ tử cung ngắn được khuyến cáo nên đi lại chậm rãi, nhẹ nhàng, không làm việc nặng, bê vác quá sức,…
Thay vào đó nên ưu tiên các tư thế nằm, ngồi nghỉ ngơi giảm áp lực tử cung cho vùng dưới, từ đó nguy cơ sinh non cũng được ngăn ngừa.
3. Dấu hiệu bất thường cần lưu ý ở thai phụ cổ tử cung ngắn
Cổ tử cung ngắn có thể gây sinh non hoặc sảy thai sớm ở nhiều phụ nữ mang thai, vì thế các đối tượng này nên đi khám càng sớm càng tốt nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường sau:
Phụ nữ cổ tử cung ngắn cần lưu ý dấu hiệu sinh non
-
Chảy máu âm đạo.
-
Có dịch chảy bất thường từ âm đạo.
-
Có triệu chứng tương tự như chuyển dạ dù chưa đủ tuần thai.
-
Thai nhi ít cử động hoặc ngừng cử động.
Cổ tử cung ngắn khi mang thai có sao không cần phải thăm khám cụ thể, các bác sĩ sẽ có những kết luận cho từng trường hợp thai phụ. Tốt nhất nếu bị tử cung ngắn thì cần đi khám và điều trị sớm trước 20 tuần thai mới đem lại hiệu quả tốt, ngăn ngừa sảy thai và sinh non.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!