Tin tức
Cơn đau quặn thận có nguy hiểm ra sao? Làm thế nào để giảm đau hiệu quả?
- 23/04/2021 | Xử lý khi bị cơn đau quặn thận đúng cách, hạn chế biến chứng
- 07/11/2020 | Cơn đau quặn thận cảnh báo dấu hiệu gì và cách xử lý?
1. Hướng dẫn cách nhận biết cơn đau quặn thận
Khi sỏi di chuyển trong niệu quản và gây tắc đường ở niệu quản làm cho đường dẫn tiểu bị tắc cấp tính, dòng nước tiểu sẽ không thể lưu thông bình thường, dẫn đến tích tụ nước tiểu, gây căng tức vùng đài bể thận và dẫn đến những cơn đau quặn thận.
Sỏi thận là nguyên nhân phổ biến gây ra những cơn đau quặn vùng thận
Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn có thể phân biệt rõ cơn đau quặn thận với những cơn đau xuất phát từ những nguyên nhân khác:
- Vị trí đau thường là một bên vùng thận, vị trí đau phụ thuộc vào vị trí của sỏi và sự di chuyển của sỏi trong niệu quản.
- Đặc điểm cơn đau: Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, dữ dội, không có tư thế giảm đau. Thời gian đau kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Lúc đầu, đau khu trú ở một bên vùng thận, sau đó lan ra trước xuống vùng bẹn, hố chậu hay vùng cơ quan sinh dục ngoài nếu sỏi vùng thấp.
Người bệnh có thể kèm theo biểu hiện nước tiểu đục
- Một số dấu hiệu đi kèm: Ngoài những cơn đau đột ngột và dữ dội, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng kèm theo như sau:
+ Nước tiểu đục, có chứa các hạt nhỏ và có mùi hôi.
+ Một số vấn đề bất thường như bí tiểu, khó tiểu hoặc đi tiểu nhiều hơn.
+ Có máu trong nước tiểu với mức độ khác nhau.
+ Khi bị đau quặn thận, người bệnh cũng có thể kèm theo triệu chứng buồn nôn và nôn.
+ Khi cơn đau kèm theo một số triệu chứng sau, người bệnh có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời:
-
Bệnh nhân bị sốt cao, nghi ngờ nhiễm trùng cấp tính.
-
Không thể tiểu do tắc nghẽn hoàn toàn đường tiểu: Những trường hợp này cần áp dụng biện pháp thông tiểu nhanh chóng.
-
Nôn liên tục và nôn không kiểm soát.
2. Phải làm sao để khắc phục cơn đau quặn thận hiệu quả?
Tất cả những trường hợp đau quặn thận đều cần được xử trí sớm để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc. Bệnh nhân cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời có thể được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm và thăm dò hình ảnh để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, từ đó bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.
2.1. Thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán và theo dõi cơn đau quặn thận
Một số xét nghiệm được chỉ định để phục vụ công tác chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh:
- Xét nghiệm nước tiểu: Mục đích của phương pháp này chính là tìm ra bạch cầu, hồng cầu hay vi khuẩn trong nước tiểu,...
- Chụp X-quang hệ tiết niệu không chuẩn bị nhằm xác định cơn đau có phải do tắc nghẽn sỏi hệ tiết niệu không.
Cần thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán bệnh chính xác
- Siêu âm hệ tiết niệu: Đây là phương pháp đơn giản và cho kết quả nhanh chóng. Vì thế thường là sự lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên, với những trường hợp sỏi bé ở vùng thấp thì rất khó phát hiện.
- Chụp CT hệ tiết niệu không cản quang: So với siêu âm và chụp X-quang thì đây chính là phương pháp tối ưu, giúp bác sĩ có thể dễ dàng xác định được những bất thường trong hệ tiểu niệu, nhất là vị trí và kích thước của sỏi.
2.2. Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác
Đối với những trường hợp xuất hiện các triệu chứng không điển hình. Các bác sĩ có thể thực hiện chẩn đoán phân biệt đau quặn thận với một số vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như:
- Nhồi máu thận do cơ địa bệnh lý tắc mạch: Tình trạng này cần áp dụng phương pháp chụp CT hệ tiết niệu để xác định.
- Viêm ruột thừa: Những cơn đau do viêm ruột thừa khá giống với cơn đau quặn thận. Tuy nhiên, người bệnh vẫn đi tiểu bình thường và không có tiểu ra máu.
- Vỡ phình động mạch chủ bụng: Những trường hợp này, bệnh nhân thường có biểu hiện tăng huyết áp, có tiếng thổi trong bụng,…
- Tắc ruột cấp: Ngoài những cơn đau bụng, bệnh nhân còn có thể bị chướng bụng, nôn nhiều, bí trung đại tiện. Trường hợp này có thể phát hiện bằng phương pháp chụp X-quang bụng, không chuẩn bị có hình ảnh mức nước - mức hơi.
- Vỡ thai ngoài tử cung: Phụ nữ bị vỡ thai ngoài tử cung có thể kèm theo biểu hiện khác như xuất huyết âm đạo, chậm kinh,...
2.3. Phương pháp xử trí cơn đau quặn thận
Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng để điều trị những cơn đau quặn thận:
- Điều trị giảm đau bằng các loại thuốc giảm đau, có thể là thuốc đường uống, thuốc dạng tiêm bắp, thuốc truyền qua đường tĩnh mạch hay thuốc đặt hậu môn,…
- Điều trị nhiễm khuẩn: Đối với những bệnh nhân có triệu chứng sốt do liên quan đến nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, cần được điều trị bằng kháng sinh.
- Điều trị nguyên nhân: Để khắc phục hiệu quả và lâu dài đối với những cơn đau quặn thận, cần điều trị nguyên nhân gây bệnh.
Thực hiện tán sỏi qua da để loại bỏ sỏi thận
Phần lớn các trường hợp bị đau quặn thận là do sỏi thận có kích thước lớn hoặc sỏi nằm ở những vị trí hiểm hóc khiến cho đường dẫn tiểu bị tắc nghẽn. Bác sĩ có thể lựa chọn một số biện pháp để loại bỏ sỏi như tán sỏi qua da, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua nội soi niệu quản hoặc mổ nội soi để loại bỏ sỏi…
Cơn đau quặn thận không chỉ khiến người bệnh khó chịu, đau đớn mà còn có thể gặp nguy hiểm bởi một số biến chứng như suy thận, nhiễm trùng,… Do đó, người bệnh cần được xử trí cơn đau càng sớm càng tốt.
Đối với những trường hợp nguyên nhân do sỏi thận, tỷ lệ tái phát rất cao, cho dù bệnh nhân đã được loại bỏ sỏi hoàn toàn khỏi cơ thể. Vì thế, những trường hợp bệnh nhân mắc sỏi thận, cần duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn khoa học và thăm khám sức khỏe định kỳ.
Nếu cần tư vấn về các vấn đề sức khỏe hoặc có nhu cầu thăm khám bệnh, mời quý khách hàng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo đường dây nóng 1900 56 56 56, MEDLATEC luôn sẵn sàng phục vụ bạn 24/7.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!