Tin tức
Da bị hoại tử: Dấu hiệu nhận diện và cách xử trí an toàn
- 31/03/2024 | Tẩy tế bào chết da dầu mụn có tác dụng gì, làm thế nào cho đúng
- 30/09/2024 | Viêm da cơ địa có lây không? Làm thế nào để kiểm soát viêm da cơ địa
- 20/10/2024 | Viêm da cơ địa trẻ em: 5 nguyên tắc khi chăm sóc bé
1. Như thế nào là hoại tử da?
Hoại tử da là quá trình chết đi mà không thể phục hồi của các tế bào hoặc mô. Khi xảy ra hoại tử, các tế bào da sẽ bị hư hại, biến đổi màu sắc và cấu trúc dẫn đến đau đớn và nhiễm trùng.
Có 2 dạng hoại tử da thường gặp:
- Hoại tử khô
Hoại tử khô thường xảy ra do thiếu máu cục bộ với đặc trưng là tình trạng da khô, co cứng và mất đi màu sắc tự nhiên. Vùng da bị hoại tử khô thường không gây nhiễm trùng nhưng có thể phát triển thành hoại tử ướt nếu không được xử lý kịp thời.
- Hoại tử ướt
Hoại tử ướt nghiêm trọng hơn hoại tử khô, thường do nhiễm trùng và mô bị phá hủy nhanh chóng. Da bị hoại tử ướt có xu hướng sưng phồng, mềm và có thể chảy dịch. Loại hoại tử này rất dễ lan rộng và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
Hoại tử có thể xảy ra ở bất cứ vùng da nào bị tổn thương
2. Vì sao da bị hoại tử?
- Thiếu máu cục bộ
Khi một khu vực của cơ thể không được cung cấp đủ máu, các mô da sẽ không nhận được oxy và dưỡng chất cần thiết để duy trì sự sống nên bị hoại tử.
- Nhiễm trùng
Vi khuẩn, nấm có thể tấn công khiến mô da bị tổn thương và chết dần. Tình trạng này thường xảy ra ở người bị suy yếu miễn dịch.
- Chấn thương
Những vết thương nặng, bỏng,... có thể bị hoại tử nếu mô da không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất.
- Bệnh lý nền
Một số bệnh lý như tiểu đường, bệnh mạch máu ngoại vi hoặc động mạch vành có thể làm giảm lưu lượng máu đến các khu vực nhất định của cơ thể từ đó gây hoại tử da.
3. Các dấu hiệu phản ánh tình trạng hoại tử da
3.1. Da chuyển màu
Thay đổi màu sắc da một cách bất thường là dấu hiệu đặc trưng nhất của hoại tử. Bình thường, da có màu hồng. Khi hoại tử, da sẽ nhợt nhạt rồi chuyển dần sang màu tím, nâu đen hoặc xanh đen. Sự thay đổi màu sắc này là do vùng da bị tổn thương không được cung cấp oxy và máu một cách đầy đủ.
3.2. Da sưng, cứng và đau nhức
Hoại tử ở giai đoạn đầu thường khiến da bị sưng và hơi cứng hơn so với các vùng da xung quanh. Khi chạm vào vùng da bị hoại tử sẽ thấy đau nhức rất khó chịu.
3.3. Mảng vảy, loét hoặc bong tróc
Khi đã sưng và chuyển màu, da sẽ hình thành mảng vảy hoặc bị loét. Vùng da bị tổn thương có thể bong tróc khiến cho mô bên dưới bị lộ ra. Một số trường hợp còn bị loét sâu, chảy dịch mủ do nhiễm trùng.
Da chuyển màu, có mảng vảy và loét dần theo mức độ hoại tử
3.4. Mất cảm giác
Khi hoại tử tiến triển, các tế bào thần kinh tại vùng da bị tổn thương sẽ bị hủy hoại nên da mất dần cảm giác. Lúc đó, khi chạm vào da, người bệnh sẽ không thấy đau hay có cảm giác nào khác nữa.
3.5. Mùi hôi
Da hoại tử sẽ có mùi hôi rất khó chịu. Điều này xảy ra khi các tế bào chết bắt đầu phân hủy. Nếu hoại tử không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể lan rộng và gây ra biến chứng xấu đến tính mạng.
4. Cách xử trí khi da bị hoại tử
4.1. Kiểm tra và đánh giá tình trạng hoại tử
Khi nhận thấy dấu hiệu da bị hoại tử, việc đầu tiên cần làm là kiểm tra và đánh giá tình trạng tổn thương. Thao tác này sẽ giúp xác mức độ nghiêm trọng để biết cách xử lý da hoại tử sao cho phù hợp. Để đánh giá chính xác, người bệnh nên có sự kiểm tra từ bác sĩ chuyên khoa.
4.2. Vệ sinh và khử trùng vùng da bị tổn thương
Để nhiễm trùng không lan rộng cần dùng dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý vệ sinh sạch sẽ và khử trùng vùng da bị hoại tử. Không được dùng dung dịch sát khuẩn mạnh vì có thể khiến da bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
Sau khi rửa sạch, loại bỏ mủ và vi khuẩn ở khu vực da bị tổn thương, hãy dùng băng gạc vô trùng che vết thương để ngăn chặn nhiễm trùng từ môi trường bên ngoài.
4.3. Can thiệp y tế
4.3.1. Dùng thuốc kháng sinh
Trường hợp hoại tử da do nhiễm trùng thường được kê đơn kháng sinh để loại bỏ vi khuẩn và ngăn chặn tình trạng hoại tử lan rộng. kháng sinh có thể được sử dụng dưới dạng bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương hoặc tiêm tĩnh mạch.
Ngoài ra, để giảm viêm và đau, người bệnh cũng có thể được kê đơn thuốc giảm đau và thuốc chống viêm. Trong quá trình điều trị bằng thuốc, khâu chăm sóc vết thương theo hướng dẫn của bác sĩ cũng cần được thực hiện đúng để ngăn chặn nhiễm trùng.
4.3.2. Phẫu thuật loại bỏ mô hoại tử
Hoại tử da nghiêm trọng sẽ được bác sĩ phẫu thuật để loại bỏ các mô bị hoại tử để ngăn sự tiến triển rộng của nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ cắt bỏ mô chết hoặc một phần cơ thể (hoại tử nghiêm trọng).
Vùng da bị hoại tử nghiêm trọng thường được chỉ định phẫu thuật loại bỏ
4.3.3. Điều trị bằng oxy cao áp
Phương pháp này giúp tăng cường lượng oxy trong máu để hỗ trợ quá trình lành vết thương diễn ra nhanh hơn và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn yếm khí. Điều trị bằng oxy cao áp thường được áp dụng cho các trường hợp hoại tử ướt hoặc hoại tử nặng.
4.4. Chăm sóc sau điều trị
Sau khi điều trị hoại tử, để ngăn chặn tái diễn nhiễm trùng, người bệnh cần duy trì vệ sinh vết thương, thay băng thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Hoại tử da cần được điều trị đúng cách để tránh tổn thương da nghiêm trọng, loại bỏ mô hoàn toàn. Vì thế, khi có dấu hiệu da bị hoại tử, người bệnh cần được đến cơ sở y tế kiểm tra ngay.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám cùng bác sĩ Da liễu của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ tư vấn và đặt lịch thăm khám.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!