Tin tức
Da bọng nước là bệnh gì? Có chữa được không?
1. Da bọng nước là bệnh gì?
Bệnh da bọng nước hay Pemphigoid bọng nước rất ít khi xảy ra ở trẻ em mà thường gặp ở nhóm tuổi từ 50 đến 60 trở lên, nhất là những người trên 70 tuổi. Khi bị Pemphigoid, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng như sau:
Sẩn mề đay là biểu hiện ban đầu của tình trạng da bọng nước
- Tình trạng phát ban, sẩn mề đay.
- Gây ra nhiều tổn thương trên da và một số vị trí dễ bị tổn thương nhất có thể kể đến là bụng dưới, đùi trong, vùng bẹn, nách hoặc phần mặt gấp cẳng tay.
- Dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh là những bóng nước căng và có kích thước lớn mọc ở trên da. Da có thể bị đỏ viêm hoặc bình thường. Do những bọng nước này thường mọc ở dưới phần thượng bì nên ít khi bị vỡ, thường căng và cứng chắc. Trong những bọng nước này có thể chứa đầy dịch hoặc cũng có thể bọng xuất huyết. Khi chúng vỡ ra có thể trở thành vùng trợt phủ vẩy tiết nhưng không có tính lan rộng và thường không để lại sẹo.
Vùng da tổn thương có biểu hiện ngứa rát, khó chịu
- Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng như sẩn cục, sẩn mề đay, ngứa, tổn thương niêm mạc và một số triệu chứng toàn thân khi bệnh nghiêm trọng và những tổn thương lan rộng trên da.
2. Những ai có nguy cơ cao bị da bọng nước Pemphigoid?
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn những người khác:
Người bị vảy nến có nguy cơ cao mắc bệnh da bọng nước
- Người đang sử dụng một số loại thuốc có liên quan đến một số bệnh ác tính.
- Người mắc bệnh thần kinh, bệnh Parkinson, thiểu năng trí tuệ, người từng bị đột quỵ,...
- Những người bị vảy nến hoặc có những vết thương nhiễm trùng cũng có nguy cơ mắc da bọng nước cao hơn những trường hợp khác.
- Một số trường hợp mắc bệnh da bọng nước có liên quan đến các khối u ác tính ở nội tạng.
3. Phương pháp điều trị bệnh da bọng nước
Trước hết, các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng một số biện pháp lâm sàng kết hợp với xét nghiệm mô bệnh học và miễn dịch huỳnh quang. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa bệnh triệt để. Mục đích của các phương pháp điều trị đó là làm giảm triệu chứng bệnh, tránh nguy cơ nhiễm trùng, ngăn ngừa tái phát và nâng cao chất lượng sống của người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến hiện nay:
- Phương pháp điều trị tại chỗ: Bôi thuốc mỡ kháng sinh, thuốc mỡ corticoid đối với những tổn thương khô. Trong trường hợp tổn thương dạng trợt loét có thể đắp gạc có chứa dung dịch sát khuẩn.
Dùng thuốc là phương pháp điều trị bệnh phổ biến hiện nay
- Phương pháp điều trị toàn thân:
+ Sử dụng thuốc Corticoid với liều 0.3-1mg/kg/. Thời gian dùng thuốc là từ 1 đến 2 tuần. Nếu đáp ứng tốt, bác sĩ sẽ chỉ định giảm liều dần và dùng duy trì.
+ Có thể phối hợp với thuốc ức chế miễn dịch. Những trường hợp bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc corticoid sau một thời gian điều trị thì cũng có thể chuyển sang thuốc ức chế miễn dịch. Nếu người bệnh đã có những biểu hiện lâm sàng cho thấy đáp ứng tốt với cả hai loại thuốc thì cần giảm kiểu cả hai loại và thời gian tiếp theo chỉ sử dụng duy trì bằng thuốc corticoid.
+ Một số ca bệnh nhẹ, có thể điều trị bằng thuốc Sulfones với liều dùng từ 100 - 150 mg/ ngày. Các triệu chứng thường được cải thiện sau 2 tuần điều trị.
+ Để kiểm soát triệu chứng ngứa, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc antihistamine H1.
+ Đối với một số loại thuốc vẫn đang trong nghi vấn thì không nên dùng.
+ Trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân không nên cào gãi và hạn chế tiếp xúc với tia cực tím.
Nếu có biểu hiện sốt hoặc tổn thương lan rộng thì cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu
- Một số lưu ý trong khi điều trị bệnh:
+ Người bệnh cần tuân thủ uống thuốc theo hướng dẫn sử dụng của bác sĩ. Trong trường hợp đang sử dụng bất cứ loại thuốc điều trị nào, bạn cũng cần thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
+ Nên ăn uống cân bằng dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp đẩy nhanh quá trình điều trị bệnh. Nên ăn những đồ ăn mềm, dễ nuốt.
+ Chú trọng đến vấn đề vệ sinh da để tránh xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn.
+ Thường xuyên kiểm tra da cùng với quá trình phục hồi da. Một số dấu hiệu nhiễm trùng bạn cần chú ý là tình trạng da bị tấy đỏ, đau đón, sưng bọng, sưng hạch bạch huyết và kèm theo sốt.
+ Thường xuyên thay quần áo và thay ga giường, nhất là trong trường hợp bọng nước bị rỉ ra, vỡ, đóng vảy và nhiễm trùng.
+ Nếu xuất hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần gọi ngay cho bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời, phòng tránh những hậu quả đáng tiếc.
+ Những trường hợp bọng nước lan rộng toàn thân, xuất hiện những vết loét niêm mạc khiến việc ăn uống trở nên khó khăn, cơ thể bị hôn mê, yếu ớt thì cũng cần đưa đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, nhất là đối với những bệnh nhân đã lớn tuổi.
Trên đây là một số thông tin về bệnh da bọng nước. Căn bệnh này không những gây ra nhiều phiền toái, làm suy giảm chất lượng sống của người bệnh mà còn có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng nếu bệnh nhân không được can thiệp điều trị kịp thời.
Chuyên khoa Da liễu của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong những địa chỉ uy tín để thăm khám và điều trị các bệnh về da. Đội ngũ bác sĩ đầu ngành cùng với hệ thống máy móc khám chữa bệnh hiện đại đảm bảo mang đến những dịch vụ y tế chất lượng nhất.
Để được tư vấn thêm về bệnh hoặc có nhu cầu thăm khám bệnh, quý khách vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo đường dây nóng 1900 56 56 56, đội ngũ nhân viên tư vấn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!