Tin tức

Đau lưng dưới có nguy hiểm không và cách khắc phục

Ngày 27/01/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Ly
Nhiều người nghĩ rằng đau lưng dưới do làm việc quá sức, chỉ cần nghỉ ngơi là bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên không ít trường hợp bị đau liên tục, đau kéo dài và nguyên nhân là do những bệnh lý nguy hiểm. Do chủ quan, không đi thăm khám và điều trị kịp thời nên bệnh gây ra biến chứng khó lường, làm suy giảm khả năng vận động và làm việc. 

1. Đau lưng dưới có nguy hiểm không?

Lưng dưới được tính bắt đầu từ đốt sống L1 đến đốt sống L5, những đột sống này giữ vai trò quan trọng để nâng đỡ cơ thể thực hiện tư thế đứng thẳng cũng như các hoạt động khác. Hơn nữa đốt sống lưng dưới còn là nơi đảm nhận chức năng truyền tín hiệu của não tới cử động các chi.

Đau lưng dưới có thể do những bệnh lý nguy hiểm

 Đau lưng dưới có thể do những bệnh lý nguy hiểm

Vì thế, đau lưng dưới có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan và do nhiều nguyên nhân gây ra. Bất cứ ai cũng có thể bị đau lưng dưới, đặc điểm cơn đau cấp tính dữ dội trong thời gian ngắn hay âm ỉ kéo dài cũng thể hiện mức độ nguy hiểm khác nhau.

Hầu hết bệnh nhân bị đau lưng dưới thường cho rằng bệnh sẽ tự khỏi sau một thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc. Tuy nhiên các trường hợp bị đau liên tục, đau kéo dài với mức độ ngày càng nặng mà không điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng. Dần dần, cơn đau sẽ lan xuống dưới vùng đùi, chân, bàn chân gây khó khăn trong di chuyển và lao động.

Đau lưng dưới tiến triển có thể làm giảm khả năng vận động của người bệnh

Đau lưng dưới tiến triển có thể làm giảm khả năng vận động của người bệnh

2. Đau thắt lưng dưới thường gặp ở vị trí nào?

Đặc điểm và vị trí cơn đau thắt lưng dưới có thể tiết lộ nguyên nhân gây bệnh là do lao động quá sức, tư thế làm việc không đúng hay nguyên nhân bệnh lý. Để bác sĩ dễ dàng chẩn đoán bệnh, hãy chú ý và mô tả chi tiết cơn đau mà bản thân gặp phải.

Những vị trí đau thắt lưng dưới điển hình và thường gặp bao gồm:

2.1. Đau thắt lưng dưới gần mông

Đây là vị trí đau khá thường gặp, có thể gặp ở mọi độ tuổi và đối tượng khác nhau. Nguyên nhân có thể do tuổi tác cao khiến cột sống bị lão hóa, khô và cọ xát vào nhau hoặc do chấn thương,… Ngoài ra, đau thắt lưng dưới gần mông có thể do nguyên nhân bệnh lý như:

Thoát vị đĩa đệm

Đặc điểm cơn đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm là cơn đau âm ỉ và dữ dội, nhất là khi vận động và lao động nặng. Nguyên nhân do phần đĩa đệm thoát ra chèn vào dây thần kinh và gây đau đớn.

Bệnh phụ khoa

Ở phụ nữ, đau thắt lưng đi kèm với triệu chứng rối loạn kinh nguyệt, đau bụng dưới, chảy máu âm đạo, dịch âm đạo bất thường,… thì rất có thể đây là dấu hiệu của các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, ung thư buồng trứng,...

Bệnh phụ khoa có thể gây đau vùng lưng dưới

Bệnh phụ khoa có thể gây đau vùng lưng dưới

Những bệnh phụ khoa gây đau thắt lưng dưới gần mông thường đã diễn biến trong thời gian dài, có thể đã gây ra biến chứng nguy hiểm nên cần chẩn đoán điều trị sớm.

Hẹp cột sống

Hẹp cột sống có thể là bệnh lý bẩm sinh hoặc do di chứng sau chấn thương cột sống gây ra. Cơn đau lưng dưới do hẹp cột sống thường là những cơn đau cấp tính.

2.2. Đau lưng dưới bên trái

Nếu cơn đau lưng dưới bên trái khởi phát cấp tính trong thời gian ngắn, sau 1 vài ngày nghỉ ngơi là cơn đau thuyên giảm và khỏi hẳn. Cơn đau xuất hiện ở vùng giữa lưng, lan dần đến vùng thắt lưng.

Tuy nhiên nếu đau lưng dưới bên trái kéo dài từ 3 tháng trở lên thì bệnh nhân cần đi khám càng sớm càng tốt. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là chấn thương cột sống lưng, khớp bị dính, tổn thương mô mềm, đau dây thần kinh tọa, thoái hóa cột sống,… 

Các bệnh lý nội tạng như thận, tụy hay ruột cũng có thể gây ra những cơn đau này. Cần kiểm tra và chẩn đoán cẩn thận để tìm ra nguyên nhân chính xác.

2.3. Đau lưng dưới bên phải

Đặc điểm của những cơn đau này là thường đau âm ỉ vùng thắt lưng bên phải. Cường độ cơn đau sẽ ngày càng tăng dần, lan dần xuống háng và chân. Người bệnh cần sớm đi thăm khám bởi nguyên nhân có thể do sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm ruột thừa,…

Đau lưng dưới bên phải nếu không được khắc phục sớm có thể đe dọa đến khả năng vận động của người bệnh.

Đau lưng dưới bên phải có thể do sỏi thận

Đau lưng dưới bên phải có thể do sỏi thận

3. Làm gì khi bị đau lưng dưới?

Xác nhận được đau lưng dưới do lao động quá sức hay do bệnh lý là rất quan trọng. Nếu cơn đau khởi phát cấp tính, hãy thực hiện nghỉ ngơi và chăm sóc tại nhà. Nếu đã áp dụng những phương pháp chăm sóc này mà bệnh không thuyên giảm, cơn đau nặng hơn kèm theo những triệu chứng khác thì nên sớm đi thăm khám sức khỏe, kiểm tra tìm nguyên nhân.

Dưới đây là một số cách chăm sóc, giảm đau lưng dưới với các cơn đau cấp tính do lao động quá sức gây ra.

Chườm lạnh

Dùng đá bọc trong khăn mỏng hoặc túi nước đá chườm lên vùng lưng đau sẽ giúp giảm sưng, đau nhức. Hiệu quả sau 48 - 72 giờ đầu tiên kể từ khi khởi phát cơn đau. 

Nghỉ ngơi

Người bệnh bị đau lưng dưới nên nghỉ ngơi tuyệt đối, nếu không thể hãy hạn chế việc lao động nặng nhọc, nhất là bê vác hoặc vận động quá sức. Cột sống lưng chịu tác động của mọi hoạt động của cơ thể, vì thế nếu liên tục tác động xấu lên khu vực này, tình trạng đau sẽ càng trầm trọng hơn.

Tư thế nằm phù hợp

Nằm đúng tư thế sẽ giúp cột sống lưng được thư giãn, nghỉ ngơi và dễ phục hồi hơn. Hãy dành nhiều thời gian hơn để nằm theo tư thế sau:

  • Nằm ngửa, đặt gối mặt hoặc chân dưới đùi.

  • Nằm nghiêng, kẹp gối mềm giữa 2 chân.

Nằm đúng tư thế giúp giảm cơn đau lưng dưới

 Nằm đúng tư thế giúp giảm cơn đau lưng dưới

Chăm sóc nghỉ ngơi tại nhà chỉ hiệu quả với những người bị đau lưng dưới nhẹ, giai đoạn bệnh khởi phát. Khi cơn đau kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động hàng ngày, bạn cần được điều trị đúng nguyên nhân để khắc phục bệnh.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.