Tin tức
Đau mắt đi khám, người phụ nữ phải nhập viện vì biến chứng nguy hiểm của bệnh lý tuyến giáp
- 03/02/2020 | Xét nghiệm TRAb giúp chẩn đoán và điều trị bệnh Basedow
- 22/10/2020 | Bệnh basedow: Triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và cách điều trị hiệu quả
- 11/04/2021 | Bệnh basedow và những hệ lụy kèm theo mà không phải ai cũng biết!
Người phụ nữ bị biến chứng mắt do mắc bệnh lý về tuyến giáp
Mới đây, chị M.T.H (46 tuổi, quê Thanh Hóa) đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khám với triệu chứng đau mắt, đỏ mắt.
Khai thác bệnh sử được biết, cách vào viện 2 tháng, chị H. xuất hiện triệu chứng về mắt như: đau mắt, đau tăng khi cử động mắt, đỏ mắt, sưng nề mí mắt, mắt cộm vướng, chảy nước mắt. Bên cạnh đó, chị còn mệt mỏi, gầy sụt 3 - 4kg, hồi hộp trống ngực, có cơn nóng bừng toát mồ hôi, run tay chân…
Chị H. đã đi khám mắt ở một cơ sở y tế khác, được bác sĩ tư vấn khám thêm tuyến giáp. Sau đó, chị đến MEDLATEC để thăm khám.
Qua khám lâm sàng và hỏi bệnh, bác sĩ tại MEDLATEC phát hiện bệnh nhân có hội chứng cường giáp như: bướu cổ lan tỏa độ IB, mệt mỏi, gầy sụt cân, run tay chân, mỏi yếu cơ, da nóng ẩm, toát mồ hôi, dấu hiệu mạch kích động.
Khám thêm chuyên mắt, bệnh nhân có biểu hiện mắt lồi nhẹ, đỏ mắt, chảy nước mắt, nề và đỏ mi mắt, co rút cơ mi trên, đau sau hốc mắt tăng khi cử động, hạn chế vận nhãn khi đưa mắt ra ngoài, kết mạc cương tụ…
Bệnh nhân có triệu chứng đau mắt, đỏ mắt nên đến MEDLATEC để thăm khám
Nghi ngờ bệnh nhân bị biến chứng mắt do mắc Basedow - bệnh lý nội tiết cường giáp phổ biến nhất hiện nay, bác sĩ đã chỉ định làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác hơn.
Kết quả, siêu âm tuyến giáp thấy hình ảnh nang thùy trái tuyến giáp (TIRADS 1); hình ảnh nhu mô tuyến giáp giảm âm không đều, tăng sinh mạch.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) hốc mắt - Thần kinh thị giác có tiêm chất tương phản, thấy hình ảnh lồi mắt hai bên, dày nhẹ các cơ vận nhãn hai bên.
Từ những kết quả đó, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc Basedow biến chứng mắt (mức hoạt động CAS 6 điểm). Bệnh nhân được chỉ định nhập viện để điều trị biến chứng mắt Basedow theo phác đồ.
Những điều cần biết về bệnh lý mắt Basedow
Theo ThS.BS Nguyễn Quỳnh Xuân - Trưởng chuyên khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, bệnh mắt Basedow hay còn gọi là bệnh mắt tuyến giáp (TED) là một bệnh tự miễn xảy ra ở các mô sau nhãn cầu. Bệnh thường gặp ở các bệnh nhân mắc bệnh Basedow và số ít ở các bệnh nhân có bệnh tự miễn tuyến giáp khác.
Bệnh mắt Basedow gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân Basedow, trong đó có khoảng 3-5% sẽ phát triển thành bệnh mắt mức độ nặng. Đa số biểu hiện ở mắt xuất hiện sau các triệu chứng nhiễm độc giáp 6 tháng. Bệnh thường thuyên giảm theo bệnh lý tuyến giáp, tuy nhiên một số trường hợp bệnh tồn tại ngay cả khi bệnh lý tuyến giáp đã ổn định, thậm chí cả khi suy giáp.
Mắt của bệnh nhân mắc bệnh mắt Basedow lồi hơn so với bình thường. Ảnh minh họa
Cơ chế sinh bệnh:
Các nghiên cứu cho thấy, tại hốc mắt của những người mắc bệnh mắc bệnh lý mắt tuyến giáp có thụ thể của TSH (TSH-R) và thụ thể của IGF-1 (IGF-1R). Các TSH receptor và IGF-1 Receptor này đóng vai trò kháng nguyên, kích hoạt hàng loạt các phản ứng miễn dịch gây viêm. Kèm theo tình trạng viêm là phù nề, tăng sinh tổ chức liên kết, thâm nhiễm lympho B và tương bào, ứ đọng mucopolysarcarid và một số acid có tính hút nước, hậu quả gây lồi mắt.
Quá trình này được kích hoạt bởi stress, nhiễm khuẩn, chửa đẻ và thường kết hợp với các bệnh tự miễn khác. Các yếu tố này tác động lên cơ địa có liên quan HLA-B8, kích hoạt quá trình rối loạn miễn dịch bao gồm: giảm số lượng và hoạt động tế bào lympho T ức chế, tăng tế bào T hỗ trợ. Các tế bào lympho T hỗ trợ một mặt sản xuất ra interferon γ (IFNγ), mặt khác kích thích tế bào lympho B đặc hiệu sản xuất ra các tự kháng thể kích thích tuyến giáp mà quan trọng nhất là kháng thể kháng thụ thể TSH (TRAb). Đây là kháng thể kích thích tế bào tuyến giáp tăng tổng hợp và giải phóng hormone vào máu gây cường chức năng ở người bệnh Basedow.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh mắt Basedow:
- Nữ giới;
- Người hút thuốc lá;
- Người có TRAb cao;
- Người từng làm iod phóng xạ I-131;
- Cholesterol cao.
Các triệu chứng để nhận biết sớm bệnh:
- Lồi mắt, sưng nề mi mắt, đỏ kết mạc…;
- Stellwag: mi mắt nhắm không kín;
- Dalrymple: co cơ mi trên gây hở khe mi;
- Von Graefe: Mất đồng tác giữa nhãn cầu và mi trên (co cơ mi trên khi mắt nhìn đưa xuống dưới);
- Moebius: giảm hội tụ nhãn cầu gây nhìn đôi do liệt cơ vận nhãn.
Tiêu chuẩn trong chẩn đoán và điều trị Basedow cùng các biến chứng của bệnh
ThS.BS Nguyễn Quỳnh Xuân cho biết, tùy thuộc vào các biểu hiện của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa theo Tiêu chuẩn EUGOGO 2021 như sau:
- Mức độ nhẹ: ảnh hưởng tối thiểu đến hoạt động hằng ngày. Bệnh nhân thường có một số hoặc nhiều các triệu chứng sau:
- Co rút mi mắt tối thiểu (<2mm);
- Tổn thương mô mềm nhẹ;
- Lồi mắt <3mm so với giới hạn bình thường;
- Không có song thị hoặc chỉ có thoáng qua;
- Tổn thương giác mạc đáp ứng với chất bôi trơn.
- Mức độ trung bình – nặng: ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sống hằng ngày và cần phải điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc phẫu thuật. Bệnh nhân thường có ít nhất hai trong số các tổn thương sau:
- Co rút mi >2mm;
- Tổn thương mô mềm từ nhẹ đến nặng;
- Lồi mắt >3mm so với giới hạn bình thường;
- Song thị (không thường xuyên hoặc thường xuyên).
- Mức độ rất nặng (đe dọa thị lực): bệnh nhân có các tổn thương thần kinh thị giác, phá hủy giác mạc hoặc cấp cứu nhãn khoa có nguy cơ tổn thương thị lực vĩnh viễn.
Tùy thuộc vào các mức độ được xác định, bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Theo đó, nếu nhẹ, người bệnh có thể dùng thuốc, còn nếu nặng hơn sẽ phải kết hợp giữa điều trị thuốc và phẫu thuật giải áp hoặc xạ trị hốc mắt…
Hiện nay, trong chẩn đoán bệnh mắt Basedow, chụp cộng hưởng từ (MRI) có vai trò rất quan trọng. Kết quả MRI giúp bác sĩ có thêm phương tiện để chẩn đoán và xác định mức độ nặng nhẹ của bệnh bên cạnh các triệu chứng lâm sàng. Cùng với đó, phác đồ điều trị chính xác, kịp thời góp phần quan trọng giúp bệnh nhân khỏi bệnh và tránh tái phát về sau.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) hốc mắt và thần kinh thị giác giúp chẩn đoán chính xác bệnh mắt Basedow. Ảnh minh họa
Để phòng bệnh, bác sĩ Xuân khuyến cáo người dân nên thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm. Ngoài ra, khi thấy các triệu chứng của bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn kịp thời.
Hệ thống Y tế MEDLATEC tự hào là đơn vị y tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, được hàng triệu người dân trên cả nước tin tưởng và sử dụng dịch vụ mỗi năm.
Đơn vị quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong chuyên khoa Nội, cùng với đó là hệ thống máy móc hiện đại, trang thiết bị đồng bộ giúp chẩn đoán chính xác và điều trị đúng các bệnh lý về Basedow cùng những biến chứng của bệnh. Do đó, người dân có thể hoàn toàn an tâm khi đến với MEDLATEC.
Để đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC, người dân vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ, tư vấn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
