Tin tức

Đau nhức chân tay khi thay đổi thời tiết - 3 nguyên nhân điển hình

Ngày 29/10/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Một trong những nỗi sợ của người mắc bệnh xương khớp là khi thời tiết thay đổi, đặc biệt khi chuyển lạnh khiến họ phải đối mặt với cơn đau khó chịu, dai dẳng, ảnh hưởng không ít đến cuộc sống. Vậy nguyên nhân nào khiến bạn thường bị đau nhức chân tay khi thay đổi thời tiết? Có cách nào để khắc phục và giảm triệu chứng xương khớp này không? 

1. Triệu chứng đau nhức chân tay khi thay đổi thời tiết 

Bệnh lý xương khớp thường gặp ở người cao tuổi hoặc xuất hiện ở lứa tuổi trẻ hơn do đặc thù nghề nghiệp, chấn thương hoặc chế độ dinh dưỡng nghèo nàn. Trong đó, viêm khớp là bệnh về khớp phổ biến nhất gây ra nhiều ảnh hưởng tới hoạt động của người bệnh như đau và cứng khớp. 

Bệnh lý xương khớp là bệnh thường gặp hiện nay

Bệnh lý xương khớp là bệnh thường gặp hiện nay

Viêm khớp có nhiều loại khác nhau, trong đó thường gặp nhất là 2 loại gồm:

  • Viêm xương khớp: Thường gặp ở khớp đầu gối, hông, khớp tay, cột sống,… xảy ra do phần bọc đầu xương bị bào mòn và tổn thương.

  • Viêm khớp dạng thấp: thường gặp ở khớp tay, khớp bàn chân, khớp gối, khớp lưng,… Đây là bệnh lý tự miễn gây triệu chứng như đỏ, xơ cứng, sưng đau khớp,…

Người mắc bệnh viêm khớp rất nhạy cảm với thời tiết thay đổi do liên quan đến nhiệt độ và áp suất. Mỗi khi thời tiết chuyển mùa, cơn đau nhức xương khớp xảy ra dữ dội với tần suất cao hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Người mắc bệnh viêm khớp thường đau nhức nặng hơn khi thời tiết thay đổi

Người mắc bệnh viêm khớp thường đau nhức nặng hơn khi thời tiết thay đổi

Người bệnh sẽ có những biểu hiện sau:

  • Sưng to, tê buốt các khớp đầu gối, khớp cổ tay bị viêm gây khó khăn trong vận động hàng ngày.

  • Cứng khớp thường xuyên, đặc biệt là vào buổi sáng khi vừa thức dậy.

  • Có cảm giác như kiến bò ở trong khớp hoặc xương, gây đau nhói khó chịu mỗi khi thời tiết thay đổi.

Viêm khớp càng kéo dài không được điều trị tốt khiến lớp sụn khớp bị bào mòn thì cơn đau nhức khi thay đổi thời tiết càng rõ rệt hơn.

2. Tại sao thời tiết thay đổi thường gây đau nhức chân tay nghiêm trọng?

Thời tiết thay đổi khiến tình trạng đau nhức chân tay và các khớp ở người bệnh xương khớp trở nên nghiêm trọng hơn. Vậy vì sao lại bị đau nhức chân tay khi thay đổi thời tiết?

Dưới đây là các nguyên nhân chính: 

2.1. Áp suất khí quyển thay đổi

Ít người biết rằng, hệ thống xương khớp và các mô trong cơ thể chúng ta khá nhạy cảm với áp suất khí quyển ở môi trường sống. Khi thời tiết thay đổi, áp suất khí quyển cũng thay đổi, đặc biệt là chuyển mùa lạnh khiến áp suất thấp hơn. Yếu tố này kích thích khiến các mô bị nở ra, tạo áp lực lên các khớp.

Các khớp đã bị viêm và bào mòn trước đó chịu thêm sức nặng do các mô nở ra nên tình trạng đau nhức và các triệu chứng khớp khác cũng rõ ràng hơn.

Thời tiết chuyển lạnh khiến áp suất không khí giảm, tăng áp lực lên các khớp

Thời tiết chuyển lạnh khiến áp suất không khí giảm, tăng áp lực lên các khớp

2.2. Nhiệt độ thay đổi

Bên cạnh áp suất khí quyển thì nhiệt độ biến động cũng là yếu tố tác động khiến dịch khớp thay đổi. Ngoài ra, các phản ứng của mô lân cận khớp trở nên phức tạp hơn, khiến tình trạng viêm ở khớp nặng hơn nên người bệnh có phản ứng sưng đau rõ ràng hơn.

2.3. Suy giảm sức đề kháng

Thời tiết thay đổi cũng tác động làm giảm sức đề kháng của người bệnh, vì thế họ khó có thể chịu nổi những cơn đau nhức khớp gia tăng.

Viêm khớp là một trong những bệnh khó điều trị dứt điểm, người bệnh có thể phải sống chung với bệnh và những cơn đau nhức trong nhiều năm. Tuy nhiên, chăm sóc và điều trị tốt cũng giúp bạn không còn sợ hãi khi thay đổi thời tiết gây đau đớn quá mức nữa.

3. Cách phòng ngừa và giảm đau nhức chân tay khi thay đổi thời tiết

Dựa trên cơ chế tác động khi thời tiết thay đổi làm đau nhức chân tay ở người mắc bệnh xương khớp nói chung và viêm khớp nói riêng, dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa, giảm triệu chứng hiệu quả.

3.1. Giữ ấm cơ thể

Khi chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển mùa, thay đổi thời tiết, bệnh nhân xương khớp cần chủ động giữ ấm cho cơ thể nói chung và các khớp mắc bệnh nói riêng. Ngoài mặc quần áo ấm, che kín cơ thể và hạn chế tiếp xúc với khí lạnh, người bệnh nên chườm ấm bằng túi nhiệt, thường xuyên tập co duỗi khớp kết hợp với xoa bóp để làm ấm các khớp tự nhiên.

 Giữ ấm các khớp giúp giảm đau nhức khi thay đổi thời tiết

Giữ ấm các khớp giúp giảm đau nhức khi thay đổi thời tiết

Cần lưu ý nếu bị viêm khớp gây sưng và tích mủ, không nên chườm ấm vì có thể khiến tình trạng xung huyết vùng chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn.

3.2. Massage khớp và quanh khớp

Các động tác Massage bàn chân, khớp gối hay các khớp tay bị sưng viêm giúp lưu thông máu tốt hơn, giảm đau nhức khi thời tiết thay đổi. Mỗi tuần bạn nên thực hiện massage khớp và quanh khớp từ 3 - 5 lần để cải thiện sức khỏe khớp, đặc biệt khi thời tiết thay đổi. Tình trạng đau nhức tay chân từ đó cũng sẽ được cải thiện.

3.3. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ

Đau nhức xương khớp sẽ nghiêm trọng hơn khi sức đề kháng cơ thể suy giảm khi thay đổi thời tiết, khả năng chịu đau của bạn cũng kém hơn. Do đó, hãy đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ dinh dưỡng cho sức khỏe và hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.

Người mắc bệnh xương khớp nên chú ý ăn nhiều thực phẩm chứa các dinh dưỡng giúp giảm đau nhức, hồi phục xương khớp như:

  • Thực phẩm giàu acid béo omega-3 có tác dụng nuôi dưỡng, tái tạo mô sụn khớp như cá ngừ, cá hồi, các loại hạt,…

  • Thực phẩm giàu Vitamin và khoáng chất tăng cường sức đề kháng và khả năng chịu đau như: rau xanh các loại, hạt mầm, đậu nành, hoa quả,…

  • Thực phẩm giàu canxi tăng cường sức khỏe và độ dẻo dai của xương khớp như: sữa và các chế phẩm từ sữa, rau xanh lá,…

Chế độ dinh dưỡng tốt củng cố hệ miễn dịch, tăng sức chịu đựng cho cơ thể

Chế độ dinh dưỡng tốt củng cố hệ miễn dịch, tăng sức chịu đựng cho cơ thể

3.4. Luyện tập giảm đau nhức chân tay

Việc luyện tập thể thao, vận động phù hợp đặc biệt quan trọng với người mắc bệnh xương khớp, có vai trò bảo vệ sức bền, độ linh hoạt và tăng tốc độ hồi phục tổn thương. Tuy nhiên, nếu tập luyện sai cách, người bệnh có thể gặp phải những chấn thương xương khớp không mong muốn. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ về bài tập vận động phù hợp cho tình trạng bệnh xương khớp của mình.

Với những biện pháp chăm sóc và phòng ngừa trên, tình trạng đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết sẽ được cải thiện. Nếu cơn đau nhức nghiêm trọng, kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống, bệnh nhân nên đi khám để được kiểm tra và điều trị sớm. Không nên để bệnh xương khớp kéo dài, không điều trị gây ra những hệ lụy xấu cho sức khỏe và khả năng vận động sau này.

Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ