Tin tức
Đau nhức xương khớp tê bì chân tay: Nguyên nhân gây nên và phương hướng xử trí
- 30/11/2023 | Trị xương khớp đau nhức tại nhà bằng cách nào?
- 31/10/2024 | Đau nhức bắp chân về đêm là mắc bệnh nào, phải làm sao để chữa khỏi?
- 19/11/2024 | Mệt mỏi đau nhức khắp người: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục
1. Nguyên nhân nào gây nên tình trạng đau nhức xương khớp tê bì chân tay?
1.1. Thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống là tình trạng bệnh lý cột sống hay gặp. Khi xương và đĩa đệm thoái hóa, các gai xương sẽ hình thành, gây chèn ép lên dây thần kinh và tủy sống. Vị trí thoái hóa dễ gặp nhất là đốt sống cổ và thắt lưng.
Người bị thoái hóa cột sống thường gặp phải triệu chứng:
- Đau âm ỉ ở vùng cổ, vai gáy, thắt lưng.
- Tê bì tay hoặc chân, nhất là khi thay đổi tư thế.
- Cứng khớp vào buổi sáng.
- Khả năng vận động cột sống giảm.
Thoái hóa cột sống có thể gây đau nhức xương khớp tê bì chân tay
1.2. Thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, nếu bị lệch ra khỏi vị trí này, gây chèn ép rễ thần kinh lân cận. Chính sự chèn ép này gây ra cảm giác đau nhức, tê bì và yếu cơ ở tay hoặc chân.
Triệu chứng đặc trưng gặp phải ở người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm gồm:
- Đau lưng lan xuống mông, chân (thoát vị cột sống thắt lưng).
- Đau cổ lan xuống vai, cánh tay (thoát vị cột sống cổ).
- Có cảm giác tê ngứa, châm chích giống như kiến bò ở tay hoặc chân.
- Yếu cơ, giảm vận động cột sống.
1.3. Đau thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa chạy dọc khắp cơ thể. Đau thần kinh tọa thường xảy ra do thoát vị đĩa đệm thắt lưng hoặc gai cột sống. Do rễ thần kinh bị chèn ép nên người bệnh thường bị đau từ thắt lưng, đau lan xuống mông, đùi, bắp chân và đến bàn chân, kèm theo các triệu chứng như:
- Tăng cảm giác đau từ lưng dưới trở xuống khi ngồi lâu, hắt hơi hoặc ho.
- Một bên chân bị tê bì hoặc yếu cơ.
- Đi lại mất thăng bằng.
1.4. Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp khiến cho sụn khớp bị bào mòn theo thời gian, khe khớp bị viêm và hẹp dần. Tình trạng viêm có thể lan rộng, ảnh hưởng đến các dây thần kinh xung quanh, nhất là khớp háng, khớp gối và khớp vai.
Bệnh nhân bị thoái hóa khớp thường bị đau nhức xương khớp tê bì chân tay, cơn đau có xu hướng tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Ngoài ra, người bệnh còn bị sưng khớp nhẹ, khi di chuyển khớp sẽ phát ra tiếng kêu lục cục, khó đứng lên, ngồi xuống hoặc đi lại.
1.5. Viêm đa rễ dây thần kinh
Viêm đa rễ dây thần kinh là tình trạng viêm xảy ra đồng thời ở nhiều rễ thần kinh do nhiễm trùng, bệnh tự miễn hoặc biến chứng của bệnh tiểu đường. Tình trạng viêm khiến lớp bảo vệ thần kinh tổn thương, gây ra cảm giác tê bì, đau nhức và yếu cơ toàn thân.
Bệnh nhân bị viêm đa rễ dây thần kinh dễ xuất hiện các triệu chứng như:
- Đau buốt, tê bì tay chân ở cả hai bên.
- Đau lan dọc theo rễ thần kinh.
- Mất phản xạ gân xương.
- Yếu cơ, khó giữ thăng bằng.
1.6. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý hình thành do hệ miễn dịch rối loạn, gây viêm màng hoạt dịch khớp. Tình trạng viêm mạn tính khiến khớp và dây thần kinh quanh khớp bị tổn thương, gây chèn ép dây thần kinh, làm xuất hiện tình trạng đau nhức, tê bì kéo dài.
Khi bị viêm khớp dạng thấp, người bệnh thường gặp tình trạng:
- Cứng khớp buổi sáng trên 30 phút.
- Đau, sưng nhiều khớp nhỏ nhỡ (cổ tay, ngón tay).
- Tê tay chân, cảm giác như bị kim châm.
- Mệt mỏi, sốt nhẹ, sụt cân.
Viêm khớp dạng thấp gây sưng, cứng khớp và tê bì chân tay
2. Cách xử trí khi có dấu hiệu đau nhức xương khớp tê bì chân tay
Nếu tình trạng đau nhức xương khớp tê bì chân tay kéo dài trên 2 tuần không thuyên giảm, kèm yếu cơ, khó vận động, sụt cân, sốt,... thì người bệnh cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay để được:
2.1. Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh các thông tin liên quan đến thời gian khởi phát, mức độ đau và tê bì, tính chất cơn đau,... và triệu chứng đi kèm. Sau đó, bác sĩ sẽ quan sát tư thế, kiểm tra điểm đau, khả năng vận động,... để đưa ra đánh giá ban đầu về nguyên nhân gây đau nhức xương khớp tê bì chân tay.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ chỉ định một số phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như:
- Chụp X-quang: Nhằm phát hiện thoái hóa, hẹp khe khớp, gai xương,...
- Chụp MRI: Xác định chèn ép rễ thần kinh, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống.
- Chụp CT-Scanner: Khi MRI chống chỉ định hoặc cần đánh giá chi tiết xương.
- Siêu âm cơ - khớp: Xác định tình trạng tổn thương gân, dây chằng, viêm bao hoạt dịch.
- Đo điện cơ đồ EMG: Kiểm tra phản ứng điện của cơ và dây thần kinh để phát hiện chèn ép thần kinh, viêm đa rễ thần kinh.
- Xét nghiệm máu tổng quát: Kiểm tra các yếu tố gây viêm.
Dựa trên kết quả thu được từ quá trình khám lâm sàng, chẩn đoán cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về nguyên nhân đau nhức xương khớp tê bì chân tay để có biện pháp điều trị thích hợp.
Thăm khám bác sĩ chuyên khoa giúp người bệnh được chẩn đoán đúng nguyên nhân đau nhức xương khớp tê bì chân tay
2.2. Điều trị
Phác đồ điều trị sẽ được bác sĩ đưa ra với tính cá thể hóa cao, phù hợp với mức độ tổn thương, tình trạng sức khỏe và mục đích điều trị bệnh. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể lựa chọn các hình thức điều trị như:
- Dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid,...
- Vật lý trị liệu: Kéo giãn cột sống, tập phục hồi chức năng, sóng xung kích, sóng siêu âm,...
- Tiêm corticosteroid.
- Phẫu thuật.
Đau nhức xương khớp tê bì chân tay là triệu chứng có thể gặp ở nhiều bệnh lý xương khớp và dây thần kinh. Chỉ khi xác định đúng nguyên nhân gây nên tình trạng này thì người bệnh mới có biện pháp điều trị thích hợp. Vì thế, người bệnh nên sớm thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có hướng bảo vệ sức khỏe xương khớp lâu dài.
Quý khách hàng đang có dấu hiệu đau nhức xương khớp bất thường cần được chẩn đoán đúng có thể liên hệ đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
