Tin tức

Đau quai hàm: nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Ngày 03/03/2023
Đau quai hàm là hiện tượng phổ biến không ít người đã từng gặp phải. Dấu hiệu đặc trưng của tình trạng này là đau khi nhai, đau bên trong hoặc quanh tai, nhức đầu, cứng quai hàm,... Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến triệu chứng này nên để xác định rõ đây là tình trạng bệnh lý gì thì cần có sự thăm khám y khoa, khai thác kỹ các dấu hiệu lâm sàng phối hợp sử dụng các dịch vụ cận lâm sàng để chẩn đoán.

1. Các dấu hiệu cụ thể khi bị đau quai hàm

Đau quai hàm đôi khi còn kèm theo các vấn đề khác, điển hình là:

  • Hàm có triệu chứng co cứng và đau;

  • Cơn đau diễn ra âm ỉ, đau xung quanh hoặc bên trong vùng tai;

  • Có thể kéo theo cả đau nhức cả vùng mặt, đau nhức đầu;

  • Bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong quá trình ăn uống;

  • Do khớp hàm bị cứng nên người bệnh khó thực hiện cử động há và đóng miệng.

Vùng quai hàm tập hợp rất nhiều tổ chức dây thần kinh và cơ xương

Vùng quai hàm tập hợp rất nhiều tổ chức dây thần kinh và cơ xương

2. Các vấn đề sức khỏe khi bị đau quai hàm

Các cơn đau quai hàm có thể là triệu chứng của một số bệnh lý tiềm ẩn nào đó, cụ thể là:

2.1. Các bệnh liên quan đến xương quai hàm

Một số bệnh lý thuộc phần xương khớp quai hàm có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau quai hàm dai dẳng, ví dụ như:

  • Viêm khớp thái dương hàm: khớp thái dương hàm là một khớp phần sọ mặt, nó có khả năng hoạt động và hỗ trợ các thao tác như ăn, nhai, nuốt, nói chuyện, ca hát,... hàng ngày. Bệnh viêm khớp thái dương hàm được nhận biết bởi triệu chứng đau quai hàm theo chu kỳ xảy ra ở 1 hoặc cả 2 bên mặt, đi kèm với mất cân bằng vận động, co thắt cơ. Ban đầu cơn đau sẽ xuất hiện thoáng qua nhưng theo thời gian nó sẽ diễn ra liên tục với tính chất dữ dội, nhất là khi bạn ăn uống. Bệnh nhân bị đau trong và quanh tai, khó cử động miệng, khi hoạt động cơ hàm sẽ nghe thấy tiếng lục cục của các khớp. Ngoài ra mặt bệnh nhân sẽ bị phình hơn do các khớp viêm tại cơ nhai bị phì đại. Bất kỳ ai cũng có thể bị bệnh này nhưng phổ biến nhất là phụ nữ tuổi dậy thì, giai đoạn mãn kinh,...;

  • Loạn năng thái dương hàm: đây là bệnh lý ít gặp, bệnh nhân sẽ cảm nhận được sự bất thường ở khớp thái dương hàm và cơ nhai với dấu hiệu đầu tiên là cử động nhai kém hiệu quả, khó mở miệng, choáng váng, ù tai, đau quai hàm, đau vùng cơ nhai, dần dần cơn đau sẽ lan ra cả đầu. Bệnh xảy ra ở nhiều nhóm đối tượng nhưng chỉ có số ít trường hợp là bộc lộ triệu chứng. Khi biểu hiện của bệnh đã rõ ràng hơn thì cũng là lúc bệnh đã diễn tiến nặng, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới hỏng khớp;

  • Sái quai hàm: nguyên nhân gây sái quai hàm thường là do nghiến răng khi ngủ, há miệng quá rộng một cách bất ngờ (ngáp hoặc cười to). Đây không hẳn là một loại bệnh mà chỉ là tình trạng, có thể khắc phục được nhưng nếu không xử trí sớm thì sẽ gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Sái quai hàm có thể nhận biết được thông qua các triệu chứng như: đau quai hàm, đau vùng cổ, mặt, tai thường xuyên, đặc biệt đau khi cử động hàm; ù tai, nếu nặng có thể không nghe được; có tiếng lục cục khi cử động khớp hàm; khó vận động cổ;

  • Các bệnh lý khác ở xương quai hàm: viêm tủy xương quai hàm: thoái hóa khớp xương quai hàm, viêm màng hoạt dịch ở dây chằng nối hoặc khớp quai hàm,... cũng có thể gây ra triệu chứng đau quai hàm.

2.2. Mắc các bệnh về răng miệng

Tình trạng đau quai hàm cũng có thể xảy ra ở những người mắc các bệnh lý về răng miệng như sưng lợi, viêm chân răng, sâu răng, răng mọc lệch,...

2.3. Viêm xoang

Viêm xoang hoặc các bệnh gặp phải ở khoang mũi cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động của quai hàm.

Bên cạnh các vấn đề bệnh lý nêu trên, nếu bệnh nhân bị đau dây thần kinh quai hàm, nhức đầu hay căng thẳng cũng có nguy cơ cao bị đau tại vị trí này.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau quai hàm

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau quai hàm

3. Đau quai hàm cần khắc phục ra sao?

Trong trường hợp đau quai hàm mức độ nhẹ, bạn chưa cần phải đi khám ngay mà có thể cải thiện cơn đau bằng các biện pháp dưới đây:

  • Hạn chế đặt tay dưới hàm hoặc nằm nghiêng sang bên bị đau khi ngủ. Bởi vì tư thế này sẽ càng làm tăng áp lực lên cơ hàm và khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn;

  • Tránh nghiến răng khi ngủ (hãy nhờ sự tư vấn và hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa);

  • Thực phẩm cần tránh:

  • Những món dai, dễ dính, giòn sẽ làm căng mỏi khớp hàm (ví dụ như kẹo cao su), không cắn những vật cứng;

  • Đồ cay nóng;

  • Thịt dai, sườn sụn, nước đá;

  • Cà phê, bia rượu, chất kích thích,...

  • Thực phẩm nên ăn:

  • Những món giàu canxi và vitamin D tăng cường độ chắc khỏe cho xương;

  • Nấu thức ăn chín mềm, dạng súp, lỏng và cắt thức ăn thành những miếng nhỏ cho dễ nhai, dễ nuốt.

  • Chườm nóng: nhiệt độ cao có tác dụng thư giãn cơ bắp, cải thiện triệu chứng đau cứng khớp nhưng nếu đau quai hàm kèm theo triệu chứng viêm sưng thì bạn nên chườm lạnh;

  • Xoa bóp, ấn huyệt: bạn hãy đặt ngón giữa và ngón trỏ ấn vào vùng quai hàm đang bị đau nhức, sau đó xoa bóp tròn từ 5 - 10 vòng và cử động miệng. Thực hiện lặp lại các thao tác này cho đến khi cơn đau đã giảm bớt;

  • Dùng thuốc giảm đau: bạn có thể tham khảo bác sĩ về việc dùng các thuốc giảm đau như ibuprofen, acetaminophen hay paracetamol,... Nếu đã dùng thuốc và kết hợp với các biện pháp trên nhưng tình trạng đau quai hàm vẫn không khá hơn thì bạn nên đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và được điều trị đúng cách.

Đừng nhai kẹo cao su khi đang bị đau quai hàm

Đừng nhai kẹo cao su khi đang bị đau quai hàm

Trên đây là những thông tin liên quan đến tình trạng đau quai hàm. Hiện tượng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, đó có khả năng là triệu chứng của một loại bệnh lý nào đó vùng xương hàm nhưng đôi khi cũng chỉ là do thói quen nghiến răng khi ngủ hoặc ngáp to đột ngột gây ra. Trong trường hợp bạn nhận thấy cơn đau kéo dài kèm theo các biểu hiện bất thường thì hãy đi khám ngay từ sớm.

Bạn có thể đến khám trực tiếp tại Chuyên khoa Răng Hàm Mặt của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân của tình trạng đau quai hàm. Liên hệ ngay qua hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên của MEDLATEC tư vấn và hướng dẫn đặt lịch cùng chuyên gia.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.