Tin tức
Để phòng bệnh giun đũa chó mèo nên kiêng ăn gì?
- 24/03/2021 | Bệnh chàm bìu: cách phòng ngừa và hạn chế triệu chứng của bệnh
- 10/05/2022 | Chữa chàm da tay bằng cách nào? Phương pháp phòng ngừa ra sao?
- 07/11/2010 | Mối nguy hiểm do nhiễm giun đũa
- 07/09/2013 | Giun đũa chó mèo gây bệnh ở người, vì sao?
- 18/02/2014 | Giun đũa chó mèo - Một thủ phạm gây mày đay
- 16/06/2020 | Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo
1. Bệnh giun đũa chó mèo là gì?
Thông tin về giun đũa chó mèo
Giun đũa chó mèo có tên khoa học là Toxocariasis, được phát hiện ở mọi nơi trên thế giới. Chúng sống trong ruột non của chó, mèo nhà. Mỗi ngày giun cái sinh sản 200 nghìn quả trứng. Trứng giun khi được thải ra môi trường có thể tồn tại khoảng thời gian dài trước khi lây nhiễm vào vật chủ mới.
Ấu trùng giun đũa chó mèo ngoài khả năng lây nhiễm thông qua trứng giun còn có khả năng lây trực tiếp cho chó mèo con khi còn trong bụng mẹ hoặc lây truyền qua tuyến vú khi chúng bú mẹ. Một khi đi vào cơ thể chó mèo, ấu trùng có thể sống trong ruột non hoặc chu du khắp cơ thể.
Bệnh giun đũa chó mèo là căn bệnh nhiễm trùng lây truyền từ động vật sang con người, bất kể bệnh nhân có nuôi chó mèo hay không. Chúng lây lan khi người ăn phải trứng giun đã trường thành hoặc ăn thịt của vật chủ chứa ấu trùng còn sống. Khi xâm nhập cơ thể người, chúng không sinh sống trong ruột người mà di chuyển khắp hệ tuần hoàn nên được coi là bệnh nhiễm ký sinh trùng đường máu.
Lứa tuổi dưới 4 tuổi có nguy cơ cao mắc giun đũa chó mèo do thói quen nghịch đất cát.
Nhận biết bệnh giun đũa chó mèo
Bệnh được phát hiện thông qua khám lâm sàng và xét nghiệm máu. Bạn hoàn toàn có thể nhận thấy những dấu hiệu sau đây nếu cơ thể đang nhiễm giun đũa chó mèo:
- Da nổi mẩn ngứa: có thể ngứa từng khu vực hoặc khắp cơ thể, tình trạng trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm. Cùng với đó là cảm giác uể oải, tính khí cáu bẳn, dễ nổi nóng. Những dấu hiệu này có thể xuất hiện dai dẳng nhiều tháng trời và dễ nhầm lẫn với bệnh chàm, viêm da cơ địa.
- Rối loạn tiêu hóa: với các dấu hiệu chán ăn, đầy bụng, táo bón hoặc đi ngoài phân nát, đau tức hạ sườn phải,... Đây có thể là dấu hiệu ấu trùng giun đũa chó mèo đã di chuyển đến gan.
- Gặp các vấn đề đường hô hấp: như khó thở, ho nhiều, thở khò khè, ngạt mũi,... Rất có thể giun đũa chó mèo đã di chuyển đến khu vực phổi.
- Gặp các vấn đề về thị lực: như nhìn mờ, mỏi mắt, đau nhức hốc mắt, có cảm giác sinh vật di chuyển trong mắt, soi đáy mắt thấy ấu trùng...
- Gặp các vấn đề về trí lực: không thể tập trung, trí nhớ kém. Có thể đi kèm các triệu chứng mất ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, đau nhức cơ thể, run chân tay.
2. Giun đũa chó mèo nguy hiểm như nào?
Sau khi vào cơ thể người, người mắc bệnh khi nuốt phải trứng giun đũa chó, mèo đã hoá phôi. Nhưng các ấu trùng từ trứng nở ra sẽ không phát triển được đến giai đoạn trưởng thành và sẽ chu du trong cơ thể người trong vài tháng đến nhiều năm. Các ấu trùng này sẽ gây tổn thương tại những nơi mà chúng đến, làm nên bệnh giun đũa chó, mèo ở người.
Mức độ tổn thương của cơ thể cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như cơ quan mà chúng xâm lấn: gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt… Một khi có điều kiện ký sinh lâu dài, nơi ấu trùng sinh sống có thể trở thành những khối u, gây nhiễm trùng, tổn thương não, thậm chí là tử vong.
3. Để phòng bệnh giun đũa chó mèo cần kiêng ăn gì?
Tuy căn bệnh này nguy hiểm nhưng nhiều người lại chủ quan khiến cơ thể nhiễm bệnh giun đũa chó mèo thông qua ăn uống. Dưới đây là những thực phẩm không nên sử dụng để phòng ngừa căn bệnh này:
Không ăn các loại rau sống chưa rửa sạch
Các loại rau gia vị như hành lá, salad, ngò gai, tía tô,... thường được sử dụng rộng rãi trong các bữa cơm hằng ngày. Do sinh trưởng trong môi trường đất, chúng có thể mang theo ấu trùng giun đũa chó mèo. Để đảm bảo an toàn khi ăn rau sống, nên ăn tại nhà, rửa rau nhiều lần đến khi sạch bẩn và đất cát và có thể ngâm rau ngập trong nước muối loãng từ 10 - 20 phút .
Để phòng tránh lây nhiễm giun đũa chó mèo, bạn cần hạn chế ăn rau sống các loại.
Không nên ăn các món ăn từ động vật chưa được nấu chín
Một số món ăn được coi là món khoái khẩu của nhiều người như nem chua, thịt chua, gỏi cá, sushi, dê tái chanh, bò tái, tiết canh,… mang nguy cơ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo rất cao.
Nguyên nhân là do quy trình nuôi nhốt, giết mổ, chế biến và bảo quản có thể không đảm bảo an toàn vệ sinh dễ khiến ký sinh trùng xâm nhập. Tuy nhiên ấu trùng và trứng giun sán chó mèo bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín, vì vậy cần ăn chín uống sôi, đậy kỹ thực phẩm sau khi nấu chín, tránh ruồi và côn trùng đậu vào thức ăn.
Những lưu ý khác để phòng tránh bệnh giun đũa chó mèo
Cùng với việc ăn uống sạch sẽ, ăn chín uống sôi, trong thời gian điều trị giun đũa chó mèo và cả sau khi chữa khỏi, bệnh nhân cần chú ý:
- Hạn chế ôm, hôn, bồng bế, tiếp xúc với thú cưng, nếu có cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi tiếp xúc.
- Dọn dẹp nơi ở của chó mèo, hằng tuần lau chùi nhà cửa bằng chất diệt khuẩn ở những nơi chó mèo thường đi đến.
Giun đũa chó mèo sinh sống chủ yếu trong cơ thể chó mèo, cần thận trọng khi tiếp xúc với thú cưng để tránh nhiễm bệnh.
- Xử lý phân chó mèo bằng cách chôn lấp sâu dưới đất hoặc buộc kín bằng túi bóng và cho vào thùng rác. Đặc biệt không để thú cưng đi ngoài tại khu vực đất trồng rau.
- Xổ giun định kỳ cho chó mèo.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không đi chân trần trên đất.
- Định kỳ tẩy giun cho người mỗi năm 2 lần bất kể đã nhiễm giun đũa chó mèo hay chưa.
Vì sự nguy hiểm của căn bệnh này, khi có những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh giun đũa chó mèo, người bệnh cần đến các địa chỉ y tế uy tín để kiểm tra và tìm ra biện pháp chữa trị thích hợp.
Để đặt lịch kiểm tra và chăm sóc sức khỏe tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!