Tin tức
Dùng ngải cứu chữa đau khớp gối bằng cách nào, có cần điều trị chuyên khoa không?
- 01/02/2024 | Đau khớp gối ở người trẻ tuổi: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
- 06/05/2025 | Sưng khớp gối kéo dài – Đừng chủ quan với những dấu hiệu âm thầm
- 15/05/2025 | Người bị khô khớp gối nên ăn gì để cải thiện dịch khớp?
1. Tại sao ngải cứu được dùng để chữa đau khớp gối?
Ngải cứu là loại cây chứa tinh dầu, flavonoid và các hợp chất chống viêm như cineol, thujone,... Theo y học cổ truyền, ngải cứu có tính ấm, vị đắng, quy vào can, tỳ, thận, tác dụng: ôn kinh, chỉ huyết, tán hàn, giảm đau, trừ phong thấp.
Trong dân gian, ngải cứu được dùng để chữa đau khớp gối bởi khả năng cải thiện tuần hoàn máu tại vùng bị tổn thương, giảm sưng khớp, chống viêm, giảm đau,...
Khi đắp hoặc chườm ngải cứu lên khớp gối, tinh dầu sẽ thấm qua da giúp làm dịu cơn đau, kích thích lưu thông máu, làm ấm khớp,.... nên có thể giảm đau nhẹ, hỗ trợ cải thiện co cứng khớp.
Ngải cứu có tính ấm, giúp cải thiện lưu thông máu nên được dân gian dùng để chữa đau khớp gối
2. 3 cách dùng ngải cứu chữa đau khớp gối theo phương pháp dân gian
2.1. Chườm nóng ngải cứu với muối
Dân gian lưu truyền bài thuốc dùng ngải cứu chữa đau khớp gối như sau:
Dùng 1 nắm lá ngải cứu tươi đem rang nóng cùng 1 thìa muối hạt đến khi khô, dậy mùi thơm thì bọc vào khăn mỏng và chườm lên vùng khớp gối đau 15 - 20 phút. Cần làm như vậy mỗi ngày 2 lần, liên tục 7 - 10 ngày để làm ấm, giảm đau khớp gối.
2.2. Đắp ngải cứu tươi với giấm gạo
Một cách dùng ngải cứu chữa đau khớp gối khác cũng được nhiều người áp dụng là: rửa sạch 1 nắm lá ngải cứu tươi rồi giã nát, trộn với một thìa cà phê giấm gạo rồi đắp lên khớp gối, dùng băng y tế băng cố định lại trong 30 phút.
Bằng việc thực hiện cách đắp ngải cứu này hằng ngày, cơn đau khớp gối sẽ được cải thiện.
Ngải cứu sao vàng dùng để đắp lên khớp gối bị đau
2.3. Sắc nước ngải cứu uống
Dùng 1 nắm lá ngải cứu tươi rửa sạch đem đun cùng 500ml nước trong 15 phút sau đó chắt lấy nước chia 2 lần uống/ngày. Cách dùng ngải cứu chữa đau khớp gối này không được thực hiện liên tục quá 7 ngày vì ngải cứu có thể gây kích ứng dạ dày, nhất là người có bệnh đường tiêu hóa.
3. Lưu ý khi chữa đau khớp gối với cây ngải cứu
Ngải cứu là dược liệu tự nhiên có nhiều công dụng, tuy nhiên nếu sử dụng sai cách có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Nếu sử dụng thảo dược này để chữa đau khớp gối thì người bệnh nên chú ý:
- Không lạm dụng ngải cứu trong thời gian dài để tránh gây kích thích đường tiêu hóa, nóng rát hoặc mẩn đỏ da.
- Không dùng ngải cứu chữa đau khớp gối để uống đối với: phụ nữ mang thai, người mắc bệnh lý dạ dày, đang dùng thuốc chống đông hoặc bị rối loạn đông máu.
- Cần dùng lá ngải cứu sạch, dụng cụ bọc hoặc đựng ngải cứu cần đảm bảo vệ sinh để tránh gây nhiễm trùng vùng da tiếp xúc.
- Không đắp ngải cứu lên vết thương hở hoặc vùng da có dấu hiệu viêm loét.
- Nếu có dấu hiệu ngứa ngáy, nổi mẩn hoặc phồng rộp sau khi đắp ngải cứu, cần ngưng sử dụng và rửa sạch vùng da bị kích ứng.
- Kết hợp dùng ngải cứu với:
+ Duy trì tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, yoga,... để tăng khả năng phục hồi khớp gối.
+ Giữ cân nặng vừa phải để không tạo áp lực lên khớp.
+ Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D vào chế độ ăn hàng ngày để cải thiện sức khỏe xương khớp.
+ Tránh mang vác nặng, đứng hoặc ngồi một tư thế quá lâu.
4. Khi nào người bị đau khớp gối cần can thiệp y khoa?
Dùng ngải cứu chữa đau khớp gối chỉ hỗ trợ giảm đau tạm thời trong các trường hợp như đau khớp gối do thay đổi thời tiết, viêm khớp nhẹ, căng cơ khớp do vận động quá mức. Phương pháp này không có tác dụng thay thế điều trị y khoa vì không thể điều trị dứt điểm các nguyên nhân gây đau khớp gối như: viêm khớp dạng thấp, chấn thương dây chằng, chấn thương sụn khớp,...
Nếu phụ thuộc hoàn toàn vào ngải cứu mà không khám bệnh rất dễ khiến bệnh tiến triển nặng hơn, dẫn đến biến chứng nguy hiểm như teo cơ, tràn dịch khớp gối, mất khả năng vận động,...
Nếu gặp các dấu hiệu dưới đây, người bị đau khớp gối cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị đúng hướng:
- Đau khớp gối kéo dài trên 1 tuần không cải thiện.
- Đau kèm theo sưng, nóng, đỏ, hạn chế vận động khớp gối.
- Có tiếng kêu lạo xạo khi cử động gối.
- Đau lan xuống bắp chân hoặc ảnh hưởng khả năng đi lại.
Nhờ việc quyết định thăm khám đúng thời điểm, người bệnh sẽ được thực hiện các kiểm tra cần thiết như chụp x-quang, chụp MRI, đo mật độ loãng xương, xét nghiệm máu,... giúp chẩn đoán đúng nguyên nhân gây đau khớp gối. Từ kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp như: dùng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, vật lý trị liệu, phẫu thuật (nếu cần).
Ngải cứu chữa đau khớp gối chỉ giảm đau tạm thời, người bệnh cần khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị đúng hướng
Việc thăm khám, điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ giúp người bệnh được theo dõi mức độ đáp ứng điều trị, điều chỉnh thuốc trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn người bệnh cách tập luyện phù hợp để cải thiện chức năng khớp, chế độ dinh dưỡng tốt cho khớp và những thói quen cần tránh để phòng bệnh tái phát.
Mong rằng những chia sẻ ở trên đã giúp bạn hiểu hơn về việc dùng ngải cứu chữa đau khớp gối và biết nên làm gì để đau khớp gối không tiến triển nặng hơn, gây ảnh hưởng đến chức năng vận động lâu dài.
Nếu thường xuyên đau nhức khớp gối, cần tìm ra nguyên nhân để được điều trị hiệu quả, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
