Tin tức
Giải đáp băn khoăn nguyên nhân gây rối loạn tiền đình là gì
- 27/01/2021 | Điểm danh những triệu chứng rối loạn tiền đình điển hình
- 11/06/2020 | Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không? Nhận biết bằng cách nào?
- 07/10/2020 | Rối loạn tiền đình và những thông tin không thể bỏ qua
1. Rối loạn tiền đình là gì và có những loại nào?
Tiền đình nằm ở phía sau ốc tai hai bên để điều chỉnh thăng bằng tư thế cũng như các hoạt động phối hợp của cơ thể. Vậy rối loạn tiền đình là gì? Đây là tình trạng dây thần kinh số 8 bị tổn thương nên cơ thể giảm khả năng giữ thăng bằng.
Bệnh rối loạn tiền đình được phân thành 2 loại:
- Rối loạn tiền đình ngoại biên
Người bị bệnh này có thể đi đứng được khi bệnh xuất hiện, chủ yếu chỉ bị chóng mặt khi thay đổi tư thế nhưng có thường thoáng qua trong thời gian ngắn. Một số người cũng bị chóng mặt nặng và kéo dài đến mức không thể đi đứng hay chuyển đổi tư thế từ nằm sang ngồi được. Những trường hợp như vậy thường nặng và hay kèm nôn ói nhiều, kéo dài và thậm chí còn bị suy giảm thính lực, ù tai, khó tập trung,…
Người cao tuổi dễ bị rối loạn tiền đình
- Rối loạn tiền đình trung ương
Đây là tình trạng thiểu năng tuần hoàn não gây khó khăn trong đi đứng, thay đổi tư thế và thường dẫn đến nôn ói. Do nhân tiền đình, đường đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não bị tổn thương nên nó sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu cho não bộ.
2. Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình là gì
2.1. Nguyên nhân chung gây rối loạn tiền đình
Nhiều người không biết nguyên nhân rối loạn tiền đình là gì nên khi bị bệnh rất dễ hoang mang. Thường thì bệnh lý này xảy ra do:
- Não hoặc tai trong bị ảnh hưởng vì có sự xâm nhập của vi khuẩn hay virus ở tai, chấn thương tại đầu hoặc tuần hoàn máu bị rối loạn.
- Mạch máu não bị tắc nghẽn do bệnh lý tim mạch, thiếu máu, huyết áp thấp, tai biến,...
- Sự sản sinh lượng một lớn hormone cortisol của cơ thể do áp lực, căng thẳng, lo lắng gây ra hệ lụy là hệ thống thần kinh trong đó có dây thần kinh số 8 bị tổn thương và tiền đình không nhận được thông tin chính xác nên không hoạt động theo đúng yêu cầu.
- Suy giảm chức năng của một số cơ quan trong cơ thể ở người lớn tuổi.
- Mất máu quá nhiều do bệnh lý hay chấn thương nào đó.
- Chịu áp lực tâm lý trong thời gian dài như: lo âu, stress, căng thẳng,...
- Ngộ độc một số loại thuốc mà điển hình là thuốc kháng lao.
2.2. Nguyên nhân rối loạn tiền đình theo loại bệnh
- Rối loạn tiền đình trung ương
Chủ yếu do các bệnh lý ở não: đột quỵ, thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não, chấn thương sọ não,...
Không tìm ra nguyên nhân rối loạn tiền đình là gì khiến nhiều người mệt mỏi
- Rối loạn tiền đình ngoại biên
Thường do bệnh lý ở tai, viêm dây thần kinh tiền đình, chóng mặt tư thế kịch phát,...
3. Nhận diện một số triệu chứng rối loạn tiền đình
Người bị rối loạn tiền đình thường xuất hiện đột ngột những triệu chứng sau:
- Cảm giác người lảo đảo như muốn ngã, mất thăng bằng, chóng mặt, hoa mắt.
- Đầu nhức, tai ù, chân tay bủn rủn, buồn nôn,...
- Khó tập trung, sợ ánh sáng, hồi hộp, mắt mờ, cơ thể suy nhược, vã mồ hôi.
- Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể đứng dậy được nhưng lại dễ ngã do mất thăng bằng. Trường hợp nặng hơn dễ chỉ nằm được một tư thế và không thể ngồi dậy.
4. Phương pháp chủ động phòng tránh rối loạn tiền đình
Khi đã biết nguyên nhân gây rối loạn tiền đình là gì bạn có thể chủ động phòng tránh bệnh lý này bằng các biện pháp như:
- Không ngồi quá lâu trước máy vi tính hoặc ngồi một chỗ.
- Luyện tập thể thao vừa sức, chú ý thường xuyên tập các bài vận động cho vùng cổ, gáy và đầu.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Hạn chế bị lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
- Khi đứng lên/ngồi xuống không thực hiện động tác quá nhanh.
- Không quay cổ đột ngột.
- Không nên xem điện thoại hay đọc sách báo khi đi ô tô.
- Tích cực điều trị hiệu quả những bệnh lý mạn tính có nguy cơ gây rối loạn tiền đình như: huyết áp, mỡ máu,...
5. Một số điều cần lưu ý
Bệnh rối loạn tiền đình về cơ bản không gây ra những hậu quả quá nguy hiểm nhưng khiến người bệnh mệt mỏi và chán nản vì nó ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Một số trường hợp nặng có thể biến chứng đột quỵ nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nếu máu ít được lưu thông lên não.
Lắng nghe và thực hiện chỉ định điều trị từ bác sĩ sẽ giúp đẩy lùi bệnh
Bên cạnh đó, triệu chứng rối loạn tiền đình cũng khá giống với nhiều bệnh khác như thiếu máu não, tai biến mạch máu não, u não, tim mạch, parkinson,... vì thế khi xuất hiện những triệu chứng trên đây tốt nhất nên đến bệnh viện thăm khám.
Để chẩn đoán bệnh bác sĩ có thể sử dụng một số biện pháp cận lâm sàng như: xét nghiệm cơ bản, chụp X-quang cột sống cổ, siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống, chụp CT hoặc MRI sọ não. Việc điều trị bệnh phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây bệnh ở từng bệnh nhân, trong đó điều cốt yếu cần giải quyết là xử trí những cơn chóng mặt cấp, đột ngột để phòng tránh tai nạn gây nguy hiểm cho người bệnh.
Khi đã được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và có chỉ định điều trị người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc chỉ định ấy. Trong thời gian điều trị người bệnh cũng nên nghỉ ngơi, có chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh sử dụng chất kích thích và giữ cho mình trạng thái tâm lý thật tốt. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị bởi tác dụng phụ của thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Qua những chia sẻ trên đây chúng tôi hy vọng giúp bạn đọc biết được nguyên nhân gây rối loạn tiền đình là gì cũng như cách thức nhận diện, phương pháp phòng ngừa bệnh để bảo vệ tốt cho sức khỏe. Mọi thắc mắc khác liên quan đến bệnh lý này bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được chuyên viên y tế giải đáp cặn kẽ hơn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!