Tin tức

Giải đáp từ A-Z về liệu pháp hóa trị trong điều trị ung thư

Ngày 18/08/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Bên cạnh phẫu thuật và xạ trị, hoá trị cũng là một phương pháp điều trị ung thư quan trọng, được áp dụng rộng rãi trên lâm sàng. Phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn tiến triển, thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.

1. Hóa trị là gì và khi nào cần thực hiện hóa trị?

Hóa trị là liệu pháp sử dụng một số loại hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn cản sự hình thành và phát triển của những tế bào này, đồng thời hạn chế nguy cơ chúng sẽ di căn và lan rộng sang các cơ quan khác.

Do các tế bào ung thư có tính chất tăng sinh rất nhanh nên hóa trị sẽ kìm hãm sự phân chia đó. Tuy nhiên những loại hóa chất dùng trong hóa trị cũng có thể tác động lên những tế bào khỏe mạnh bình thường nên bệnh nhân sẽ gặp các tác dụng phụ không mong muốn.

Điều trị bằng hóa chất sẽ giúp tiêu diệt các tế bào ung thư

Điều trị bằng hóa chất sẽ giúp tiêu diệt các tế bào ung thư

Phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Mục đích chính của hóa trị đó là:

  • Làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư;

  • Giảm kích thước của khối u ác tính;

  • Cải thiện các triệu chứng như chèn ép, đau nhức do khối u gây ra;

  • Điều trị bổ trợ: áp dụng sau phẫu thuật để xóa bỏ triệt căn các tế bào ung thư còn sót lại, ngăn chặn nguy cơ tái phát và di căn về sau.

2. Cách mà hóa trị được áp dụng trên những bệnh nhân ung thư

Các thuốc hóa trị được đưa vào cơ thể người bệnh theo 2 con đường chính đó là đường uống và tiêm truyền. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định loại hóa chất phù hợp:

  • Hóa trị đường uống: thuốc được bào chế theo dạng viên, dạng con nhộng hoặc dung dịch. Khi đưa thuốc vào cơ thể thì thuốc sẽ được dạ dày hấp thu, lớp màng của thuốc sẽ do dịch vị dạ dày phá vỡ để giải phóng các hóa chất có tác dụng điều trị ung thư. Tuy nhiên cũng có những thuốc làm tổn thương niêm mạc dạ dày, hoặc dịch tiêu hóa làm mất tác dụng của thuốc. Do đó sau khi sử dụng thuốc người bệnh cần lưu ý các phản ứng của cơ thể và thông báo lại cho bác sĩ để có hướng điều trị hợp lý hơn;

  • Hóa trị đường tĩnh mạch: các thuốc sẽ được truyền trực tiếp vào cơ thể qua đường tĩnh mạch. Thời gian truyền có thể mất hàng giờ đồng hồ, có khi là liên tục trong vài ngày hoặc thậm chí là vài tuần tùy vào loại thuốc và mong muốn hiệu quả điều trị đạt được cao hơn;

  • Hóa trị tiêm dưới da: thường áp dụng đối với thuốc dạng sinh học, đưa thuốc vào phần dưới da bằng kim tiêm ngắn để không xâm lấn quá sâu vào lớp cơ. Biện pháp này phù hợp với người bệnh có lượng tiểu cầu thấp vì sẽ hạn chế được sự chảy máu so với phương pháp tiêm tại bắp;

  • Hóa trị nội động mạch: động mạch có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển máu từ tim tới nuôi dưỡng những cơ quan khác trong cơ thể. Khi tiêm thuốc hóa trị vào động mạch sẽ giúp thuốc được đưa tới vùng có khối u;

  • Hóa trị tiêm bắp: với cách này bác sĩ cần dùng mũi tiêm có kích thước lớn hơn so với tiêm dưới da nhằm giúp thuốc ngấm sâu vào các bó cơ. Tuy nhiên ở phương pháp này thuốc sẽ có tác dụng chậm hơn so với những cách trên;

Có nhiều hình thức đưa hóa chất vào cơ thể để điều trị ung thư

Có nhiều hình thức đưa hóa chất vào cơ thể để điều trị ung thư

  • Các cách dùng khác: 

  • Bàng quang: đưa thuốc vào bàng quang thường chỉ định đối với những người bị ung thư bàng quang sau khi đã thực hiện mổ loại bỏ khối u;

  • Màng bụng: đưa thuốc vào khoang màng bụng thay vì đưa vào dạ dày;

  • Màng phổi: đưa thuốc vào khoang màng phổi trong trường hợp điều trị u màng phổi;

  • Hóa trị tại chỗ: thuốc được dùng theo dạng kem bôi lên vùng da bị tổn thương do ung thư da gây nên.

3. Hóa trị có thể gây nên những tác dụng phụ gì? 

Mặc dù giúp tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng các hóa chất chứa trong thuốc cũng có những tác động tiêu cực nhất định đối với cơ thể người bệnh, cụ thể như sau:

  • Làm giảm tiểu cầu, hồng cầu và bạch cầu: thuốc hóa trị kìm hãm sự phân chia nhanh chóng của các tế bào ung thư và cả các tế bào khỏe mạnh, do vậy mà tế  bào tiểu cầu, hồng cầu và bạch cầu cũng bị ảnh hưởng theo. Bệnh nhân ung thư trong quá trình hóa trị  có thể bị thiếu máu, dễ bị nhiễm trùng hoặc bầm tím do trong cơ thể bị giảm số lượng và chất lượng những tế bào này;

  • Gây sạm da, rụng tóc: các tế bào ở da, tóc và móng cũng có tốc độ phát triển nhanh nên dễ bị thuốc hóa trị làm ảnh hưởng;

  • Chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy: đây là biểu hiện của chứng rối loạn tiêu hóa do hóa trị. Vì vậy bệnh nhân nên giảm thức ăn chứa nhiều chất béo, ăn những món ít mùi, lành tính, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi và chia nhỏ bữa ăn trong ngày để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa và vẫn đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể;

  • Loét niêm mạc miệng: người bệnh nên uống đủ nước, giữ gìn sạch sẽ vệ sinh răng miệng, ăn đồ mềm, loãng để hạn chế tối đa tổn thương cho niêm mạc miệng.

Những tác dụng phụ nêu trên sẽ hết sau một thời gian ngừng thuốc, do đó bệnh nhân không nên quá lo lắng. Trong trường hợp tình trạng này kéo dài, trở nên nghiêm trọng hơn thì hãy thông báo cho bác sĩ để được đổi thuốc hoặc áp dụng biện pháp điều trị khác phù hợp hơn.

4. Những lưu ý khi thực hiện phác đồ hóa trị ung thư

Khi bắt đầu tiếp nhận hóa trị, bệnh nhân cần lưu ý một số điều như sau:

  • Bác sĩ trực tiếp điều trị sẽ là người kiểm tra và chỉ định loại thuốc cho bệnh nhân. Nhiệm vụ của người bệnh đó là nên tuân thủ chặt chẽ theo đúng kế hoạch điều trị. Trong quá trình dùng thuốc sẽ có các  đợt nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian tạo ra các tế bào mới, thay thế cho những tế bào đã bị hóa chất làm tổn thương;

  • Trong quá trình hóa trị, người bệnh không nên cắt giảm khẩu phần ăn và kiêng khem quá mức. Thay vào đó hãy tham khảo tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa để áp dụng cho mình một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng giúp hạn chế sự khó chịu do ung thư và hóa chất gây ra;

  • Ổn định tâm lý vững vàng, hãy suy nghĩ tích cực và có niềm tin rằng mình sẽ chiến thắng căn bệnh ung thư. Khi điều trị nếu cảm thấy căng thẳng và mất tinh thần, người bệnh hãy trò chuyện nhiều hơn với bạn bè và người thân hoặc tham gia các hoạt động giúp tinh thần trở nên phấn chấn như đọc sách, nghe nhạc, thiền định,...

Rụng tóc là một trong những tác dụng phụ khi thực hiện hóa trị liệu

Rụng tóc là một trong những tác dụng phụ khi thực hiện hóa trị liệu

Mong rằng với những chia sẻ trên đây, bạn đã có cho mình những thông tin cơ bản về phương pháp hóa trị được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý ung thư. 

Một trong những cách giúp phòng ngừa ung thư ngay từ sớm mà bạn nên thực hiện đó là tầm soát ung thư định kỳ hàng năm. Chuyên khoa Ung bướu của MEDLATEC hội tụ đội ngũ các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết  bị hiện đại và Trung tâm Xét nghiệm đạt chứng nhận ISO 15189:2012, mới đây nhất là CAP do Hội Bệnh học Hoa Kỳ cấp,... sẽ giúp khách hàng phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư (nếu có), đưa ra kết quả chính xác và nhanh chóng, qua đó hỗ trợ hiệu quả cho quá trình điều trị.

Để được tư vấn chi tiết hơn về dịch vụ này, bạn hãy liên hệ ngay tới tổng đài 1900 56 56 56 của  Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.