Tin tức

Giúp bạn phân biệt các loại thuốc đau dạ dày hiện nay

Ngày 05/10/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Hoàng Thị Thúy
Bệnh đau dạ dày hiện đang trở nên phổ biến ở mọi lứa tuổi. Thay vì thăm khám để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị hợp lý thì nhiều người tự đi mua các loại thuốc đau dạ dày để kiềm chế cơn đau. Vậy những loại thuốc này có thật sự tốt? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn làm sáng tỏ vấn đề này.

1. Tìm hiểu về bệnh đau dạ dày

Trước tiên hãy cùng làm rõ các thông tin liên quan đến bệnh đau dạ dày, nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết. 

Thế nào là đau dạ dày?

Dạ dày hay còn được gọi là bao tử là một bộ phận quan trọng trong hệ tiêu hóa của con người, nằm dưới tá tràng và thực quản. Nghiền thức ăn và phân hủy thức ăn bởi hệ enzym tiêu hóa ở dịch vị là chức năng chính của dạ dày. Bệnh đau dạ dày xảy ra khi lớp niêm mạc bị tổn thương kéo dài và không được chữa trị kịp thời dẫn đến viêm loét. 

Nhiều người tìm đến các loại thuốc đau dạ dày để làm giảm các cơn đau

Nhiều người tìm đến các loại thuốc đau dạ dày để làm giảm các cơn đau

Nguyên nhân gây ra bệnh đau dạ dày

Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để có thể lựa chọn phương pháp điều trị cũng như loại thuốc đau dạ dày phù hợp nhất với từng bệnh nhân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đau dạ dày, trong đó có thể kể đến các nguyên nhân chính sau:

- Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori): Helicobacter Pylori là loại vi khuẩn sống và phát triển trong dạ dày và gây ra các vết loét trong dạ dày. Có khoảng 80% người mắc bệnh do loại vi khuẩn này, vi khuẩn HP lây truyền qua rất nhiều con đường. 

Những người nhiễm vi khuẩn HP có 1% nguy cơ mắc ung thư dạ dày

Những người nhiễm vi khuẩn HP có 1% nguy cơ mắc ung thư dạ dày

- Chế độ ăn không khoa học: Vì tính chất công việc bận rộn hay thói quen mà nhiều người thường xuyên ăn uống không đúng giờ, bỏ ăn các bữa chính, nhịn đói để giảm cân,… Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng đau dạ dày. Ngoài ra, sở thích ăn đồ ăn quá cay, quá lạnh hay chua,… cũng gây ra bệnh.

- Hút thuốc lá: Là nguyên nhân phổ biến gây ra đau bao tử ở đàn ông, hút thuốc thường xuyên làm cho lớp niêm dạ dày bị bào mòn theo thời gian. Không những vậy, hút thuốc lá còn có nguy cơ gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

- Sử dụng rượu bia quá nhiều: Lạm dụng các đồ uống kích thích trong thời gian dài làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày.

- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Các thói quen xấu phổ biến như là thức khuya, dậy muộn, ăn đêm, lười vận động,… mang đến tỉ lệ mắc bệnh cao hơn bình thường.

- Stress kéo dài: Áp lực công việc, cuộc sống làm tinh thần luôn căng thẳng dẫn đến việc tiết axit dịch vị trong dạ dày làm đau nhói vùng thượng vị.

Dấu hiệu nhận biết bệnh đau dạ dày

Các dấu hiệu điển hình để nhận biết bệnh như sau:

- Những cơn đau thường diễn ra sau khi ăn tầm 2 tiếng. 

- Cảm thấy buồn nôn, nôn khi đánh răng vào buổi sáng.

Buồn nôn khi đánh răng là biểu hiện của trào ngược dịch vị dạ dày thực quản

Buồn nôn khi đánh răng là biểu hiện của trào ngược dịch vị dạ dày thực quản

- Hay ợ chua, đầy hơi khó tiêu sau khi ăn.

- Ăn uống không cảm thấy ngon miệng, chán ăn, cơ thể mệt mỏi.

- Nếu bệnh ở mức độ nặng, niêm mạc dạ dày sẽ bị chảy máu dẫn đến đi đại tiện ra phân đen, ói ra máu hoặc dịch có màu nâu.

2. Các loại thuốc đau dạ dày phổ biến

Các loại thuốc đau dạ dày được phân theo từng nhóm:

Nhóm thuốc kháng axit (antacids) 

Có thể kể đến các loại thuốc như Maalox, Pepto - Bismol, Magnesia, Gelusil, Alusi, Hull,…

- Nhóm thuốc đau dạ dày này trung hòa acid trong dịch vị, tái tạo niêm mạc. Tác dụng chính là điều trị chứng đầy bụng, ợ chua, ợ nóng, khó tiêu.

- Bạn có thể sử dụng mà không cần kê đơn, thuốc giúp giảm nhanh chóng các triệu chứng gây khó chịu của bệnh, có tác dụng đến nhanh nhưng chỉ trong thời gian ngắn để cắt cơn đau.

- Tác dụng phụ của thuốc là có thể gây buồn nôn, cứng bụng, táo bón, phân trắng, chứng nhuyễn xương.

- Chống chỉ định với người bị viêm ruột thừa, bị giảm phosphat máu, trẻ bị suy thận,…

Nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPls)

- Các thuốc ức chế bơm proton có thể kể đến Dexlansoprazole (Dexilant), Pantoprazole (Protonix), Lansoprazole (Prevacid), omeprazole (Prilosec, Prilosec OTC, Zegerid),…

- PPls có cơ chế hoạt động là ức chế acid bằng cách ngăn chặn vị trí sản xuất acid trong các tế bào ở thành dạ dày, có hiệu quả trong điều trị loét dạ dày tá tràng, ngăn ngừa các triệu chứng ợ nóng.

- Thuốc đau dạ dày ở nhóm này đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng trong lúc bụng đói, mỗi ngày 1 lần, thường là vào buổi sáng trước khi ăn tầm 30 phút đến 60 phút.

- Tác dụng phụ của thuốc có thể gây ra đó là tiêu chảy nhẹ, buồn nôn và nôn, sốt, đau họng, nhức đầu,…

- Chống chỉ định với những người mẫn cảm với các thành phần của thuốc, thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ đang có thai và cho con bú.

Nhóm thuốc ức chế thụ thể H2

Nhóm thuốc đau dạ dày này được sử dụng phổ biến trong thực tế

Nhóm thuốc đau dạ dày này được sử dụng phổ biến trong thực tế

- Các thuốc thuộc nhóm này gồm có Ranitidine (Zantac), Nizatidine (Axid), Famotidine (Pepcid, Pepcid AC), Cimetidine (Tagamet, Tagamet HB).

- Nhóm thuốc đau dạ dày này có tác dụng chính là điều trị chứng đau dạ dày (viêm dạ dày) và loét dạ dày tá tràng, giảm các tình trạng gây khó chịu như trào ngược dạ dày thực quản, ợ nóng, buồn nôn.

- Thuốc cần được bác sĩ kê toa theo liều lượng thích hợp, nên được uống trước bữa ăn sáng. Mặc dù không có tác dụng nhanh như nhóm thuốc kháng axit nhưng tác dụng của nhóm thuốc ức chế thụ thể H2 tồn tại lâu hơn.

- Tác dụng không mong muốn bao gồm hạ huyết áp, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, táo bón, tiêu chảy, ban đỏ.

- Chống chỉ định với người mẫn cảm với bất kì thành phần nào của thuốc.

Nhóm thuốc kháng sinh tiêu diệt Helicobacter Pylori

- Các thuốc kháng sinh dùng để tiêu diệt HP được phối hợp nhiều nhóm như  Metronidazole (Flagyl), Amoxicillin (Amoxil, Augmentin) hoặc Clarithromycin (Biaxin) để diệt được vi khuẩn.

- Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn cần phải dùng thuốc kháng sinh đầy đủ, đúng liều lượng để hạn chế tối đa khả năng tái phát.

- Tác dụng phụ khi dùng thuốc có thể gây buồn nôn và nôn, nổi mày đay, mất vị giác,…

- Chống chỉ định với người bị mẫn cảm với bất kì thành phần trong thuốc.

Các thuốc đau dạ dày khác

- Misoprostol: Thuốc dạng viên nén, có tác dụng ức chế tiết acid dạ dày và bảo vệ niêm mạc. Liều lượng sử dụng cho người lớn là 200mg/lần, 1 ngày uống 4 lần cùng với thức ăn. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc có thể kể đến như nhức đầu, tiêu chảy, khó tiêu, táo bón.

- Bismuth: Thuốc đau dạ dày này có dạng viên nén, với tác dụng bao phủ chọn lọc lên đáy ổ loét dạ dày, không có tác dụng với niêm mạc dạ dày. Liều lượng sử dụng của Bismuth thường là 240mg/2 lần hoặc 120mg/4 lần mỗi ngày, uống trước bữa ăn. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc có thể gặp là tạo nên màu đen ở khoang miệng và phân, buồn nôn và nôn, có các độc tính thận và thần kinh,…

- Sucralfate: Thuốc dạng viên nén, tác dụng điều trị loét dạ dày, viêm dạ dày, trị trào ngược dạ dày thực quản. Tùy vào triệu chứng bệnh mà có liều lượng sử dụng khác nhau, thuốc được uống vào lúc đói. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc là táo bón, đau lưng, đau đầu,…

Có thể thấy, các nhóm thuốc đau dạ dày trên đều đem đến công dụng tốt khi chữa các chứng đau dạ dày. Nhưng việc tự ý sử dụng thuốc không theo sự hướng dẫn của bác sĩ có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng đau dạ dày nào, bạn cần tới cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra nguyên nhân gây ra bệnh, mức độ của bệnh để được đưa ra liệu trình chữa trị phù hợp. Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi trong và ngoài nước cùng trang thiết bị hiện đại là một nơi bạn có tin tưởng để khám và chữa bệnh. 

MEDLATEC với đội ngũ bác sĩ có tay nghề giỏi và hệ thống trang thiết bị hiện đại

MEDLATEC với đội ngũ bác sĩ có tay nghề giỏi và hệ thống trang thiết bị hiện đại

Nếu chưa thể ghé bệnh viện để kiểm tra, bạn sẽ được tư vấn miễn phí khi liên hệ với bệnh viện qua hotline 1900 56 56 56 hoặc hỏi đáp online qua website medlatec.vn, đội ngũ bác sĩ sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ