Tin tức
Góc giải đáp: Đo huyết áp vào thời gian nào trong ngày để bảo đảm kết quả chuẩn xác?
- 29/05/2020 | Chỉ số đo huyết áp bình thường ở người khỏe mạnh là bao nhiêu?
- 08/11/2021 | Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim ở người cao tuổi thay đổi ra sao?
- 10/05/2022 | Đo huyết áp tay nào và cách đo đúng tại nhà
1. Huyết áp có thể thay đổi như thế nào trong ngày?
Huyết áp chính là áp lực máu trong động mạch được tạo ra từ sự co bóp của tim cùng với lực cản của động mạch nhằm mục đích đưa máu đến các cơ quan trong cơ thể.
Chỉ số huyết áp có thể thay đổi trong ngày
Trong quá trình đo huyết áp, bạn sẽ thấy máy huyết áp hiện lên 2 chỉ số, bao gồm huyết áp tâm thu hay còn gọi là huyết áp tối đa khi (tim co bóp), cần đạt 120 mmHg và huyết áp tâm trương hay chính là chỉ số huyết áp tối thiểu (khi tim thư giãn) cần đạt từ 80 mmHg.
Nếu kết quả đo thấp hơn 90/60 mmHg thì được đánh giá là tình trạng huyết áp thấp. Nếu kết quả đo cho thấy tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg, tâm trương từ 90 mmHg trở lên thì được cho là tình trạng cao huyết áp.
- Tình trạng huyết áp cao hay huyết áp thấp đều có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Trong đó:
+ Huyết áp cao có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim, nhồi máu não, xuất huyết não, suy thận, phù nề mạch võng mạc gây mất thị lực, hẹp hay tắc mạch máu ở chân, rối loạn cương dương,…
+ Huyết áp thấp có thể gây suy giảm chức năng hệ thống thần kinh, không cung cấp đủ lượng oxy đến các cơ quan trong cơ thể như não, tim, thận,… dẫn đến tổn thương nghiêm trọng. Bên cạnh đó, huyết áp thấp cũng có thể gây tai biến mạch máu não.
Huyết áp thường tăng sau khi ăn
- Diễn biến huyết áp sẽ như thế nào trong một ngày:
+ Trong một ngày huyết áp của chúng ta thường không ổn định. Chỉ số này sẽ thay đổi khi chúng ta vận động, thay đổi cảm xúc hoặc thay đổi theo tình trạng sức khỏe tại thời điểm đó.
+ Trong ngày, buổi sáng là thời điểm huyết áp có xu hướng cao hơn so với những thời điểm khác. Khi chúng ta ngủ sâu thì huyết áp thường ở mức thấp nhất. Khi bạn vận động gắng sức, căng thẳng trong suy nghĩ hoặc gặp một vấn đề khiến bạn xúc động,… thì huyết áp có xu hướng tăng lên. Nhưng ngay sau đó, cơ thể có thể điều chỉnh để huyết áp cân bằng trở lại.
+ Nếu huyết áp luôn ở mức cao hoặc ở mức thấp tại nhiều thời điểm trong ngày thì rất có thể bạn đang gặp phải một số bệnh lý về huyết áp hay các vấn đề đề sức khỏe liên quan đến chỉ số huyết áp.
2. Nên đo huyết áp vào thời gian nào trong ngày để đảm bảo kết quả chính xác nhất?
Hiện nay, máy đo huyết áp đã là dụng cụ kiểm tra sức khỏe quen thuộc trong mỗi gia đình. Do đó, mỗi chúng ta cũng cần tìm hiểu, cập nhật những kiến thức cơ bản để có thể đo huyết áp một cách chính xác nhất. Một kết quả chỉ số huyết áp chính xác sẽ giúp bạn và những người thân trong gia đình theo dõi sức khỏe của mình tốt hơn và xử trí kịp thời khi có vấn đề bất thường xảy ra.
Nên đo huyết áp sau khi thức dậy
Với thắc mắc đo huyết áp vào thời gian nào trong ngày, các chuyên gia giải thích như sau:
- Bạn nên đo huyết áp vào thời điểm buổi sáng, ngay sau khi thức dậy và trước khi bạn bước ra khỏi giường để thực hiện một số hoạt động sinh hoạt cá nhân.
- Trong trường hợp cần được kiểm tra và theo dõi huyết áp nhiều lần mỗi ngày, bạn cần lưu ý chọn những thời điểm cố định để giúp việc so sánh sau khi tổng hợp kết quả sẽ thuận lợi và chính xác hơn.
- Bên cạnh đó, cần nghỉ ngơi tối thiểu 15 phút đồng thời giữ tinh thần thoải mái trước khi đo. Trong quá trình đo, không nên nói chuyện.
- Về tư thế đo: Khi đo huyết áp, bạn có thể nằm hoặc ngồi sao cho thoải mái nhất và vị trí đặt máy đo phải ở trên trên cổ tay hay bắp tay ngang với tim. Nếu ngồi đo, người bệnh nên ngồi ghế tựa và tay đặt trên bàn. Với những trường hợp nằm ngửa để đo huyết áp thì tay cần để xuôi theo thân mình.
- Khi đo huyết áp, bạn không nên mặc những bộ đồ quá chật, bó sát vì nó có thể là nguyên nhân khiến huyết áp tăng, dẫn đến kết quả không chính xác.
- Khi đo, nên đo khoảng 2 lần liên tiếp và khoảng cách giữa mỗi lần đo có thể là 5 phút. Có thể đo 2 tay hoặc chọn tay có kết quả cao hơn.
- Lưu ý: Không nên đo huyết áp khi đang no, ngay sau bữa ăn hoặc khi bạn đang quá đói, quá mệt, đang buồn tiểu, đang căng thẳng, tức giận hoặc sau khi sử dụng một số chất kích thích như thuốc lá, cà phê,…
Theo các chuyên gia, việc biết cách đo huyết áp và tự đo huyết áp tại nhà là rất quan trọng và có giá trị tin tưởng. Đồng thời đây cũng là cách theo dõi, kiểm tra sức khỏe về lâu dài ở cả những người khỏe mạnh và cả những trường hợp đang điều trị bệnh lý.
Một số bệnh nhân bị tăng huyết áp khi gặp bác sĩ
Khi đo huyết áp tại phòng khám, chỉ số huyết áp của người bệnh thường có xu hướng cao hơn khi ở nhà, nhất là đối với những trường hợp gặp phải hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng. Hội chứng này là tình trạng bệnh nhân lo lắng, căng thẳng khi tiếp xúc với các bác sĩ, nhân viên y tế mắc áo blouse trắng dẫn tới tăng huyết áp đột ngột.Ngược lại cũng có những trường hợp chỉ số huyết áp tại nhà cao hơn tại phòng khám thì có thể do tình trạng tăng huyết áp giấu mặt. Đây là những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán bệnh.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về chỉ số huyết áp và lựa chọn thời điểm đo huyết áp hợp lý nhất. Để được tìm hiểu thêm các vấn đề sức khỏe hoặc có nhu cầu thăm khám, kiểm tra sức khỏe, mời bạn liên hệ đến đường dây nóng 1900 56 56 56 để được các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn, hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!