Tin tức

Góc giải đáp: Những nguyên nhân nào dẫn đến thở mạnh khi ngủ?

Ngày 18/12/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Thở mạnh khi ngủ, thở hổn hển khi ngủ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, phổ biến nhất là do những vấn đề về đường hô hấp, tình trạng thừa cân, béo phì hoặc chứng ngưng thở khi ngủ,… Đây là triệu chứng mà bạn không nên chủ quan. Nếu tình trạng thở mạnh, thở hổn hển khi ngủ ở mức nghiêm trọng và kèm theo một số dấu hiệu bất thường khác thì bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.

1. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng thở mạnh khi ngủ

Rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thở mạnh khi ngủ, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất: 

Ngưng thở khi ngủ

Rất nhiều người nhầm lẫn chứng ngưng thở khi ngủ với hiện tượng ngáy khi ngủ. Thực chất, đây là hai hiện tượng khác nhau. Ngưng thở khi ngủ là do tắc nghẽn dẫn tới hơi thở nông hoặc ngừng thở hay thở mạnh khi ngủ. Khi nằm ngửa, cơ trong cổ họng giãn ra có thể dẫn tới đường thở và dẫn đến ngưng thở khi ngủ. 

Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ có thể kèm theo tình trạng ngáy, khó ngủ và thức dậy trong tình trạng miệng khô, đau họng kèm theo tình trạng mệt mỏi, uể oải. 

Suy tim

Những trường hợp bị suy tim cấp tính, suy tim sung huyết thường cảm thấy khó thở khi nằm ngửa do tim không thể bơm máu hiệu quả như những người khỏe mạnh. 

Nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng suy tim sẽ ngày càng tiến triển xấu. Khi đó, bệnh nhân không chỉ xuất hiện triệu chứng thở mạnh khi ngủ mà còn cảm thấy mệt mỏi kéo dài, tích nước ở bàn chân, bụng, kèm theo biểu hiện chán ăn, thường xuyên ho khan. Một số phương pháp giúp kiểm soát bệnh hiệu quả là thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, phẫu thuật. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ tìm ra những cách điều trị phù hợp. 

thở mạnh khi ngủ

Người béo phì có thể gặp triệu chứng thở mạnh khi ngủ

Thừa cân, béo phì

Những người thừa cân béo phì có nguy cơ cao mắc phải nhiều bệnh lý. Trong đó, rất nhiều trường hợp người béo phì có cảm giác khó thở khi nằm ngửa và khiến họ phải thở mạnh khi ngủ. 

Bên cạnh đó, người béo phì cũng có thể phải đối mặt với một số vấn đề khác như tình trạng tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, các loại bệnh ung thư và nhiều bệnh lý mạn tính khác. Do đó, người béo phì nên giảm cân bằng cách áp dụng một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Nếu gặp khó khăn trong vấn đề giảm cân, bạn có thể trao đổi với các bác sĩ và các huấn luyện viên để tìm cách giảm cân hiệu quả và phù hợp nhất. 

Rối loạn hoảng sợ

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thở mạnh, thở hổn hển khi ngủ chính là rối loạn hoảng sợ. Người bệnh luôn cảm thấy lo lắng, hoảng sợ khiến họ khó thở hoặc thở mạnh. Nếu cơn hoảng sợ xảy ra trong lúc ngủ, ngoài hiện tượng thở mạnh, họ còn có thể co giật chân tay. 

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Những bệnh nhân mắc các bệnh về phổi, đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ gặp phải những vấn đề về khi thở. Ở những trường hợp này, túi khí phổi bị tổn thương khiến cho ống thở bị thu hẹp và khiến bệnh nhân khó khăn khi thở. Không chỉ thở mạnh khi ngủ, khó thở khi ngủ, bệnh nhân cũng khó thở khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức, ho kéo dài khiến bệnh nhân vô cùng mệt mỏi. 

Phụ nữ mang thai ở những tháng cuối thai kỳ cũng thường xuyên bị khó thở, thở mạnh

Phụ nữ mang thai ở những tháng cuối thai kỳ cũng thường xuyên bị khó thở, thở mạnh

Mang thai

Những phụ nữ mang thai ở giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ thường bị khó thở, thở mạnh. Nguyên nhân là khi thai càng to thì tử cung sẽ càng to dẫn tới chèn ép các cơ quan khác, trong đó có thể làm giảm dung tích phổi. Bên cạnh đó, khi mang thai cơ thể sẽ sản xuất nhiều progesterone, loại hormone này sẽ kích hoạt não bộ hít thở nhanh hơn. Tuy nhiên, tình trạng khó thở khi mang thai sẽ chấm dứt sau khi sinh nên các mẹ bầu không cần lo lắng quá. 

Nhiễm trùng đường hô hấp

Nhiễm trùng đường hô hấp cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thở mạnh khi ngủ. Nhiễm trùng đường hô hấp được chia làm hai loại là nhiễm trùng trên và nhiễm trùng dưới. Tùy vào từng vị trí bị nhiễm trùng mà người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng khác nhau chẳng hạn như đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, hắt hơi,…

2. Phải làm sao để khắc phục tình trạng thở mạnh khi ngủ?

Mỗi người sẽ có một tư thế ngủ khác nhau, miễn là chúng ta cảm thấy thoải mái nhất, thư giãn nhất khi ngủ. Tuy nhiên, đối với những trường hợp bị khó thở khi ngủ, bạn nên điều chỉnh lại tư thế ngủ để cải thiện tình trạng này. 

Ngủ nghiêng để cải thiện tình trạng thở mạnh, thở hổn hển khi ngủ

Ngủ nghiêng để cải thiện tình trạng thở mạnh, thở hổn hển khi ngủ

Bạn nên thực hiện tư thế ngủ nghiêng để có thể cải thiện tuần hoàn và hạn chế tình trạng khó thở, thở mạnh, thở hổn hển khi ngủ. Có thể dùng gối để giữ nằm nghiêng  thoải mái hơn hoặc có thể kê thêm một chiếc gối mềm ở dưới đầu gối để cơ thể cảm thấy thư giãn, thoải mái hơn và hỗ trợ hiệu quả cho phần lưng và cột sống. 

Bạn cũng có thể nằm nghiêng, đồng thời đặt một chiếc gối ở giữa 2 đầu gối. Tư thế ngủ này sẽ giúp đường thở của bạn được thoải mái, thông thoáng hơn và dễ thở hơn. 

Nên rửa sạch mũi trước khi ngủ

Nên rửa sạch mũi trước khi ngủ

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên thực hiện một số biện pháp trước khi đi ngủ như sử dụng bình xịt nước muối để làm sạch mũi, thông thoáng đường thở giúp giảm triệu chứng thở mạnh, khó thở khi ngủ và cuối cùng là bạn sẽ có một giấc ngủ ngon hơn. 

Trên đây là những thông tin về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thở mạnh khi ngủ và một số gợi ý giúp bạn khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bạn là không nên chủ quan, hãy đi khám sớm nếu tình trạng khó thở, thở mạnh khi gắng sức, khi ngủ kéo dài. Khi đi khám, bác sĩ sẽ giúp bạn chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe và tư vấn cách điều trị phù hợp. Tránh việc ủ bệnh lâu khiến cho bệnh ngày càng tiến triển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân. 

Mọi thắc mắc, bạn có thể liên hệ đến hotline 1900 56 56 56 để được các chuyên gia bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ