Tin tức

Hạ thân nhiệt - Hiểu đúng để xử lý kịp thời!

Ngày 26/12/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Hạ thân nhiệt là một tình trạng không phải hiếm gặp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khi không được xử lý kịp thời. Thậm chí, đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân. Do đó, bạn đọc đừng bỏ qua bài viết sau đây để hiểu đúng về tình trạng này. 

1. Thế nào là hạ thân nhiệt?

Hạ thân nhiệt để chỉ tình trạng trong đó có sự bất thường ở nhiệt độ cơ thể của người bệnh. Cụ thể, nó sẽ thấp hơn so với bình thường là ở mức dưới 35 độ C khi đo ở hậu môn. 

Khi tình trạng này kéo dài, nhiệt độ hạ xuống càng thấp và dần trở nên nghiêm trọng hơn sẽ tác động tới các hệ cơ quan ví dụ như thần kinh, tiêu hóa, tim mạch,... Bởi để đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của chúng, cơ thể được duy trì nhiệt độ tốt nhất là 37 độ C. 

Hạ thân nhiệt kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các hệ cơ quan trong cơ thể

Hạ thân nhiệt kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các hệ cơ quan trong cơ thể

Có thể phân loại tình trạng thân nhiệt cơ thể bị hạ thấp dựa trên mức nhiệt độ như sau:

  • Nhẹ: nhiệt độ từ 35 độ C - 34 độ C.

  • Trung bình: nhiệt độ từ 34 độ C - 32 độ C.

  • Nặng: từ 32 độ C - 25 độ C.

  • Nguy kịch: dưới 25 độ C.

2. Nguyên nhân dẫn đến

Hạ thân nhiệt hầu hết xảy ra dưới ảnh hưởng từ thời tiết, môi trường hoặc có sự tiếp xúc đột ngột với nguồn nước lạnh, hoặc khí lạnh. Đi kèm với đó, thói quen mặc áo quần bị ướt, không đủ ấm và để đầu trần vào mùa lạnh hoặc nếu bị ngã xuống nước đều có khả năng dẫn tới hiện tượng thân nhiệt thấp hơn bình thường.

Bên cạnh đó, có một vài yếu tố làm tăng khả năng gặp tình trạng này bao gồm: 

  • Tuổi tác: trẻ nhỏ, nhất là trẻ đẻ non tháng và người già sẽ dễ bị thân nhiệt thấp hơn so với những người bình thường. 

  • Nghiện rượu, nghiện ma tuý.

  • Dùng một số loại thuốc điều trị như thuốc an thần hay thuốc chống trầm cảm.

  • Bị bệnh Alzheimer, bệnh tim mạch hoặc bị suy dinh dưỡng.

  • Yếu tố cơ địa, có sức khỏe yếu.

  • Đã từng bị nhiễm lạnh lúc trước.

3. Các dấu hiệu để nhận biết

Người bị hạ thân nhiệt có thể xuất hiện các triệu chứng như: 

  • Cảm giác lạnh và không đủ ấm.

  • Liên tục bị rùng mình.

  • Bị nổi da gà.

  • Môi bị thâm.

  • Da trở nên tái nhợt. 

  • Có hiện tượng run lẩy bẩy, nói lắp bắp, không rõ.

  • Đối với trẻ nhỏ, cơ thể sẽ yếu ớt, da bị lạnh.

Người bị hạ thân nhiệt có cảm giác bị lạnh và không đủ ấm 

Người bị hạ thân nhiệt có cảm giác bị lạnh và không đủ ấm 

Nếu tình trạng này kéo dài lâu đến mức bị nặng và nguy kịch, bệnh nhân sẽ không còn đủ tỉnh táo. Ngược lại, trở nên vụng về và lú lẫn. Cùng với đó, sẽ xuất hiện các dấu hiệu là: 

  • Cơ thể bị mất thăng bằng.

  • Nói ấp úng.

  • Bị rối loạn, giảm hoặc bị loạn nhịp tim.

  • Nứt gót.

  • Hoại tử.

  • Sưng buốt, ngứa tay chân.

4. Cần phải làm gì để xử lý? 

Để chắc chắn trường hợp bệnh nhân có phải đang bị hạ thân nhiệt hay không, bạn cần dùng nhiệt kế đặc biệt để đo. Lúc này, điều quan trọng cần làm là sớm đưa bệnh nhân đến bệnh viện hay cơ sở y tế. 

Trong khi chờ xe cấp cứu đến, bạn cần thực hiện các biện pháp cấp cứu càng sớm càng tốt nhằm mục đích hạn chế cho người bệnh các vấn đề sức khỏe có thể gây ra bởi tình trạng này một cách tối đa. Cụ thể, cần làm những việc sau: 

- Đưa người bệnh rời khỏi vị trí có tác nhân gây lạnh. Nếu không thể thực hiện việc này thì hãy đảm bảo che chắn cho họ khỏi các tác nhân đó.

- Thay quần áo khô cho người bệnh sau khi đã tiến hành cởi bỏ quần áo ẩm ướt.

- Sử dụng chăn khô để đắp nhiều lớp lên cơ thể người đang có nhiệt độ cơ thể giảm xuống thấp để sưởi ấm. Bạn cũng có thể khoác áo choàng ấm cho họ, che đầu và chỉ để hở phần mặt.

- Cho người bệnh uống nước ấm, nước trà gừng hay thức uống ấm khác không chứa caffein nếu họ vẫn còn tỉnh táo và có thể nuốt. 

Dùng nước trà gừng sẽ giúp làm ấm cơ thể cho người bệnh

Dùng nước trà gừng sẽ giúp làm ấm cơ thể cho người bệnh

- Theo dõi nhịp thở của người bệnh. Nếu nhận thấy họ có hiện tượng thở chậm hay thở nông, cần tiến hành hà hơi thổi ngạt. 

Trong quá trình xử lý này, giữ được sự bình tĩnh là một điều quan trọng. Đồng thời, tránh việc chườm nóng trực tiếp cũng như xoa bóp, chà xát quá mạnh. Không những vậy, bạn cũng cần lưu ý không cố gắng làm ấm tay và chân của bệnh nhân bởi việc làm này sẽ đẩy máu lạnh về tim, phổi. Từ đó, dẫn đến tình trạng hạ thân nhiệt trung tâm gây tử vong. 

5. Có cách nào để phòng tránh bị hạ thân nhiệt không? 

Trước tác hại của tình trạng hạ thân nhiệt gây ra, tuyệt đối không được bỏ qua những cách phòng tránh sau đây:

- Giữ ấm cho cơ thể nếu phải di chuyển ra ngoài khi thời tiết chuyển lạnh: mặc đầy đủ quần áo ấm áp có chất liệu chống thấm nước hay có khả năng cản gió. Đội thêm mũ, đeo găng tay len và sử dụng các vật dụng che phủ khác. Lưu ý là nên mặc quần áo rộng rãi, nhiều lớp, nhẹ. 

Cần đảm bảo mặc đủ quần áo ấm khi thời tiết lạnh 

Cần đảm bảo mặc đủ quần áo ấm khi thời tiết lạnh 

- Sau khi đi từ ngoài trời lạnh về nhà, cần uống nước ấm, trà nóng hay trà gừng để làm ấm cơ thể từ bên trong.

- Trong thời tiết lạnh, không nên thực hiện các hoạt động khiến cơ thể đổ quá nhiều mồ hôi để không làm quần áo bị ẩm ướt. 

- Không nên uống rượu, nhất là vào mùa lạnh. 

- Khi bơi hoặc tắm, cần tránh ngâm nước lạnh trong một thời gian quá lâu.  

- Thay lớp quần áo ướt càng sớm càng tốt, giữ cho cơ thể được khô ráo.  

- Đối với trường hợp trẻ em, cần đảm bảo mặc đủ quần áo giữ cho bé đủ ấm, tránh tình trạng trẻ bị cảm lạnh. 

Nhìn chung, tình trạng hạ thân nhiệt có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe cho người bệnh. May mắn là khi bạn biết cách xử lý kịp thời và đúng đắn, sẽ góp phần giúp người bệnh giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ cho quá trình điều trị của bác sĩ.

Nếu cần bất kỳ sự tư vấn nào trong việc cấp cứu ban đầu cho tình trạng thân nhiệt người bệnh bị hạ xuống thấp, quý khách hãy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua số hotline: 1900 56 56 56.  Các tổng đài viên của bệnh viện sẽ đồng hành và hỗ trợ quý khách và người bệnh.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.