Tin tức

Hiến tiểu cầu là gì và các vấn đề liên quan đến quy trình này

Ngày 09/06/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Hiến tiểu cầu là một nghĩa cử cao đẹp mang trong mình nhiều ý nghĩa nhân văn. Đây không phải là hình thức hiến máu toàn phần mà chỉ gạn lấy một thành phần có trong máu. Vậy cụ thể hiến tiểu cầu là gì, thực hiện ra sao, dành cho ai, được sử dụng để làm gì,... mọi khúc mắc ấy sẽ được MEDLATEC giải đáp ngay sau đây.

1. Vai trò của tiểu cầu

Trong máu có nhiều thành phần đảm nhận những vai trò khác nhau:

- Hồng cầu có số lượng lớn nhất, đảm nhận vai trò vận chuyển oxy từ phổi đến mô rồi lại nhận cacbonic từ mô đến phổi để hoàn thành quá trình đào thải. Thời gian sống của hồng cầu là khoảng 120 ngày. 

- Bạch cầu phát hiện và tiêu diệt mầm mống lạ gây bệnh, có thời gian sống khoảng 1 tuần đến vài tháng. 

- Tiểu cầu là các tế bào nhỏ tham gia vào quá trình đông máu, có thời gian sống 7 - 10 ngày.

Tiểu cầu là 1 thành phần của máu

Tiểu cầu là 1 thành phần của máu

Số lượng tiểu cầu trong máu khoảng 150 - 450 triệu/ml máu nên nếu vượt con số này được gọi là tăng tiểu cầu còn nếu ít hơn thì gọi là giảm tiểu cầu.

2. Hiến tiểu cầu là gì và quy trình hiến ra sao?

2.1. Như thế nào là hiến tiểu cầu?

Để hình dung hiến tiểu cầu là gì thì không phải ai cũng biết về quy trình này. Như đã nói ở trên, tiểu cầu là một trong các thành phần của máu nên hiến tiểu cầu chính là hình thức hiến một thành phần có trong máu. 

Theo đó, khi có một người hiến tiểu cầu thì sẽ phải có một quy trình gạn tách tiểu cầu trong máu được diễn ra. Toàn bộ quá trình lấy tiểu cầu sẽ gồm lấy máu, tiến hành ly tâm và tách tiểu cầu ra khỏi máu rồi trả thành phần còn lại của máu cho cơ thể. Quy trình này sẽ lặp đi lặp lại liên tục cho tới khi có được đủ lượng tiểu cầu theo yêu cầu.

Hãy yên tâm rằng toàn bộ quy trình hiến tiểu cầu rất an toàn, mỗi người dùng một bộ kit riêng và quy trình hiến được thực hiện trong chuỗi tuần hoàn khép kín với bộ lọc riêng, sau khi hiến, bộ lọc đã sử dụng sẽ được vứt bỏ. Vì thế nên sẽ không có bất cứ yếu tố gây lây nhiễm nào trong toàn bộ quá trình này.

Như vậy, hiểu đơn giản hiến tiểu cầu là gì? Đó chính là quy trình hiến 1 thành phần có trong máu chứ không phải hiến toàn bộ thành phần của máu như quy trình hiến máu.

2.2. Quy trình hiến tiểu cầu

Trước khi hiến tiểu cầu bạn sẽ được khám và thực hiện xét nghiệm cần thiết, làm một số thủ tục liên quan. Khoảng thời gian cho những việc này thường là 40 phút. Nếu kết quả cho thấy bạn đủ điều kiện thì bạn có quyền hiến tiểu cầu. Một người hiến tiểu cầu có thể cho đi 6 đơn vị tiểu cầu/lần hiến. Đây là tiểu cầu đậm đặc nên khi truyền vào cơ thể sẽ giúp giảm nguy cơ xuất hiện phản ứng miễn dịch, nguy cơ gây lây bệnh nhiễm trùng hay lây nhiễm HIV cho người bệnh. Sơ đồ giúp hình dung hiến tiểu cầu là gì

Sơ đồ giúp hình dung hiến tiểu cầu là gì

Các bước của quá trình hiến tiểu cầu gồm:

- Lấy máu, đưa máu vào máy để chiết tách tế bào tiểu cầu.

- Máy tiến hành ly tâm và tách, giữ lại tiểu cầu.

- Máy truyền lại cho cơ thể các thành phần khác.

Toàn bộ quy trình gạn lọc và bơm trả này diễn ra trong khoảng 60 - 100 phút.

3. Ai có thể hiến tiểu cầu, tiểu cầu được hiến dùng để làm gì?

3.1. Ai có thể hiến tiểu cầu?

Nếu đã hiểu hiến tiểu cầu là gì và vẫn có nhu cầu thực hiện hành động đẹp này thì bạn cần biết về đối tượng được hiến tiểu cầu, gồm:

- Người có trọng lượng ≥ 50kg.

- Xét nghiệm tiểu cầu cho kết quả lượng tiểu cầu vượt quá 200.000/mm3 máu.

Thời gian giữa 2 lần hiến tiểu cầu cần đảm bảo ít nhất là 4 tuần. Mỗi lần hiến sẽ lấy đi khoảng 20% số lượng tiểu cầu đang có. Điều đó có nghĩa là sau khi hiến tiểu cầu, cơ thể sẽ còn lại số tiểu cầu là 160.000 - 170.000/mm3. Đây là lượng tiểu cầu ở giới hạn bình thường, không gây bất cứ ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Sau khi hiến, tiểu cầu sẽ tiếp tục sản sinh đều đặn mỗi ngày.

3.2. Tiểu cầu được hiến dùng làm gì?

Tiểu cầu được hiến sẽ dùng truyền cho bệnh nhân bị xuất huyết do tiểu cầu giảm số lượng hoặc chất lượng. Thời hạn sử dụng của khối tiểu cầu được hiến chỉ trong 3 - 5 ngày. Do thời hạn sử dụng của tiểu cầu rất ngắn nên các cơ sở y tế rất cần sự ủng hộ tình nguyện từ người hiến tiểu cầu.

4. Cách chăm sóc sức khỏe trước và sau hiến tiểu cầu

Để có được sức khỏe tốt nhất và không có yếu tố xấu tác động đến việc hiến tiểu cầu thì những việc cần chuẩn bị trước và sau hiến tiểu cầu là gì

Không uống rượu bia trước khi hiến tiểu cầu

Không uống rượu bia trước khi hiến tiểu cầu

- Trước khi hiến tiểu cầu:

+ Không thức khuya.

+ Ngủ đủ giấc.

+ Không được dùng bất cứ chất kích thích nào, không dùng đồ uống chứa cồn.

+ Uống thật nhiều nước.

+ Có bữa ăn nhẹ nhưng ít mỡ, ít đạm trước khi hiến tiểu cầu khoảng 4 giờ.

+ Có tâm lý thoải mái.

+ Tránh mọi yếu tố gây căng thẳng.

+ Tránh dùng hóa chất độc hại.

- Sau khi hiến tiểu cầu:

+ Hạn chế hoạt động thể lực tốn nhiều sức.

+ Ăn uống đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, nhất là thực phẩm bổ máu.

+ Không thức khuya.

+ Ngày đầu tiên sau khi hiến tiểu cầu không uống rượu bia.

+ 4 tiếng đầu sau hiến tiểu cầu không hút thuốc lá.

Những người hiến tiểu cầu sẽ được hưởng các quyền lợi như: khám và tư vấn sức khỏe, được phục vụ bữa ăn nhẹ và bồi dưỡng sau khi hiến tiểu cầu theo đúng quy định.

Thực tế hiện nay cho thấy rằng nhu cầu dùng tiểu cầu ở các cơ sở y tế ngày càng tăng nhưng nguồn tiểu cầu dự trữ luôn trong tình trạng thiếu, thậm chí còn khan hiếm. Hiến tiểu cầu là một cử chỉ cao đẹp, có thể cứu sống cho tính mạng của nhiều người, nhất là những người đang gặp vấn đề về đông máu.

Tình nguyện hiến tiểu cầu sẽ giúp ích rất nhiều cho người bệnh trong suốt quá trình điều trị bệnh và mang lại sự sống cho họ. Vì thế, nếu bạn đã biết tiêu chuẩn hiến tiểu cầu là gì, hãy đăng ký hiến khi có thể. Chỉ bằng hành động này, bạn đã mang đến điều tốt đẹp cho rất nhiều cuộc đời ở xung quanh mình.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.