Tin tức

HIV không lây qua đường nào và cách phòng ngừa lây nhiễm HIV

Ngày 27/02/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Do tính chất nguy hiểm của hội chứng suy giảm miễn dịch HIV mà nhiều người lo lắng về khả năng lây nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh. Điều này trở thành rào cản rất lớn đối với cuộc sống của cả bệnh nhân và những người xung quanh. Biết được HIV không lây qua đường nào sẽ giúp cho khoảng cách của rào cản ấy được thu hẹp.

1. Tổng quan về hội chứng suy giảm miễn dịch HIV

HIV là loại virus tấn công trực tiếp vào hệ miễn dịch, khiến cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh lý khác. Khi không được điều trị, HIV sẽ gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải là AIDS - giai đoạn nặng nhất của HIV.

HIV lây truyền chủ yếu qua đường máu, sử dụng chung các dụng cụ tiêm chích ma túy, từ mẹ sang con khi có thai và quan hệ tình dục không an toàn.

Virus gây ra HIV

Virus gây ra HIV

Hiện chưa tìm ra được liệu pháp để điều trị HIV đặc hiệu nên người mắc bệnh sẽ phải chung sống với thuốc trong suốt cuộc đời. Nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị, sự sống của người bệnh có thể kéo dài không hề thua kém tuổi thọ của người bình thường.

2. HIV không lây qua đường nào?

Thực tế hiện nay cho thấy, sự hiểu biết chưa đúng, chưa đầy đủ về HIV là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt định kiến và sự kỳ thị của cộng đồng đối với người bệnh. Biết được HIV không lây qua đường nào sẽ chấm dứt được tình trạng này và giúp bạn chủ động phòng ngừa HIV đúng cách.

Dù tiếp xúc với người nhiễm HIV nhưng bạn sẽ không bị lây bệnh qua các con đường sau:

2.1. Các hình thức tiếp xúc thông thường

HIV lây qua đường máu nên nếu tiếp xúc thông thường hàng ngày như: dùng chung quần áo, ăn uống cùng nhau, bơi chung bể bơi, ôm ấp, sống cùng nhà, ngủ cùng giường (không quan hệ tình dục), sử dụng chung nhà vệ sinh,... đều được xem không có nguy cơ bị lây nhiễm.

2.2. Hôn

Hôn là một dạng tiếp xúc thân mật mà nhiều người lo lắng sẽ bị lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu bạn biết HIV không lây qua đường nào thì có thể yên tâm thể hiện tình cảm của mình. Dù là hôn má hay hôn môi cũng không thể làm lây nhiễm HIV.

Không ít người lo lắng rằng khi hôn người bị HIV thì có thể lây nhiễm virus qua nước bọt. Hãy yên tâm rằng trong thành phần của các chất dịch trong cơ thể mà cụ thể ở đây là nước bọt của người bệnh chỉ chứa lượng rất nhỏ virus HIV, không thể lây nhiễm bệnh.

Hình ảnh giải thích HIV không lây qua đường nào

Hình ảnh giải thích HIV không lây qua đường nào

Tuy nhiên, nếu trường hợp khi cả hai người có vết thương hở, da vùng miệng bị trầy xước hay lở loét, bị chảy máu chân răng,... thì khi hôn nhau có thể bị lây nhiễm HIV vì đã có sự tiếp xúc với máu của người bệnh.

2.3. Bị muỗi đốt

Đã có không ít nghiên cứu khẳng định rằng virus HIV không có khả năng sinh sản và sống bên trong cơ thể loài muỗi. Bị muỗi đốt không thể lây nhiễm HIV vì:

- Khi muỗi đốt con người thì máu của người bị đốt sẽ đi vào trong cơ thể muỗi chứ không có con đường ngược lại. Khi đốt con người, muỗi chỉ tiết một lượng nước bọt chứa chất chống đông máu để lấy máu của cơ thể người.

- Muỗi không thể làm dính máu của người bị đốt trước sang người bị đốt sau vì cấu trúc vòi của loài này tương đối phức tạp, máu được hút chỉ có thể đi vào cơ thể muỗi chứ không thể dính ra bên ngoài.

3. Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV

- Qua đường tình dục

+ Nếu không biết đúng về “lịch sử” đời sống tình dục của người tình thì chưa nên quan hệ tình dục.

+ Sống chung thủy với một bạn tình là giải pháp tốt nhất để không bị lây nhiễm HIV qua con đường này.

+ Nếu có quan hệ tình dục với người mà bạn không biết rõ đời sống tình dục của họ thì cần dùng bao cao su đúng cách.

+ Điều trị hiệu quả các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV vì tổn thương do những bệnh lý này là cửa vào lý tưởng của virus HIV.

Quan hệ tình dục an toàn để tránh lây nhiễm HIV

Quan hệ tình dục an toàn để tránh lây nhiễm HIV

- Qua đường máu

+ Không sử dụng chung kim tiêm.

+ Không tiêm chích chất gây nghiện.

+ Không sử dụng chung vật có thể xuyên qua niêm mạc hoặc da như: khuyên tai, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kim xăm mình, dụng cụ lấy ráy tai,...

- Mẹ - con

+ Thai phụ bị nhiễm HIV cần được xét nghiệm và sử dụng thuốc kháng virus vào thời điểm đã được bác sĩ tư vấn và có biện pháp sinh đẻ an toàn.

+ Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV thì ngay khi mới sinh cần được uống thuốc kháng virus để phòng lây truyền.

Ngoài ra, để phòng ngừa lây nhiễm HIV thì cũng cần tiến hành xét nghiệm với những trường hợp nghi ngờ nhiễm HIV. Kết quả xét nghiệm sẽ là căn cứ để quyết định bước kế tiếp: nếu âm tính thì sẽ được tư vấn về con đường lây nhiễm và HIV không lây qua đường nào để hạn chế được nguy cơ lây nhiễm; nếu dương tính thì cần tiếp cận điều trị để nâng cao và đảm bảo sự sống.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, việc tiếp cận với các nguồn tư liệu chính xác về HIV là không hề khó. Vì thế, mỗi người nên tìm hiểu để nắm rõ kiến thức về hội chứng này. Người bị nhiễm HIV vẫn có thể sống bình thường với những người xung quanh khi họ điều trị tốt và tuân thủ nghiêm túc các quy tắc phòng tránh lây nhiễm.

Điều đáng nói là, ở một góc của đời sống, vẫn đang có những người bị nhiễm HIV bị xa lánh và kỳ thị. HIV tuy không thể điều trị khỏi nhưng nó cũng không hề dễ lây lan ra cộng đồng. Ở trong điều kiện môi trường bình thường, virus HIV có thể tồn tại được 5 ngày ở trong bơm tiêm nhưng vượt quá thời gian này thì nó khó còn khả năng lây nhiễm.

Không thể phủ nhận rằng hội chứng suy giảm miễn dịch HIV đã và vẫn đang đe dọa cuộc sống của cộng đồng và bản thân người bệnh. Tuy nhiên, nếu trang bị được kiến thức HIV không lây qua đường nào, chúng ta vẫn có thể yên tâm tiếp xúc và sống chung với người bị HIV. Người bị HIV tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ vừa tăng được thời gian và chất lượng sống vừa duy trì được tải lượng virus thấp hơn ngưỡng phát hiện, nhờ đó mà nguy cơ lây truyền cho người khác cũng được hạn chế.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ