Tin tức

Hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh: mức độ nguy hiểm, triệu chứng nhận biết và cách xử trí

Ngày 29/02/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Muốn chăm sóc trẻ sơ sinh an toàn cần có được các kỹ năng cơ bản, nhận biết các dấu hiệu bất thường về sức khỏe và sự phát triển của trẻ để can thiệp kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ cùng các bậc cha mẹ tìm hiểu về hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh: mức độ nguy hiểm, cách nhận biết và xử trí để tránh gây nên những nguy hiểm không đáng có cho trẻ.

1. Vì sao nhiều người có thói quen rung lắc trẻ sơ sinh?

Rung lắc ở trẻ sơ sinh là hành động chủ yếu bắt nguồn từ:

- Stress và căng thẳng

Một số người chăm sóc trẻ có thể đối mặt với áp lực và căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Khi áp lực này tích tụ, họ có thể không kiểm soát được cảm xúc của mình với trẻ và dẫn đến hành động rung lắc trong một khoảnh khắc mà họ tức giận hoặc căng thẳng.

- Thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ sơ sinh

Đôi khi, người chăm sóc trẻ bị thiếu hụt kiến thức, không được đào tạo đúng cách về cách chăm sóc và xử lý trẻ sơ sinh. Điều này khiến cho họ không biết rằng rung lắc có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Vì thế họ vô tình “theo thói quen” rung lắc trẻ khi ru ngủ, khi dỗ dành trẻ nín khóc.

Căng thẳng, không kiểm soát được cảm xúc là nguyên nhân khiến nhiều người rung lắc trẻ sơ sinh

Căng thẳng, không kiểm soát được cảm xúc là nguyên nhân khiến nhiều người rung lắc trẻ sơ sinh

2. Tính chất nguy hiểm của việc rung lắc trẻ sơ sinh và dấu hiệu nhận biết trẻ bị hội chứng rung lắc

2.1. Mức độ nguy hiểm của rung lắc trẻ sơ sinh

Hành động rung lắc trẻ sơ sinh có thể gây ra nhiều mối nguy hại. Quá trình rung lắc tạo ra một lực mạnh, gây ra sự chuyển động và va đập mạnh mẽ các tổ chức trong não. Điều này có thể khiến não bị tổn thương vì tế bào và mạch máu não bị bị tấn công dẫn đến những tổn thương đáng tiếc. Từ đó gây ra nhiều hệ lụy do tổn thương thần kinh trung ương như:

- Tổn thương dây thần kinh

Hành động rung lắc mạnh có thể vô tình làm tổn thương dây thần kinh của trẻ, gây ra các vấn đề về cảm giác, điều chỉnh cơ thể và khả năng vận động.

- Tổn thương xương

Xương của trẻ sơ sinh còn rất mềm và dễ gãy. Hành động rung lắc có thể gây ra tổn thương xương sống lưng, xương vùng cổ và khiến trẻ gặp các vấn đề về xương.

- Khó thở

Rung lắc trẻ sơ sinh có thể cản trở hệ thống hô hấp, dẫn đến tình trạng khó thở hoặc thậm chí là ngưng thở. Nếu không can thiệp kịp thời, điều này có thể gây ra tử vong.

- Tử vong

Đây là hệ lụy nghiêm trọng nhất do rung lắc trẻ sơ sinh gây tổn thương hệ hô hấp, tổn thương não của trẻ.

2.2. Triệu chứng cho thấy trẻ mắc hội chứng rung lắc sơ sinh 

Nếu nhận thấy trẻ sơ sinh có dấu hiệu của hội chứng rung lắc sau đây thì cần đưa trẻ đến bác sĩ Nhi khoa kiểm tra ngay:

Sau cơn rung lắc nếu thấy trẻ khóc nhiều, khó dỗ nín thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ Nhi khoa

Sau cơn rung lắc nếu thấy trẻ khóc nhiều, khó dỗ nín thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ Nhi khoa

- Thóp trẻ có dấu hiệu phồng căng. Trẻ bỏ bú , li bì , nôn trớ, nôn vọt. Đầu có trẻ có phần phồng to, vết thương hoặc sưng tím sau cơn rung lắc.

- Thay đổi tâm trạng đột ngột: trẻ khóc nhiều, căng thẳng, không thể dỗ nín.

- Thay đổi hành vi: trẻ bị rối loạn hoặc kích động hơn bình thường, khó chịu và không thích thú với các hoạt động thường ngày.

- Khó ngủ hoặc khó thức giấc: một số trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tỉnh dậy hoặc gặp vấn đề về giấc ngủ sau khi trải qua một cơn rung lắc. Trẻ có thể thức dậy nhiều lần trong đêm hoặc ngủ không sâu như bình thường.

- Đau và khó chịu ở vùng đầu hoặc có biểu hiện căng thẳng, không thoải mái.

3. Xử trí và phòng ngừa với rung lắc trẻ sơ sinh

Để đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh, ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ có triệu chứng của hội chứng rung lắc, hãy lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để nhận sự can thiệp kịp thời. Đối với gia đình có trẻ nhỏ, cần cung cấp thông tin về tính chất nguy hiểm của việc rung lắc trẻ để mọi người được biết và hướng dẫn an toàn để các thành viên biết cách chăm sóc trẻ.

Sự chia sẻ, giảm bớt áp lực chăm trẻ là cách phòng tránh nguy cơ rung lắc trẻ do căng thẳng về tâm lý

Sự chia sẻ, giảm bớt áp lực chăm trẻ là cách phòng tránh nguy cơ rung lắc trẻ do căng thẳng về tâm lý

Người thường xuyên chăm sóc trẻ cần được cung cấp tài liệu, hỗ trợ kiểm soát và chia sẻ cảm xúc để tránh tình trạng căng thẳng quá mức nên rung lắc trẻ. Đặc biệt, tìm cách giảm stress và áp lực trong cuộc sống hàng ngày thông qua việc các bài tập như: thiền, yoga,... sẽ giúp người chăm trẻ giảm có được tinh thần thoải mái khi ở gần trẻ.

Những người lần đầu làm cha mẹ cần có một môi trường hỗ trợ để họ học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ cảm xúc của mình để tránh được áp lực. Cần có sự khuyến khích, hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng để giảm stress, áp lực cho các bậc cha mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ.

Tham gia các khóa học kỹ năng chăm sóc trẻ an toàn với sự hướng dẫn cách nâng, bế trẻ, vỗ nhẹ,... sẽ giúp các bậc cha mẹ và người thân trong gia đình tránh được các tình huống gây tổn thương cho trẻ. 

Bằng cách tìm hiểu, nắm được các kỹ năng cần thiết trong chăm sóc, xử lý tình huống khi trẻ bị rung lắc, cha mẹ không chỉ chủ động bảo vệ con mình trong hiện tại mà còn tránh được nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai cho trẻ. Việc tạo ra một môi trường an toàn cho trẻ sơ sinh là điều quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Mong rằng những chia sẻ trên đây đã giúp các bậc cha mẹ hiểu được tính chất nghiêm trọng của rung lắc trẻ sơ sinh, biết cách bảo vệ và xử trí đúng để đảm bảo an toàn cho trẻ. Tăng cường giáo dục và hỗ trợ cho người chăm sóc trẻ về mặt tinh thần, kiến thức sẽ giảm thiểu nguy cơ của rụng lắc và tạo ra một môi trường phát triển an toàn hơn cho trẻ sơ sinh.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hay cần tư vấn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ, quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài của Hệ thống Y tế MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng, chi tiết.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.