Tin tức
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có sao không? Khi nào là dấu hiệu bất thường?
- 27/08/2024 | Ba mẹ cần biết: Các mũi tiêm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- 01/02/2024 | Trẻ sơ sinh ị són nhiều lần trong ngày: nguyên nhân và cách xử trí
- 01/10/2023 | Khủng hoảng ngủ ở trẻ sơ sinh: nguyên nhân và cách giải quyết
- 05/09/2024 | Hướng dẫn cách dùng xịt mũi cá heo cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- 23/09/2024 | Mách mẹ cách chăm sóc và điều trị mụn sữa ở trẻ sơ sinh
1. Tầm quan trọng của giấc ngủ ở trẻ sơ sinh
Ngủ đủ giấc là một phần quan trọng trong quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Trẻ sơ sinh phát triển cực kỳ nhanh trong năm đầu tiên sau khi sinh. Trong thời gian này, trẻ sẽ học cách lẫy, bò, ngồi, trẻ tập đi, học cách cầm nắm và nhai thức ăn. Trẻ cũng có thể đã bập bẹ tập nói một vài từ và cơ thể nặng gấp 3 lần khi sinh ra.
Khi trẻ ngủ say, các hormone tiết ra mạnh mẽ giúp trẻ tăng cân và chiều cao.
Trẻ sơ sinh ghi nhớ mọi thứ trong khi ngủ. Mỗi ngày, trẻ được tiếp nhận vô vàn những kiến thức từ cuộc sống. Mỗi thứ trẻ tiếp xúc đều là một bài học. Ngủ đủ giấc giúp trẻ ghi nhớ và củng cố những gì đã được học, từ đó phát triển trí nhớ và các giác quan.
Theo Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ, nếu bị thiếu ngủ khi còn nhỏ, tương lai trẻ dễ gặp những vấn đề về khả năng kiểm soát hành vi, kiểm soát cảm xúc cũng như tư duy.
Ngoài những lợi ích cho trẻ, trẻ sơ sinh ngủ nhiều còn đem lại lợi ích cho cha mẹ. Trẻ mất ngủ, thường xuyên thức dậy khóc vào ban đêm có thể làm người mẹ bị thiếu ngủ, dẫn đến mệt mỏi và tâm trạng trở nên tồi tệ.
2. Trẻ sơ sinh cần ngủ bao nhiêu?
Những tuần đầu tiên sau khi chào đời, trẻ sơ sinh có thể ngủ liên tục, chỉ thức dậy rất ít vào cả ngày và đêm. Tuy nhiên, những giấc ngủ này thường không liền mạch, và trẻ sẽ thức dậy sau khi ngủ 2 đến 4 tiếng để đòi ăn.
Những trẻ bú mẹ thường có thời gian ngủ ngắn hơn (sau 2 đến 3 giờ ngủ) và thường xuyên thức dậy để ti mẹ do sữa mẹ dễ tiêu hóa. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn khi được ăn sữa công thức. từ 3 cho đến 4 giờ do sữa bột chậm tiêu hóa hơn.
Thời gian ngủ trong ngày của mỗi bé có thể chênh lệch nhau. Dưới đây là bảng thời gian ngủ trung bình của trẻ từ khi sinh đến khi tròn 12 tháng tuổi theo khuyến nghị của Viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ:
Tháng tuổi | Thời gian ngủ mỗi ngày | Đặc điểm giấc ngủ của trẻ |
Dưới 1 tháng tuổi | 18 giờ | Giấc ngủ của trẻ mới sinh thường khá ngắn do cần ăn thường xuyên, trung bình chỉ kéo dài 1 đến 2 tiếng, trẻ sẽ thức dậy và đòi ăn. |
Từ 2 đến 4 tháng tuổi | 16 giờ | Sau khi được trên 6 tuần tuổi, trẻ có thể ngủ lâu hơn, mỗi giấc kéo dài từ 4 đến 6 tiếng. Cha mẹ cũng thấy trẻ ngủ ngon hơn vào ban đêm. |
Từ 4 tháng đến dưới 1 tuổi | 12 đến 15 giờ | Trong giai đoạn này, trẻ hình thành các thói quen mới. Cha mẹ nên thiết lập giờ đi ngủ cố định cho trẻ để hướng trẻ vào nề nếp |
Một số trẻ ngủ nhiều vào ban ngày và ít ngủ hơn vào ban đêm, gọi là tình trạng lẫn lộn ngày đêm. Nếu trẻ gặp tình trạng này, cha mẹ có thể chữa lẫn lộn ngày đêm cho trẻ bằng cách giúp trẻ thức nhiều hơn vào ban ngày.
3. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có sao không?
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có thể là tình trạng bình thường ở một em bé khỏe mạnh. Trẻ mới sinh có thể ngủ gần như liên tục, chỉ thức dậy để ăn và tiếp tục ngủ khi đã được ăn no. Đến khoảng một tháng tuổi, trẻ có thể thức lâu hơn để quan sát mọi thứ xung quanh. Khi trẻ lớn dần, thời gian thức giữa các giấc ngủ cũng tăng lên, khoảng từ 1 đến 1,5 tiếng trước khi trẻ có dấu hiệu buồn ngủ.
Trong vòng một năm đầu đời, có những trường hợp khiến trẻ sơ sinh ngủ nhiều được coi là bình thường như:
- Trẻ bị ốm nhẹ và cần thêm thời gian nghỉ ngơi.
- Trẻ đang trải qua giai đoạn phát triển nhảy vọt như trẻ tập lẫy, tập bò,... Việc tăng thời gian ngủ có thể giúp thúc đẩy trẻ học những kỹ năng mới nhanh hơn.
- Sau khi tiêm vắc xin: Trẻ có thể hơi sốt nhẹ và ngủ nhiều hơn một chút vì cơ thể cần thêm thời gian nghỉ ngơi để xây dựng hệ thống miễn dịch.
Trẻ có thể hơi sốt nhẹ và ngủ nhiều hơn sau khi tiêm vắc xin.
- Trẻ bị vàng da sau sinh: mức độ vàng da nhẹ thường không gây hậu quả nghiêm trọng. Những trẻ bị vàng da sinh lý thường có xu hướng ngủ nhiều hơn những trẻ không mắc.
4. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều khi nào là dấu hiệu nguy hiểm?
Thỉnh thoảng trẻ sơ sinh ngủ nhiều là bình thường và không có gì đáng lo ngại. Nhưng nếu trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn kèm theo sốt hoặc các dấu hiệu suy hô hấp như thở rít, thở rút lõm lồng ngực, xuất hiện các cơn ngưng thở, da trẻ tím tái, trẻ không tỉnh dậy dù cha mẹ đã cố gắng nhất có thể, trẻ bỏ ăn và ngủ li bì, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bệnh và tìm ra nguyên nhân.
5. Cách đánh thức trẻ dậy
Dù trẻ sơ sinh ngủ nhiều có thể là dấu hiệu bình thường, nhưng cha mẹ không nên để trẻ ngủ quá lâu vì trẻ cần thức dậy ăn để tăng cân và phát triển cũng như giúp người mẹ kích thích sản xuất sữa. Theo khuyến cáo từ Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), cha mẹ gọi trẻ dậy sau 2 đến 3 giờ vào ban ngày và sau mỗi 4 tiếng vào ban đêm để cho trẻ ăn.
Để đánh thức trẻ, cha mẹ có thể dùng các cách như sau:
Mở nhạc hoặc hát cho trẻ nghe
Một bản nhạc vui nhộn, một bài hát cha mẹ thường hay hát cho con nghe khi còn trong bụng có thể giúp đánh thức trẻ dễ dàng và giúp trẻ bớt quấy khóc khi vừa tỉnh dậy.
Giúp bé vận động
Cách đơn giản nhất giúp đánh thức trẻ sơ sinh là giúp trẻ vận động chân tay, hoặc đơn giản hơn là các hành động massage. Mẹ có thể cho con tập co duỗi chân, xoay cánh tay, đưa tay lên xuống,... Những bài tập này nên được thực hiện nhẹ nhàng vì chân tay và cơ thể trẻ còn non nớt.
Cha mẹ giúp trẻ vận động còn giúp kích thích tiêu hóa, thúc đẩy tuần hoàn ở trẻ.
Tăng dần độ sáng trong phòng
Em bé rất nhạy cảm với ánh sáng, khi căn phòng bé ngủ sáng dần lên có thể kích thích bản năng thức dậy. Cha mẹ có thể chọn cách bật đèn hoặc mở cửa sổ để ánh sáng tự nhiên tràn vào phòng khiến trẻ tỉnh giấc.
Tuy nhiên, cha mẹ hãy nhớ tăng dần độ sáng. Ánh sáng đột ngột có thể khiến trẻ giật mình và òa khóc.
Cởi bớt quần áo, chũn cho trẻ
Việc quấn chặt bé trong thời gian đầu đời giúp trẻ ngủ sâu hơn vì giống với không gian trong bụng mẹ. Vì thế cha mẹ có thể cởi bỏ chũn, giúp bé thả lỏng để đánh thức trẻ.
Thay bỉm cho trẻ
Cũng giống như việc cởi bỏ chũn và quần áo, việc thay bỉm có thể giúp trẻ thức giấc nhanh chóng. Mẹ có thể sử dụng một chút nước mát để lau mông trẻ để con cảm nhận sự thay đổi nhiệt độ và nhanh chóng tỉnh giấc.
Tắm cho trẻ
Nếu các biện pháp trên cha mẹ đều đã thử mà không hiệu quả, cha mẹ có thể đánh thức trẻ bằng cách tắm cho trẻ. Trẻ lớn lên trong môi trường nước ối nên sẽ thấy thoải mái khi được ngâm mình trong nước ấm. Cha mẹ cũng không nên cho con tắm quá lâu để hạn chế trẻ ốm do nhiễm lạnh.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp cha mẹ có câu trả lời trước tình trạng trẻ sơ sinh ngủ nhiều. Nếu có những bất thường như đã kể trên, cha mẹ nên cho trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và tìm ra nguyên nhân.
Để đặt lịch thăm khám cho trẻ sơ sinh ngủ nhiều cũng như thăm khám các bệnh lý khác ở trẻ tại MEDLATEC, cha mẹ có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được các nhân viên tư vấn hoặc đặt lịch trực tiếp tại ứng dụng My Medlatec.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!