Tin tức

Hội chứng sợ người khác nhìn mình là gì?

Ngày 01/09/2023
Vũ Thị Thu Hương
Hội chứng sợ người khác nhìn mình có tên khoa học là Scopophobia, thường dùng để chỉ những người luôn có cảm giác lo lắng, sợ hãi khi được người khác nhìn hướng về mình. Nguyên nhân gây ra hội chứng này thường có liên quan đến vấn đề tâm lý hoặc gen di truyền.

1. Tìm hiểu chung về hội chứng sợ người khác nhìn mình

Hội chứng sợ người khác nhìn mình (Scopophobia) là tình trạng người bệnh cảm thấy lo lắng và sợ hãi quá mức đến nỗi ám ảnh khi có ai đó nhìn chằm chằm vào mình. Đây là hội chứng nằm trong nhóm rối loạn lo âu với đặc điểm điển hình là bị sợ hãi, lo âu dai dẳng.

Thường thì khi có người khác nhìn chằm chằm vào mình thì đôi khi ta sẽ không tránh khỏi cảm giác khó chịu, đặc biệt là khi phải ở trong những hoàn cảnh như bị khiển trách, bắt nạt hoặc ở nơi đông người,... Tuy nhiên cảm giác này không giống với hội chứng sợ người khác nhìn mình Scopophobia.

Những bệnh nhân mắc hội chứng này thường bị ám ảnh với chú ý từ người khác, cho dù người ta không hề có ác ý hay ác cảm gì. Thậm chí có người bệnh còn luôn cảm thấy dường như tất cả mọi người xung quanh đều đang nhìn mình mặc dù thực tế lại không phải như vậy.

Những dấu hiệu cho thấy một người đang bị mắc hội chứng sợ người khác nhìn mình:

●       Luôn thường trực trạng thái bất an, sợ người khác nhìn, đôi khi còn không muốn giao tiếp bằng ánh mắt với người khác;

●       Nỗi sợ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu bệnh nhân bị người khác chủ động nhìn chằm chằm, điều này có thể gây ra những triệu chứng thực thể như đánh trống ngực, đỏ bừng mặt, choáng váng đầu óc, mất kiểm soát, nghẹn ở cổ, ra nhiều mồ hôi và ngất xỉu,...;

●       Chỉ có cảm giác thoải mái và an toàn khi nói chuyện với người thân thiết. Tuy nhiên nếu bị người thân nhìn chằm chằm thì họ cũng muốn lảng tránh ánh mắt này;

●       Sợ phải giao thiệp nên họ thường sống khép kín và lựa chọn những công việc không cần đến sự giao tiếp nhiều, ví dụ như làm nghiên cứu,...;

●       Ở những trẻ bị mắc hội chứng này sẽ có xu hướng ít nói, thụ động và ngại đóng góp ý kiến trong lớp học.

Những trẻ bị mắc hội chứng sợ người khác nhìn mình thường có xu hướng thu mình lại khi đi học

Những trẻ bị mắc hội chứng sợ người khác nhìn mình thường có xu hướng thu mình lại khi đi học

Trên thực tế, ít khi hội chứng Scopophobia biểu hiện đơn độc, người bệnh có thể đồng thời mắc thêm các hội chứng hay bệnh lý như: rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn nhân cách, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cảm xúc theo mùa, rối loạn ăn uống, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, chứng động kinh,...

 Lứa tuổi nào cũng có thể mắc phải hội chứng Scopophobia và cả hai giới đều có biểu hiện tương tự như nhau. Những người mắc hội chứng sợ người khác nhìn mình nếu không can thiệp điều trị thì rất khó hòa nhập với cuộc sống bình thường.

2. Những phương pháp điều trị hội chứng sợ người khác nhìn mình

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị tối ưu nhưng nếu được can thiệp từ sớm thì bệnh nhân mắc hội chứng Scopophobia sẽ giảm thiểu được rất  nhiều nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng. Sau đây là một số biện pháp hiện đang được áp dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ người khác nhìn mình:

2.1. Liệu pháp tâm lý

Đây là biện pháp giúp người bệnh khống chế nỗi sợ của bản thân bằng cách sử dụng phương thức giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Quy trình thực hiện liệu pháp tâm lý cũng gần giống với điều trị rối loạn lo âu. Trong đó những liệu pháp tâm lý được đánh giá cao bao gồm:

●       Liệu pháp nhận thức;

●       Liệu pháp nhận thức hành vi;

●       Liệu pháp tiếp xúc;

●       Liệu pháp phân tâm học.

Đối với những người mắc hội chứng sợ người khác nhìn mình cùng với hội chứng rối loạn hoảng loạn, bác sĩ sẽ tư vấn và trang bị cho bệnh nhân một số kỹ năng cần thiết để đối phó hiệu quả với những cơn sợ hãi cấp tính. Tuy nhiên ở những bệnh nhân có mắc thêm chứng rối loạn lo âu, tổn thương tâm lý sâu sắc hay trầm cảm thì cần phải bổ sung thêm thuốc để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.

2.2. Dùng thuốc

Thuốc có tác dụng giảm cảm giác lo lắng, phiền muộn và khắc phục những triệu chứng về thể chất gây ra bởi hội chứng Scopophobia. Dưới đây là một số loại thuốc thường được kê đơn điều trị cho bệnh nhân mắc hội chứng này:

●       Thuốc an thần: là những thuốc thường chỉ được dùng ngắn hạn trong 1 tháng với công dụng giảm căng thẳng, lo âu và tránh kích động;

●       Thuốc chống trầm cảm: tác dụng của loại thuốc này là cải thiện tâm trạng đau khổ, buồn bã do mắc hội chứng Scopophobia. Hiệu quả điều trị của thuốc khá chậm, phải mất khoảng 4 - 6 tuần sử dụng mới thấy có cải thiện;

●       Thuốc chẹn beta: mục đích của việc dùng nhóm thuốc này là kiểm soát những triệu chứng thể chất do hội chứng sợ người khác nhìn mình như đỏ bừng mặt, đổ mồ hôi, đau đầu, bồn chồn, đánh trống ngực,...

Người mắc hội chứng sợ người khác nhìn mình thường kèm theo những bệnh tâm lý khác

Người mắc hội chứng sợ người khác nhìn mình thường kèm theo những bệnh tâm lý khác

Tuy rằng không thể phủ nhận những hiệu quả điều trị do những thuốc trên mang lại nhưng đi kèm với đó cũng là các tác dụng phụ ngoại ý, Vì vậy bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc mà cần phải tuân thủ theo đúng chỉ định, đơn kê của bác sĩ chuyên khoa.

2.3. Điều trị các bệnh lý đi kèm

Như đã đề cập, hội chứng sợ người khác nhìn mình thường kèm theo với những rối loạn về phát triển thần kinh và tâm thần. Vì vậy bệnh nhân cũng cần điều trị tích cực các bệnh lý đi kèm như: rối loạn lo âu, bệnh động kinh, rối loạn ăn uống,...Phần lớn những bệnh đi kèm này đều có xu hướng phát triển mạn tính nên quá trình điều trị cần phải kiên trì tuân thủ đúng theo phác đồ của bác sĩ.

3. Làm thế nào để hạn chế tác động của hội chứng sợ người khác nhìn mình?

Vì nguyên nhân gây ra hội chứng này thường cũng không được xác định rõ nên việc điều trị cũng gặp ít nhiều hạn chế. Để vượt qua hội chứng này, bên cạnh những biện pháp y tế, bản thân người bệnh cũng cần phải tự áp dụng thêm những phương pháp cải thiện như:

●       Tìm hiểu những thông tin liên quan đến tình trạng bệnh lý mà mình đang gặp phải. Điều này sẽ giúp bệnh nhân định hình được nguyên nhân, triệu chứng và những tác động do bệnh lý này gây ra;

●       Luyện tập cách giữ bình tĩnh trước những tình huống khiến mình cảm thấy sợ hãi, lo lắng bằng cách: hít thở sâu, nhắm mắt, để cơ thể được thả lỏng, đến không gian vắng người hơn giúp tinh thần được bình ổn trở lại;

●       Dành ra ít nhất 15 - 20 phút ngồi thiền mỗi ngày để giảm cảm giác stress, kiểm soát nỗi sợ, điều hòa năng lượng trong cơ thể và cải thiện chất lượng giấc ngủ;

●       Có thể chia sẻ thật về hội chứng mà mình đang gặp phải với người xung quanh để được thấu hiểu và đồng cảm, tránh những hiểu lầm không đáng có khiến quan hệ xã hội gặp nhiều rắc rối hơn;

●       Người bệnh cũng có thể tham gia hội nhóm những người cùng mắc hội chứng này để tìm kiếm sự giúp đỡ cải thiện tình trạng bệnh. Đôi khi điều này còn giúp mở rộng thêm các mối quan hệ ngoài xã hội.

Để ổn định tâm lý, bạn nên luyện tập cách giữ bình tĩnh trước những tình huống khiến mình cảm thấy sợ hãi

Để ổn định tâm lý, bạn nên luyện tập cách giữ bình tĩnh trước những tình huống khiến mình cảm thấy sợ hãi

Hy vọng rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên đây, bạn đã hiểu rõ hơn về hội chứng sợ người khác nhìn mình. Nhìn chung đây là hội chứng cần được can thiệp điều trị từ sớm để tránh gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, sức khỏe tinh thần và thể chất cho người bệnh. Để được tư vấn kỹ hơn về những biện pháp điều trị hội chứng sợ người khác nhìn mình, quý bạn đọc có thể liên hệ ngay đến tổng đài 1900565656 của MEDLATEC. Tổng đài viên sẽ hỗ trợ bạn đặt lịch khám cùng các bác sĩ chuyên khoa, đồng thời giúp giải đáp những băn khoăn về sức khỏe mà bạn đang gặp phải.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ