Tin tức

Hội chứng vàng da: phân loại và chẩn đoán

Ngày 06/03/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Vàng da là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh, đối với người lớn thì đây lại là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý gan mật gây nguy hiểm cho sức khỏe. Dưới đây MEDLATEC sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn về hội chứng vàng da.

1. Như thế nào là hội chứng vàng da?

Vàng da là một thuật ngữ y khoa dùng để mô tả tình trạng mắt và mô da có màu vàng. Hội chứng vàng da thường được gây ra do tăng hàm lượng bilirubin trong máu. Ngoài ra, thành phần tăng bilirubin lớn hay thấp hơn mức bình thường còn gợi ý về bệnh lý gan mật, máu, siêu vi và nhiễm trùng.

Hình ảnh về hội chứng vàng da

Hình ảnh về hội chứng vàng da

2. Phân loại hội chứng vàng da

Hội chứng vàng da xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em, được chia làm 2 loại:

2.1. Vàng da ở trẻ em

2.1.1. Vàng da sinh lý

Vàng da sinh lý thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh do tăng lượng hồng cầu trong máu và chứa HbF gây vỡ hồng cầu, khiến cho các yếu tố bên trong hồng cầu được giải phóng để thay thế cho hồng cầu trưởng thành.

Điều đáng nói là, trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện chức năng gan nên không thể đào thải hết lượng bilirubin dư thừa ra khỏi máu. Điều này gây tích tụ bilirubin trong cơ thể với hàm lượng quá tiêu chuẩn nên khiến trẻ bị vàng da.

Trẻ sinh đủ tháng có điều kiện sức khỏe bình thường nếu có đủ các tiêu chuẩn sau thì hội chứng vàng da sơ sinh được xem là bình thường:

- Vàng da 2 - 3 ngày sau sinh.

- Vàng da tự khỏi trong 1 tuần nếu trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần nếu trẻ sinh non.

- Vàng da nhẹ ở trên rốn, ngực, cổ và mặt.

- Không có tình trạng: thiếu máu, li bì, bỏ bú,...

- Nồng độ bilirubin trong máu:

+ Trẻ sinh non: không vượt ngưỡng 15 mg/dl

+ Trẻ sinh đủ tháng: không vượt ngưỡng 12 mg/dl.

- Nồng độ bilirubin trong máu tăng với tốc độ không vượt ngưỡng 5mg/dl/ 24 giờ.

2.1.2. Vàng da bệnh lý

Trẻ sơ sinh được xem mắc hội chứng vàng da bệnh lý khi hàm lượng bilirubin trong máu > 12 mg/dl (với trẻ đủ tháng) và > 15 mg/dl (với trẻ sinh non). Đây là hệ quả từ bệnh gan, bệnh nhỏ là mắc bệnh lý màng hồng cầu, thiếu men G6PD, bệnh gan mật bẩm sinh hoặc có sự bất đồng về nhóm máu giữa hai mẹ con, xuất huyết dưới da hoặc trẻ bị nhiễm khuẩn virus từ giai đoạn bào thai.

Vàng da ở trẻ sơ sinh thường là vàng da sinh lý

Vàng da ở trẻ sơ sinh thường là vàng da sinh lý

Trẻ bị hội chứng vàng da bệnh lý thường có biểu hiện:

- Vàng da đậm trong 1 - 2 ngày sau khi sinh.

- Vàng da ở: niêm mạc mắt, cánh tay, bụng, cổ, mặt, bàn chân, bàn tay.

- Có các triệu chứng: bỏ bú, sốt, nôn, ngủ li bì, quấy khóc nhiều, đi ngoài phân nhạt màu. 

- Vàng da kéo dài > 3 tuần (với trẻ sinh non) và > 3 tuần (với trẻ sinh đủ tháng).

- Bilirubin máu vượt ngưỡng cho phép. 

- Tình trạng kéo dài hơn 2 tuần với trẻ sinh đủ tháng, hơn 3 tuần với trẻ sinh non.

- Hàm lượng bilirubin trong máu tăng vượt quá mức cho phép. 

2.2. Vàng da ở người lớn

Vàng da ở người lớn là vàng da bệnh lý xuất phát từ bệnh hồng cầu, túi mật, tuyến tụy hoặc bệnh lý về gan:

2.2.1. Vàng da tại gan

Tế bào gan bị rối loạn chức năng hoặc tổn thương gan làm ảnh hưởng đến khả năng thu nhận và xử lý bilirubin máu. Tình trạng dư thừa, ứ đọng bilirubin máu trong thời gian dài sẽ sinh ra hội chứng vàng da. 

Nguyên nhân vàng da tại gan ở người lớn thường do mắc các bệnh lý: 

- Viêm gan cấp: tái diễn viêm gan cấp nhiều lần có thể dẫn đến viêm gan mạn tính làm tổn hại chức năng gan. 

- Xơ gan: là kết quả của việc tế bào gan bị tổn thương trong thời gian dài dẫn đến hình thành mô sẹo. Đây chính là lý do khiến cho máu lưu thông qua gan bị chặn lại và chức năng gan bị suy giảm.

Tổn thương ở gan có thể là nguyên nhân gây nên hội chứng vàng da bệnh lý

Tổn thương ở gan có thể là nguyên nhân gây nên hội chứng vàng da bệnh lý

- Tổn thương tế bào gan: thường xuất phát từ tăng men transaminase, tăng bilirubin đi kèm sốt, nổi mề đay; viêm gan cấp.

- Ung thư gan: bệnh nhân ung thư gan thứ phát hay khởi phát đều có tình trạng vàng da, vàng mắt.

- Ung thư đường mật trong gan: tăng bilirubin, vàng mắt, vàng da, viêm nang ống mật chủ, viêm xơ đường mật.

- Hội chứng di truyền: Gilbert, Dubin-Johnson và Rotor, Crigler - Najjar,… có thể làm tăng bilirubin.

2.2.2. Vàng da trước gan

Chỉ số hồng cầu tăng cao làm cho lượng bilirubin được sản xuất dư thừa được lưu hành trong máu và tế bào gan không kịp chuyển hoá nên xảy ra tình trạng tồn đọng bilirubin huyết gây vàng da.

Nguyên nhân gây tăng hồng cầu có thể xuất phát từ các bệnh lý: sốt xuất huyết, tan máu, hồng cầu hình liềm, sốt rét, thiếu men glucose 6-phosphate dehydrogenase, bệnh thalassemia hoặc tụ máu ở mô.

2.2.3. Vàng da sau gan

Bilirubin trong máu một phần chuyển hóa thành dịch mật đi từ ống mật nhỏ đến ống mật chủ. Nếu mắc bệnh lý gây hẹp hoặc tắc nghẽn ống mật chủ sau đây thì một lượng lớn bilirubin sẽ tràn vào máu từ đó sinh da vàng da:

- Tắc nghẽn đường dẫn mật: người bệnh có các cơn đau quặn ở gan, không sốt. Nguyên nhân gây tắc đường mật chủ yếu là do ung thư bóng Vater, ung thư đường mật và u đường mật ngoài gan.

- Ung thư đầu tụy: người bệnh có triệu chứng mệt mỏi, da màu vàng đậm, tắc đường mật.

- Sỏi mật: là kết quả của tình trạng đông đặc dịch mật lâu ngày. Sỏi mật khiến cho dịch mật thấm vào máu nên sinh ra hội chứng vàng da.

- Một số bệnh khác: ung thư túi mật, viêm đường mật, hẹp đường mật cũng có thể ảnh hưởng đến dòng chảy của dịch mật và tăng bilirubin.

2.2.4. Vàng da do thuốc

Sử dụng một số loại thuốc có thể gây ra hội chứng vàng da vàng mắt: thuốc cản trở quá trình chuyển hóa tế bào gan, gây viêm đường dẫn mật, viêm gan, ứ mật.

3. Chẩn đoán hội chứng vàng da

- Hỏi tiền sử bệnh và khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ đưa ra những câu hỏi liên quan đến bệnh sử để tìm kiếm nguyên nhân vàng da. Ngoài ra, thông qua khám lâm sàng bác sĩ cũng kiểm tra dấu hiệu bệnh lý tiềm ẩn gây ra vàng da.

Kết quả xét nghiệm chức năng gan giúp chẩn đoán nguyên nhân vàng da

Kết quả xét nghiệm chức năng gan giúp chẩn đoán nguyên nhân vàng da

- Kiểm tra cận lâm sàng: người bệnh được yêu cầu thực hiện các kiểm tra sau:

+ Xét nghiệm nước tiểu.

+ Xét nghiệm chức năng gan.

+ Xét nghiệm máu.

+ Chẩn đoán bằng hình ảnh

Trường hợp có nghi ngờ vàng da sau gan hoặc tại gan, bác sĩ thường chỉ định chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra bất thường ở ống mật và gan. Các loại chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định gồm siêu âm, chụp CT-Scanner, chụp MRI, nội soi mật tụy ngược dòng.

+ Sinh thiết gan.

Dựa trên nguyên nhân đã được xác định thông qua chẩn đoán cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị hội chứng vàng da cho từng bệnh nhân.

Trên đây là những thông về hội chứng vàng da ở người lớn và trẻ em. Nếu có câu hỏi nào khác hoặc có nhu cầu khám vàng da quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được giải đáp chi tiết và hướng dẫn đặt lịch nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.