Tin tức
Hỏi đáp: Chích ngừa Rubella bao lâu mới có thai?
- 23/10/2021 | Tầm quan trọng của xét nghiệm Rubella với phụ nữ mang thai
- 19/06/2021 | Rubella khác gì bệnh sởi ở nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng?
- 06/05/2021 | Rubella là bệnh gì? Phụ nữ có thai bị Rubella có nguy hiểm không?
1. Tìm hiểu về Rubella
Để hiểu rõ hơn về việc chích ngừa rubella bao lâu mới có thai thì trước hết chúng ta cần tìm hiểu về bệnh rubella.
Rubella là gì
Rubella hay còn có tên gọi khác là sởi Đức, đây là một bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan cao. Tác nhân chính gây ra căn bệnh này là virus Rubella. Virus này gây bệnh thông qua tiếp xúc dịch mũi họng, hay các giọt bắn khi ho, hắt xì hơi từ người bệnh sang người lành hoặc từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.
Trẻ em và thanh thiếu niên là những đối tượng thường mắc bệnh truyền nhiễm này. Rubella có thể dễ dàng chữa khỏi và ít để lại biến chứng nguy hiểm nếu điều trị đúng cách. Ngoài ra, bà bầu cũng là đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này và nguy cơ lây sang thai nhi là rất cao.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc Rubella
Bệnh sởi Đức có thể xuất hiện vào các thời điểm trong năm nhưng có xu hướng bùng phát mạnh mẽ nhất vào mùa xuân hoặc mùa động. Như đã nói, mức độ lây lan của căn bệnh này khá nhanh, vì vậy nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời có thể sẽ gây ra một đại dịch trên phạm vi lớn.
Triệu chứng khi mắc Rubella
Các triệu chứng của rubella bắt đầu biểu hiện từ 14 - 21 ngày kể từ khi tiếp xúc với mầm bệnh. Các triệu chứng trông rất giống như bệnh cúm hoặc sốt xuất huyết nếu không để ý kỹ. Cụ thể:
-
Sốt: Khi phát bệnh, người bệnh thường sốt khoảng 38°C. Kèm theo đó là các biểu hiện cơ thể mệt mỏi, đau đầu, đau họng, chảy nước mũi. Sau khi phát ban thì triệu chứng sốt sẽ giảm dần và biến mất, thông thường là từ 1 - 4 ngày.
-
Nổi hạch: Các hạch thường xuất hiện ở các vị trí như: chẩm, cổ hay bẹn. Dấu hiệu này sẽ xuất hiện trước khi cơ thể phát ban và sẽ biến mất sau thời gian ngắn.
-
Phát ban: Ban đầu các nốt phát ban sẽ xuất hiện trên mặt sau đó lan dần xuống toàn thân. Tuy nhiên, khác với bệnh sởi thì các nốt phát ban không xuất hiện tuần tự. Khi xuất hiện các nốt này sẽ có màu hồng, hình tròn kích thước khá nhỏ và sẽ dần biến mất sau từ 3 - 5 ngày.
-
Đau khớp, viêm kết mặc mắt: Đây cũng là triệu chứng của rubella nhưng không thường gặp.
2. Chích ngừa Rubella bao lâu mới có thai?
Tiêm phòng Rubella bao lâu thì mới có thai là câu hỏi thường gặp của nhiều chị em. Đối với vấn đề này nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng tối thiểu 3 tháng sau khi tiêm vắc xin ngừa Rubella thì chị em mới nên có thai. Ngoài ra, đối với trường hợp phụ nữ đang mang thai thì không nên tiêm vắc xin này để hạn chế tình trạng vắc xin có thể qua nhau thai , ảnh hưởng đến thai.
Ngoài ra, nếu không may chị em đã mang thai nhưng không biết mà lỡ tiêm vắc xin ngừa Rubella thì cần gặp bác sĩ để được tư vấn trực tiếp.
Sỡ dĩ nhiều chuyên gia khuyến cáo việc tiêm vắc xin đối với chị em phụ nữ nhất là người trong độ tuổi mang thai là vì nếu không may mắc phải căn bệnh này khi mang thai nhất là 3 tháng đầu có thể để lại các biến chứng nguy hiểm cho thai nhi. Nếu chưa tiêm phòng Rubella thì hãy tiêm trước khi quá muộn bạn nhé. Và nên nhớ chỉ nên có thai sau ít nhất 3 tháng kể từ khi chích ngừa.
Khả năng phòng bệnh của vắc xin Rubella khá cao, sau khi chích bạn sẽ ít có khả năng mắc bệnh trong 10 - 16 năm hay dài hơn là cả đời. Vắc xin thường được dùng là MMR hoặc PRIORIX.
Chích ngừa Rubella ít nhất 3 tháng chị em mới nên mang thai
3. Nhiễm Rubella khi mang thai phải làm sao?
Như chúng tôi đã nói, nếu nhiễm Rubella khi đang mang thai không những ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu mà còn dễ để lại các dị tật cho thai nhi. Tuy nhiên, không ít các trường hợp chị em không may nhiễm rubella khi đang mang thai. Vậy thì phải làm sao?
Khi virus Rubella xâm nhập vào cơ thể thai phụ sẽ tác động đến quá trình phát triển của thai nhi. Khi đó rất dễ xuất hiện các tình trạng như sảy thai, thai chết lưu, sinh non hay trẻ bị dị tật chứng đầu nhỏ, chậm phát triển tâm thần vận động, điếc, mù lòa, bệnh tim (hội chứng Rubella bẩm sinh). Đặc biệt, các ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn nếu mẹ mắc Rubella trong 13 tuần đầu của thai kỳ.
Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá lo lắng bởi không phải trường hợp nào Rubella cũng có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Điều này còn phụ thuộc vào việc bạn mắc rubella ở những tuần thai nào.
Cụ thể, nếu bạn chẳng may mắc bệnh truyền nhiễm ngày trong 3 tháng đầu thai kỳ thì nguy cơ thai nhi gặp nguy hiểm là rất cao, 70%-90% trẻ đẻ ra bị Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não. Con số này sẽ giảm còn 17% nếu mẹ bị rubella vào tuần thứ 13-16. Khi thai được 17- 20 tuần, thì tỷ lệ là 5%. Từ tuần 20 trở đi, nguy cơ trẻ gặp các biến chứng là rất thấp, có thể bằng 0%.
Vì thế nên, khi mang thai mà chẳng may bị rubella thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Điều cần làm nhất là chị em cần thường xuyên thăm khám, theo dõi sự phát triển của thai nhi. Đồng thời, lắng nghe những hướng dẫn, góp ý của các bác sĩ chuyên khoa để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Tùy thuộc vào thời điểm mắc Rubella thì mức độ ảnh hưởng cũng sẽ khác nhau
Nói tóm lại, tiêm phòng rubella là điều cần thiết với mỗi người, nhất là chị em phụ nữ trong độ tuổi mang thai. Nếu không may mắc phải căn bệnh này trong thai kỳ có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến thai nhi.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào thời điểm mắc mà tỷ lệ ảnh hưởng của bệnh cũng khác nhau. Điều cần làm ngay lúc này là bạn cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và khám thai định kỳ để phát hiện kịp thời các nguy cơ gây biến chứng.
Trên đây là những thông tin liên quan đến chích ngừa rubella bao lâu mới có thai. Nếu còn thắc mắc hay có nhu cầu tiêm phòng Rubella tại MEDLATEC xin vui lòng liên hệ qua đường dây nóng 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!