Tin tức

Hướng dẫn chọn vị trí tiêm tiểu đường đúng cách, an toàn và hiệu quả

Ngày 07/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Sử dụng insulin là một phương pháp hỗ trợ người mắc tiểu đường duy trì ổn định đường huyết. Người bệnh có thể thực hiện việc tiêm tại bệnh viện hoặc chủ động thực hiện tại nhà. Khi thực hiện tiêm tại nhà, cả bệnh nhân và người thân cần nắm vững các vị trí tiêm tiểu đường thích hợp cũng như kỹ thuật tiêm chính xác nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

1. Các vị trí tiêm tiểu đường

Tiểu đường là một tình trạng rối loạn chuyển hóa glucose do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin (tiểu đường tuýp 1) hoặc cơ thể kháng insulin (tiểu đường tuýp 2). Khi đó, glucose không thể đi vào tế bào mà tồn tại trong máu, gây tăng đường huyết, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, mù lòa…

Với người mắc tiểu đường, việc tiêm insulin đóng vai trò quan trọng trong phác đồ điều trị.Insulin là hormone đưa đường từ máu vào tế bào, giúp điều chỉnh lượng glucose trong cơ thể. Việc tiêm đúng giờ và  đúng cách rất quan trọng nhằm tránh hạ đường huyết hoặc tăng glucose máu.

Việc lựa chọn vị trí tiêm tiểu đường có ảnh hưởng lớn đến tốc độ hấp thu insulin và hiệu quả kiểm soát đường huyết. Insulin được hấp thu nhanh nhất ở những vùng có nhiều mạch máu dưới da. Các vị trí tiêm insulin phổ biến bao gồm:

Bụng

Đây là vị trí được sử dụng rộng rãi nhất, bởi insulin được hấp thụ vào máu nhanh và đều, đồng thời cũng dễ tiếp cận và ít gây cảm giác khó chịu. Tiêm cách rốn khoảng 3-5 cm trở ra để tránh vùng quanh rốn. Có thể tiêm vùng bụng theo hình zigzag để tránh lặp lại vị trí tiêm cũ quá sớm.

Bụng là vị trí tiêm tiểu đường phổ biến nhất

Bụng là vị trí tiêm tiểu đường phổ biến nhất 

Cánh tay (mặt sau)

Tại khu vực này, insulin được hấp thụ với tốc độ trung bình, chậm hơn so với vùng bụng. Khi tiêm vào cánh tay, kim nên được đặt ở phía sau, tức vùng cơ tam đầu giữa vai và khuỷu tay. Người bệnh cần có người hỗ trợ để tiêm vào vị trí này vì khó có thể tự tiêm. 

Mặt trước - ngoài đùi

Là nơi insulin hấp thu chậm hơn bụng, phù hợp với insulin tác dụng kéo dài lại rất thuận tiện cho việc tự tiêm. Để thực hiện tiêm tại vùng này, người bệnh nên đưa kim vào phần trước đùi, nằm giữa đầu gối và háng, hơi chếch về phía ngoài.

Mông

Tương tự đùi, mông cũng là vị trí có tốc độ hấp thu insulin khá chậm. 

Cần nhớ rằng mỗi người có cơ địa riêng, do đó vị trí tiêm phù hợp cũng sẽ khác nhau.

2. Cách tiêm insulin 

Sau khi đã xác định được vị trí tiêm tiểu đường, người bệnh cần nắm rõ các bước tiêm insulin để mang lại hiệu quả điều trị, tránh biến chứng có thể xảy ra:

Cách tiêm insulin từ lọ bằng xi lanh

  • Bước 1: Nếu lọ insulin mới được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, cần để lọ thuốc ra ngoài ở nhiệt độ phòng khoảng 10–15 phút trước khi tiêm. Ghi rõ ngày mở nắp lên vỏ lọ. Với loại insulin hỗn hợp, nhẹ nhàng lăn lọ thuốc trong lòng bàn tay khoảng 15- 20 lần để trộn đều.
  • Bước 2: Dùng cồn 70 độ sát khuẩn nắp cao su của lọ thuốc, sau đó để khô tự nhiên;
  • Bước 3: Tháo nắp bảo vệ của bơm tiêm. Kéo piston để hút một lượng không khí tương ứng với lượng insulin cần tiêm.
  • Bước 4: Cắm kim tiêm vào lọ insulin, đẩy không khí vừa hút vào lọ. Giữ kim trong lọ, lật ngược lọ thuốc sao cho lọ ngang tầm mắt, từ từ kéo piston để hút đúng liều insulin cần thiết. Sau đó, rút kim ra và đậy nắp;
  • Bước 5: Chọn vị trí tiêm phù hợp, vệ sinh vùng da bằng cồn 70 độ và để khô;
  • Bước 6: Véo da nhẹ nhàng bằng ngón cái và ngón trỏ để cố định vùng tiêm trong suốt quá trình tiêm;
  • Bước 7: Cầm bơm tiêm, đâm kim vào da theo góc 45-90 độ;
  • Bước 8: Bơm insulin cho đến khi hết thuốc;
  • Bước 9: Sau khi tiêm xong, rút kim ra nhẹ nhàng, thả tay véo da và dùng bông sạch ấn nhẹ lên vùng tiêm, không chà xát tại vị trí tiêm. 

Cách tiêm insulin bằng bút tiêm

  • Bước 1: Đuổi bọt khí: Vặn liều 1–2 đơn vị, giữ bút thẳng đứng; nhấn nút tiêm để đẩy ra một giọt insulin (đảm bảo kim không bị tắc);
  • Bước 2: Xoay núm liều đúng số đơn vị insulin được bác sĩ chỉ định;
  • Bước 3: Dùng tay véo nhẹ vùng da (nếu cần); cắm kim vào da theo góc 90 độ (hoặc 45 độ nếu người gầy); nhấn nút tiêm cho đến khi nghe/tới hết nấc liều; giữ kim dưới da khoảng 5-10 giây để đảm bảo toàn bộ insulin được đưa vào;
  • Bước 4: Rút nhanh và nhẹ kim ra khỏi da, có thể dùng bông gòn ép nhẹ (không chà xát).

Bệnh nhân tiểu đường cần nắm rõ quy trình tiêm insulin bằng bút tiêm

Bệnh nhân tiểu đường cần nắm rõ quy trình tiêm insulin bằng bút tiêm

Khi thực hiện tiêm, người bệnh cũng cần lưu ý những điều quan trọng sau:

  • Tại từng vùng tiêm, cần đảm bảo da sạch sẽ, mô mỡ và cơ bên dưới không bị tổn thương hay bất thường nhằm giúp insulin hấp thu hiệu quả;
  • Bạn nên thay đổi lần lượt các vị trí tiêm để tránh tình trạng gây sưng, chai cứng hoặc hình thành khối u dưới da ở một vị trí.

3. Mẹo giúp giảm đau khi tiêm insulin

Ngoài các kỹ thuật và vị trí tiêm đã nêu, một số mẹo sau có thể hỗ trợ giảm cảm giác đau trong quá trình tiêm:

  • Khi thực hiện, nên đưa kim vào da dứt khoát và tránh làm rung hoặc xoay kim trong suốt quá trình tiêm và rút ra. Tuyệt đối không thay đổi hướng kim trong lúc tiêm;
  • Sau khi rút kim, không nên xoa bóp hay ấn mạnh vào chỗ tiêm.

Ngoài ra, có một số lưu ý cần tuân thủ để đảm bảo vệ sinh trong quá trình thực hiện tiêm insulin: 

  • Tuyệt đối không sử dụng chung bơm kim tiêm với người khác;
  • Tuân thủ liều lượng theo chỉ định của bác sĩ;
  • Trước khi tiêm, hãy làm sạch vùng da bằng bông gòn thấm cồn. 

Tuân thủ nguyên tắc vệ sinh khi thực hiện tiêm insulin

Tuân thủ nguyên tắc vệ sinh khi thực hiện tiêm insulin

Trên đây là toàn bộ thông tin về vị trí tiêm tiểu đường bạn đọc nói chung và người bệnh tiểu đường nói riêng nên tìm hiểu và tham khảo. Nếu có thắc mắc liên quan cần giải đáp hoặc nhu cầu thăm khám bệnh lý tiểu đường nói riêng và sức khỏe tổng quát nói chung, bạn đọc có thể liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ