Tin tức
Hướng dẫn mẹ bầu cách tính tuổi thai IVF
- 27/11/2024 | Mang thai IVF có quan hệ được không và các vấn đề cần lưu tâm để có thai kỳ an toàn
- 28/11/2024 | Chi tiết quy trình làm IVF cho những cặp đôi hiếm muộn
- 29/11/2024 | Quy trình chọc hút trứng trong IVF: Chi tiết các bước thực hiện và một số vấn đề cần lưu ý
- 30/11/2024 | Chi phí làm IVF gồm những gì, có tốn kém không?
1. Lý do khiến mẹ bầu cần tính tuổi thai IVF?
Trước khi hướng dẫn cách tính tuổi thai IVF, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tính tuổi thai, nhất là với những trường hợp áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản IVF hay chính là phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Tuổi thai được hiểu là số tuần mang thai của mẹ bầu và đây cũng là một yếu tố quan trọng để đánh giá sự phát triển của thai nhi trong thai kỳ. Tuổi thai được tính theo đơn vị “tuần tuổi”.
Có nhiều cách tính tuổi thai IVF
Thai nhi sẽ có sự thay đổi rõ rệt qua từng giai đoạn và sự thay đổi này cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe của người mẹ. Chính vì thế, việc tính tuổi thai có ý nghĩa rất quan trọng, vừa giúp bác sĩ theo dõi sự phát triển của em bé trong bụng, vừa giúp mẹ bầu biết cách để xây dựng chế độ sinh hoạt cũng như chế độ dinh dưỡng hợp lý để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.
2. Cách tính tuổi thai IVF
Tuổi thai của những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm thường được tính theo ngày chuyển phôi vào tử cung của người vợ. Dưới đây là hướng dẫn về cách tính tuổi thai IVF dành cho các mẹ bầu:
2.1. Tính tuổi thai dựa vào ngày chuyển phôi
Đối với những trường hợp thai tự nhiên, tuổi thai thường được tính từ ngày đầu tiên có kinh của kỳ kinh cuối cùng đến thời điểm hiện tại đang chậm kinh (tuy nhiên, cách tính này chỉ áp dụng trong trường hợp có chu kỳ kinh nguyệt đều).
Tính tuổi thai sau ngày chuyển phôi thường có độ chính xác cao
Đối với những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm IVF, phôi sẽ được nuôi cấy trong phòng Lab từ 3 đến 5 ngày trước khi chuyển vào buồng tử cung của người mẹ và cách tính tuổi thai sau chuyển phôi như sau:
- Chuyển phôi ngày 3: Tuổi thai sẽ bằng thời gian phôi ở trong tử cung cộng thêm 2 tuần và 3 ngày (17 ngày), sau đó chia cho 7 ngày sẽ ra số tuần tuổi thai. Công thức: Tuổi thai (tuần tuổi) = [Ngày hiện tại – Ngày chuyển phôi + 17 ngày] / 7.
- Chuyển phôi ngày 5: Tuổi thai sẽ bằng thời gian phôi ở trong tử cung cộng thêm 2 tuần và 5 ngày (19 ngày), sau đó chia cho 7 ngày sẽ ra số tuần tuổi thai. Công thức: Tuổi thai (tuần tuổi) = [Ngày hiện tại – Ngày chuyển phôi + 19 ngày] / 7.
Với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, do biết rõ được phôi ngày mấy, ngày chuyển phôi nên cách tính tuổi thai IVF có tỷ lệ sai số rất thấp và được nhiều mẹ bầu áp dụng.
2.2. Cách tính tuổi thai IVF bằng phương pháp siêu âm
Siêu âm thai cũng là cách tính tuổi thai IVF hiệu quả được áp dụng phổ biến. Với phương pháp siêu âm, bác sĩ sẽ có được những chỉ số quan trọng và những hình ảnh rõ ràng. Qua đó, bác sĩ có thể giúp mẹ bầu tính được tuổi thai cũng như kích thước của thai nhi và từ đó chẩn đoán ngày dự sinh. Thông thường, kết quả siêu âm thai sẽ có thể tính tuổi thai và ngày dự sinh tương đối chính xác nhất nếu được thực hiện ở tuần thai 12 - 13 tuần.
Kết quả siêu âm thai có thể giúp bác sĩ tính tuổi thai
Một số mốc siêu âm thai, mẹ bầu cần ghi nhớ:
- Quý I: Trước 13 tuần 6 ngày.
+ Sau chuyển phôi khoảng 3 tuần, mẹ bầu nên siêu âm thai để bác sĩ xác định vị trí và số lượng túi ối.
+ 4 tuần sau chuyển phôi, mẹ bầu cũng cần siêu âm để xác định tim thai.
+ Khi thai được 11 tuần 6 ngày đến 13 tuần 6 ngày, mẹ bầu nên siêu âm đo độ mờ da gáy và thực hiện xét nghiệm Double test.
- Quý II: Thai từ 14 tuần đến 28 tuần 6 ngày.
+ Cần siêu âm để kiểm tra hình thái thai ở tuần thai thứ 20 đến 22.
- Quý III: Thời gian này, mẹ bầu cần siêu âm thai để xác định ngôi thai, ước tính cân nặng thai, tình trạng khung chậu của người mẹ và dự đoán ngày chuyển dạ.
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sản khoa có thể yêu cầu mẹ bầu đi khám thai nhiều lần hơn để phát hiện sớm một số bất thường ở cơ thể người mẹ hay bất thường của thai nhi để đưa ra giải pháp xử trí kịp thời.
3. Mẹ bầu cần lưu ý điều gì?
Để đảm bảo cho sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của trẻ trước khi sinh, mẹ bầu cần lưu ý những điều sau:
- Trang bị những kiến thức về dấu hiệu chuyển dạ để có thể nhận biết sớm và đến viện kịp thời.
- Duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tâm lý thoải mái và tuân thủ theo đúng những hướng dẫn của bác sĩ. Mẹ bầu không nên dùng chất kích thích.
- Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ vận động, tập luyện.
- Mẹ bầu cần trang bị những kiến thức cơ bản để hiểu rõ hiện tượng chảy dịch âm đạo khác với rỉ ối như thế nào để kịp thời nhận biết những tình huống xấu như sinh non, suy thai,... từ đó can thiệp kịp thời.
- Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, cần theo dõi sát sao về lượng nước ối và cân nặng của thai nhi. Đây là yếu tố quan trọng để các bác sĩ có thể tiên lượng được một số nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ.
- Đặc biệt thận trọng với hiện tượng chảy máu trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
- Mẹ bầu cần theo dõi chặt chẽ và xin ý kiến bác sĩ trong những trường hợp như nhau tiền đạo, thai chậm phát triển để có thể đảm bảo cho cả mẹ và thai nhi.
Trên đây là những hướng dẫn về cách tính tuổi thai IVF giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về những giai đoạn phát triển của con mình và chủ động hơn trong việc chào đón con yêu sau 9 tháng 10 ngày. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng cần lưu ý rằng việc tính ngày dự sinh không thể chính xác tuyệt đối vì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Do đó, mẹ bầu không nên bỏ qua những buổi khám thai định kỳ.
Để được tìm hiểu kỹ hơn về kiến thức chăm sóc thai kỳ hoặc có nhu cầu đặt lịch khám thai tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, mẹ bầu có thể liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!