Tin tức

Hydrocortisone có tác dụng gì? Hướng sử dụng an toàn và hiệu quả

Ngày 18/10/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Hydrocortisone là một loại corticosteroid được sử dụng phổ biến để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến viêm và dị ứng. Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc hiểu hơn về thuốc hydrocortisone, công dụng, liều dùng cách dùng an toàn tăng hiệu quả điều trị bệnh.

1. Thông tin khái quát về hydrocortisone

Hydrocortisone là một loại thuốc thuộc nhóm glucocorticoid, một phân nhóm của corticosteroid, có tác dụng ức chế hệ miễn dịch và chống viêm. Thuốc thường được kê đơn cho nhiều bệnh lý khác nhau, từ các tình trạng dị ứng cấp tính, viêm, đến những bệnh mãn tính liên quan đến da và khớp và bệnh tự miễn. Hydrocortisone tác động dựa trên cơ chế làm suy giảm hoạt động của hệ miễn dịch, giúp giảm thiểu các phản ứng viêm trong cơ thể..

Hydrocortisone dạng thuốc bôi

Hydrocortisone dạng thuốc bôi

Hydrocortisone có thể được sử dụng dưới nhiều dạng như thuốc bôi, thuốc uống, hoặc tiêm, tùy thuộc vào loại bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Những dạng bào chế của hydrocortisone phổ biến bao gồm:

Dạng thuốc

Hàm lượng

Dùng trong trường hợp

Kem bôi da

0,5%, 1%, 2,5%

Thường được sử dụng để điều trị các bệnh về da

Gel bôi ngoài da

0,5%, 1%

Thường sử dụng cho các vùng da cần thẩm thấu nhanh    

Dung dịch bôi ngoài da

0,25%, 0,5%, 1%, 2,5%

Sử dụng cho các vùng da lớn hoặc có tổn thương

Thuốc mỡ bôi ngoài da

0,25%, 1%, 2,5%

Phù hợp cho các vùng da khô hoặc tổn thương nặng

Viên nén uống

5mg, 10mg, 20mg

Điều trị toàn thân

Hỗn dịch tiêm

Hydrocortisone acetat 25 mg/ml và 50mg/ml

Dung dịch tiêm

Hydrocortisone natri phosphat 50mg/ml

Bột pha tiêm

Hydrocortisone natri succinat 100mg, 250mg, 500mg, và 1g        

Dùng trong các trường hợp cấp tính

2. Công dụng của hydrocortisone

Hydrocortisone có nhiều công dụng khác nhau, bao gồm:

  • Giảm viêm và ngứa: Tác dụng chính của thuốc là ức chế hệ miễn dịch từ đó giảm các phản ứng gây viêm, thường bao gồm viêm khớp, viêm da, viêm loét ruột. Đồng thời hydrocortisone có khả năng kiểm soát các triệu chứng dị ứng và ngứa do các phản ứng miễn dịch quá mức.
  • Điều trị bệnh Addison (hay còn gọi là suy tuyến thượng thận): Ở bệnh nhân mắc Addison là do tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormone cortisol. Do vậy hydrocortisone giúp thay thế lượng hormone thiếu hụt này.
  • Điều trị các bệnh tự miễn dịch: Hydrocortisone có thể giúp giảm các triệu chứng của nhiều bệnh tự miễn dịch, bao gồm lupus ban đỏ hệ thống và bệnh Crohn.

3. Chỉ định và Chống chỉ định

Chỉ định:

Hydrocortisone được chỉ định sử dụng cho một số tình trạng bệnh lý sau:

  • Điều trị eczema cấp và mãn tính.
  • Viêm nhiễm, ngứa vùng hậu môn - sinh dục. 
  • Viêm da, viêm da cơ địa, chàm da
  • Bệnh viêm khớp, viêm loét đại tràng
  • Dị ứng, sốc phản vệ
  • Điều trị bệnh viêm mãn tính và ức chế miễn dịch như Lupus ban đỏ hệ thống, bạch cầu và ung thư hạch bạch huyết.
  • Điều trị thay thế hormone cortisol trong bệnh suy thượng thận.

Điều trị eczema bằng hydrocortisone

Điều trị eczema bằng hydrocortisone

Chống chỉ định:

  • Dị ứng với hydrocortisone hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus (như thủy đậu, zona, herpes giác mạc).
  • Người nhiễm nấm toàn thân.
  • Người đang tiêm vắc xin sống.

4. Liều dùng và Cách dùng

Cách dùng hydrocortisone:

Khi dùng hydrocortisone dạng viên nén nên được uống với một ly nước đầy để đảm bảo hiệu quả hấp thu. Trường hợp bác sĩ có chỉ định thì cần thực hiện theo.

Bạn nên tuân thủ chính xác liều lượng và thời gian sử dụng để đạt được hiệu quả điều trị tối đa.

Nên uống cùng với nhiều nước

Nên uống cùng với nhiều nước

Liều lượng sử dụng:

Đối với người lớn:

  • Điều trị suy thượng thận bằng đường uống:
  • Suy thượng thận tiên phát và thứ phát: Thường uống 20 mg vào buổi sáng và 10 mg vào buổi chiều để mô phỏng nhịp sinh học tự nhiên của hormone trong cơ thể.
  • Tăng sản thượng thận bẩm sinh: Liều thường dùng là 0,6 mg/kg/ngày, chia thành 2 hoặc 3 lần uống trong ngày, kèm theo fludrocortison acetat với liều 0,05 - 0,2 mg/ngày.
  • Trong trường hợp khẩn cấp:
    • Cơn hen phế quản cấp: Tiêm tĩnh mạch liều từ 100 mg đến 500 mg hydrocortisone, có thể lặp lại 3-4 lần trong 24 giờ tùy theo tình trạng của bệnh nhân.
    • Sốc nhiễm khuẩn: Liều khởi đầu có thể tiêm tĩnh mạch 1 g, hoặc 50 mg/kg, lặp lại sau 4 giờ và/hoặc mỗi 24 giờ nếu cần thiết. Liệu pháp liều cao này thường không nên kéo dài quá 48-72 giờ để tránh nguy cơ tăng natri huyết.
    • Sốc phản vệ: Sau khi sử dụng adrenalin, hydrocortisone có thể được tiêm tĩnh mạch với liều 100-300 mg.
    • Suy thượng thận cấp: Liều đầu tiên là 100 mg tiêm tĩnh mạch, lặp lại mỗi 8 giờ. Sau vài ngày, liều này sẽ được giảm dần xuống mức duy trì 20-30 mg/ngày.
    • Tiêm khớp: Sử dụng hydrocortisone acetat với liều từ 5-50 mg tùy theo kích thước khớp bị viêm.
  • Dùng ngoài da: Hydrocortisone có thể được bôi dưới dạng kem, thuốc mỡ hoặc thuốc xoa với nồng độ từ 0,1-2,5%. Liều dùng thông thường là bôi một lớp mỏng lên vùng da bị ảnh hưởng từ 1-4 lần/ngày.

Đối với trẻ em:

  • Dưới 1 tuổi: Liều tiêm thường dùng là 25 mg.
  • Từ 1-5 tuổi: Liều dùng là 50 mg khi tiêm.
  • Từ 6-12 tuổi: Liều tiêm thông thường là 100 mg.

Liều lượng dùng thuốc tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ

Liều lượng dùng thuốc tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ

Lưu ý, liều lượng cụ thể của hydrocortisone sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp bệnh lý và tình trạng của bệnh nhân. Điều chỉnh liều có thể cần thiết dựa trên sự đáp ứng với thuốc và chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị.

5. Tác dụng phụ của hydrocortisone

Nếu bạn gặp bất cứ tác dụng phụ nào của thuốc hydrocortisone như dưới đây cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời:

  • Phù nề và tăng huyết áp.
  • Gặp các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp.
  • Loãng xương.
  • Teo cơ.
  • Xuất hiện hội chứng giả Cushing ở nhiều mức độ khác nhau.
  • Chậm phát triển ở trẻ em.
  • Suy giảm chức năng của vỏ thượng thận và tuyến yên, đặc biệt khi cơ thể gặp căng thẳng.
  • Tăng cân đột ngột.
  • Về hệ tiêu hóa: loét dạ dày, ruột non, chảy máu tại vết loét.
  • Gây hưng phấn quá mức; lú lẫn, trầm cảm khi ngừng thuốc.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp như viêm da tiếp xúc, teo da, chậm lành sẹo.

6. Lưu ý khi dùng thuốc 

Khi sử dụng thuốc bạn cần cẩn trọng với những lưu ý sau:

Tương tác thuốc:

  • Tránh sử dụng cùng vắc xin sống, Amphotericin, hoặc Natalizumab.
  • Cẩn thận khi kết hợp với các thuốc lợi tiểu như thiazid và furosemid, thuốc kháng viêm không steroid, và các thuốc chống động kinh như barbiturat, carbamazepin, phenytoin, primidon, rifampicin.
  • Sử dụng đồng thời với thuốc kháng đông máu, thuốc đái tháo đường hoặc thuốc điều trị tăng huyết áp có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị.

Đối tượng cần thận trọng:

  • Những người có tiền sử loét dạ dày, viêm ruột, cao huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn tuyến giáp, suy gan, suy thận, đái tháo đường, lao, đục thủy tinh thể, nhược cơ, hoặc có nguy cơ loãng xương.
  • Đặc biệt thận trọng với bệnh nhân bị động kinh.

Lưu ý chung:

  • Cảnh giác với nguy cơ ức chế trục dưới đồi - tuyến yên - thượng thận, đặc biệt khi điều trị kéo dài hoặc sử dụng ở trẻ em.
  • Sử dụng thuốc bôi ngoài da cần tránh để thuốc tiếp xúc với mắt hoặc bôi lên vết thương hở.
  • Khi sử dụng hydrocortisone bôi không nên băng kín vết thương sau khi bôi thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Dùng cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi cần có chỉ định rõ ràng từ bác sĩ
  • Cách xử lý khi dùng quá liều: Dù ngộ độc cấp do hydrocortisone quá liều hiếm gặp, nhưng nếu xảy ra, cần tiến hành điều trị triệu chứng và hỗ trợ kịp thời.
  • Xử trí khi quên liều: Nếu bạn quên một liều hãy uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời điểm nhớ gần với liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và không uống bù để tránh uống gấp đôi.

Hi vọng rằng bài viết đã giúp bạn có cái nhìn chi tiết hơn về việc sử dụng thuốc hydrocortisone. Tuy nhiên các thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, bạn cần sử dụng thuốc tuân theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ, đảm bảo dùng đúng liều lượng và thời gian quy định nhằm giảm thiểu các tác dụng phụ. 

Để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tối ưu, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi bắt đầu sử dụng thuốc. Bạn có thể đến Hệ thống Y tế MEDLATEC để gặp các bác sĩ chuyên môn tư vấn và thăm khám các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Liên hệ ngay số Hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ đặt lịch sớm nhất!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.