Tin tức
Khám lâm sàng tim mạch bao gồm những gì?
- 12/11/2022 | Bác sĩ giải đáp: Khám lâm sàng và cận lâm sàng là gì?
- 06/06/2023 | Khám tiền mê để làm gì? Có nguy hiểm không?
- 08/06/2023 | Khám tim mạch chuẩn bị những gì? Nên khám ở đâu?
1. Những đối tượng cần khám lâm sàng tim mạch?
Bất cứ ai cũng nên thăm khám tim mạch định kỳ. Tuy nhiên, nếu trong gia đình có người thân bị bệnh về tim mạch thì bạn nên quan tâm hơn đến sức khỏe tim mạch của bản thân và nên thăm khám định kỳ.
Nên đi khám tim mạch khi có biểu hiện đau tức ngực
Ngoài ra, nếu có những biểu hiện dưới đây, bạn cũng nên đi khám tim mạch sớm:
- Đau tức ngực: Có rất nhiều nguyên nhân gây đau tức ngực. Tuy nhiên, những cơn đau tức vùng ngực chính là biểu hiện rất phổ biến của các bệnh lý về tim mạch. Do đó, bạn không nên chủ quan với triệu chứng này. Dù những cơn đau ngực chỉ thoáng qua, bạn cũng cần đến các cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe.
- Tăng huyết áp: Ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp, tim phải co bóp nhiều hơn để có thể bơm máu ra các mạch ngoại biên. Tình trạng này kéo dài có thể khiến cho cơ tim dày hơn, ít đàn hồi và giảm khả năng hút máu về tim. Bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp thường đi kèm với bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim,… Do đó, các trường hợp này cũng cần theo dõi, thăm khám tim mạch định kỳ.
- Khó thở, tim đập nhanh và chóng mặt có thể là do bệnh mạch vành, tình trạng rối loạn nhịp tim hay do một số bệnh lý khác về tim mạch.
- Tiểu đường: Nếu không kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, có thể gây ra tình trạng rối loạn chức năng nội mạc mạch máu, tăng nguy cơ hình thành những mảng vữa xơ động mạch, khiến lòng mạch dần hẹp lại và dẫn đến thiếu máu cục bộ, gây ra các bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là những cơn nhồi máu cơ tim, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Thường xuyên hút thuốc lá cũng cần kiểm tra sức khỏe tim mạch
- Người có thói quen hút thuốc lá: Những hóa chất độc hại trong khói thuốc lá có thể gây tổn hại cho tim và gây ra các bệnh lý về tim mạch. Bên cạnh đó, khói thuốc lá còn có tác động và thay đổi thành phần hóa học máu, tăng nguy cơ hình thành các mảng bám, tích tụ trong động mạch, từ đó dẫn đến xơ vữa động mạch, ảnh hưởng lớn đến quá trình lưu thông máu, có thể gây đau tim và đột quỵ.
- Lượng cholesterol trong máu cao, bám vào thành mạch cũng là một trong những nguyên nhân khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở và gây ra nhiều bệnh lý về tim mạch.
- Bệnh lý ở thận: Nếu mắc phải căn bệnh này, bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe tim mạch. Các chuyên gia giải thích như sau: Khi mắc bệnh thận, cơ thể thường có xu hướng ứ nước, tăng huyết áp. Tình trạng này lâu ngày có thể gây ra những áp lực rất lớn cho tim và có thể dẫn đến suy tim, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân.
2. Quy trình khám lâm sàng tim mạch
Dưới đây là những thông tin cơ bản giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về quy trình khám lâm sàng tim mạch để tránh lo lắng quá mức khi đến thăm khám tại các cơ sở y tế:
2.1. Khai thác thông tin người bệnh
Bước đầu tiên, bác sĩ sẽ khai thác một số thông tin từ người bệnh, bao gồm:
+ Những câu hỏi về triệu chứng bệnh thường gặp như tình trạng đau ngực, khó thở, hồi hộp, da tím tái, ngất xỉu,…
Bác sĩ khai thác thông tin từ người bệnh
+ Tiền sử bệnh cá nhân và tiền sử bệnh gia đình.
+ Thói quen sinh hoạt, đặc thù công việc, môi trường sống của người bệnh ra sao,…
2.2. Khám thực thể
- Thông qua 4 thao tác nhìn, sờ, gõ, nghe
- Nhìn: Hình dáng lồng ngực, vùng tim đập và các mạch máu lớn... Thông qua nhìn, bác sĩ có thể đưa ra một số chẩn đoán sơ bộ dựa vào các biểu hiện sau:
+ Tình trạng màu sắc da và niêm mạc: Chẳng hạn môi tím tái là do tình trạng suy tim hay các bệnh tim bẩm sinh; ngón tay dùi trống (móng tay phát triển lớn hơn bình thường, giống như một chiếc thìa úp ngược, đỏ và sưng tấy) cũng là biểu hiện bất thường cảnh báo một số bệnh lý về tim mạch.
+ Hình dạng lồng ngực: Các trường hợp mắc bệnh tim từ khi còn nhỏ thường dễ bị biến dạng lồng ngực, chẳng hạn trẻ mắc bệnh tràn dịch màng tim thì lồng ngực sẽ hơi lồi.
+ Nhịp đập của tim: Bệnh nhân tim mạch thường có nhịp tim bất thường, chẳng hạn mỏm tim đập mạnh thì rất có thể thất trái to hoặc tim to, nhịp tim yếu có thể do tràn dịch màng ngoài.
+ Túi phình động mạch chủ: Người bệnh thường có một khối u đập theo nhịp tim ở sườn, sát 2 bên xương ức
+ Vùng cổ: Những bất thường ở vùng cổ cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh về tim mạch. Chẳng hạn, tĩnh mạch cổ nổi có thể là do bệnh suy tim phải, động mạch chủ đập mạnh hơn bình thường có thể do hở van động mạch chủ. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ thăm khám để nhận biết tuyến giáp có to bất thường không, vì tình trạng này có thể gây biến chứng tim mạch.
+ Vùng thượng vị, hạ sườn phải: Khi vùng thượng vị đập theo nhịp tim thì rất có thể là dấu hiệu cảnh báo tim phải to. Các trường hợp suy tim có thể khiến cho gan to ra và vùng hạ sườn phải có dấu hiệu dày hơn.
- Sờ trực tiếp để phát hiện một số triệu chứng bất thường vùng mỏm tim như tim bị đẩy sang một bên, tim co kéo về, mỏm tim đập quá mạnh hoặc đập không rõ,…
- Gõ: tìm diện đục của tim.
Nghe tim cũng là phương pháp giúp nhận biết một số vấn đề bất thường về tim mạch
- Nghe tim: Nghe các ổ nghe tim và các vị trí khác cần thiết. Khi nghe tim, bác sĩ có thể nhận biết về sự thay đổi nhịp tim, tiếng tim, tiếng cọ màng tim, tiếng thổi,…
Sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ có những nhận định cơ bản về sức khỏe tim mạch của bệnh nhân. Tuy nhiên để đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện khám cận lâm sàng, chẳng hạn như thực hiện các xét nghiệm máu, đo điện tâm đồ, chụp X- quang tim phổi, siêu âm tim,...
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về quy trình khám lâm sàng tim mạch. Nếu có biểu hiện bất thường và có nhu cầu kiểm tra sức khỏe tim mạch, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo đường dây nóng 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!