Tin tức

Khi nào nên chụp MRI toàn thân và ý nghĩa của phương pháp này

Ngày 27/09/2019
BS. Trần Văn Thụ, Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Văn Thụ
Chụp MRI toàn thân là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh mới, chính xác, chi tiết, được kỳ vọng sẽ giúp cộng đồng Việt Nam sàng lọc sớm bệnh ung thư. Vậy MRI toàn thân đem lại hiệu quả chẩn đoán, sàng lọc bệnh thế nào? Khi nào nên sử dụng kỹ thuật này? 

1. Chụp MRI toàn thân là gì?

Chụp cộng hưởng từ MRI là kỹ thuật tạo hình cắt lớp mới, sử dụng từ trường và sóng Radio. Dưới tác động của sóng, các nguyên tử Hydrogen trong cơ thể hấp thụ và phóng thích năng lượng. Quá trình phóng thích này được máy ghi nhận, chuyển đổi sang tín hiệu hình ảnh.

Hình ảnh chụp MRI có độ sắc nét, tương phản cao, chi tiết, rõ ràng, giải phẫu tốt. Ngoài ra, bác sỹ có thể sử dụng hình ảnh này để tái tạo 3D, tăng hiệu quả trong khám và chẩn đoán bệnh.

Chụp cộng hưởng từ MRI toàn thân có thể đánh giá, kiểm tra được toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, gồm:

- Đầu: Phát hiện u vùng hàm mặt, u não, thoái hóa não, dị dạng mạch máu não,…

- Lồng ngực: Kiểm tra hình thái của tim, phát hiện u phổi, u trung thất.

- Cổ: Khảo sát phần mềm vùng cổ, phát hiện u hầu họng, u tuyến giáp, tuyến nước bọt.

- Xương cột sống: Đánh giá xương cột sống từ cổ, ngực đến cùng cột và các dây thần kinh. Phát hiện u, lao, ung thư cột sống, thoát vị đĩa đệm.

- Ổ bụng: Phát hiện u gan, u tụy, u thận, phúc mạc,…

- Chậu hông: Đánh giá khớp háng, xương chậu, phát hiện u trực tràng, u tử cung, u buồng trứng, bàng quang, đánh giá tuyến tiền liệt ở nam.

Hình ảnh bệnh nhân chụp MRI toàn thân

Hình ảnh bệnh nhân chụp MRI toàn thân

Ngoài phát hiện sàng lọc sớm bệnh lý u và ung thư, chụp MRI toàn thân còn được chỉ định trong chẩn đoán bệnh như:

- Chẩn đoán u nguyên phát: Đánh giá mức độ lan rộng của khối u nguyên phát và mức độ di căn trên toàn cơ thể.

- Đánh giá tình trạng thoái triển của ung thư sau khi phẫu thuật, hóa xạ trị điều trị.

- Đánh giá toàn diện tổn thương có tính chất thứ phát lan rộng toàn thân mà chưa rõ nguồn gốc.

Như vậy, kỹ thuật chụp MRI đang được áp dụng hiệu quả trong sàng lọc, chẩn đoán và hỗ trợ điều trị bệnh.

2. Chụp MRI - kỹ thuật hàng đầu trong phát hiện sớm ung thư

Theo số liệu của Globocan (Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu) ước tính, mỗi năm nước ta có khoảng 126.000 ca mắc ung thư mới, khoảng 94.000 người chết vì ung thư. Con số này đang ngày một tăng lên nhanh chóng, đưa Việt Nam đứng ở top 2 các nước có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất.

Hơn nữa, thực trạng ung thư ở Việt Nam đang bị trẻ hóa một cách nhanh chóng. Đặc biệt đối tượng mắc ung thư độ tuổi từ 30 - 40 đang đáng báo động. Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho tỉ lệ tử vong vì ung thư ở nước ta cao là do còn hạn chế trong dự phòng và phát hiện sớm ung thư.

Tình trạng mắc ung thư ở Việt Nam đáng báo động

Tình trạng mắc ung thư ở Việt Nam đáng báo động

Nếu phát hiện sớm, nhiều loại ung thư có thể được chữa khỏi như: ung thư giáp trạng, ung thư da, ung thư cổ tử cung, ung thư tinh hoàn, ung thư vú,… Phát hiện và điều trị sớm ung thư là yếu tố quan trọng để tăng tỉ lệ chữa khỏi bệnh, kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

Các phương pháp sàng lọc phát hiện sớm ung thư hiện nay khá nhiều như: Chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp CT, chụp cộng hưởng từ, nội soi, sinh thiết,… Trong đó, phương pháp chụp MRI toàn thân trong vài năm gần đây được coi là phương pháp mới, đem lại hy vọng phát hiện sớm ung thư.

Phương pháp MRI toàn thân có giá trị chẩn đoán cao, đặc biệt có khả năng phát hiện các khối u kích thước nhỏ. Cụ thể, qua chụp MRI bác sỹ có thể phát hiện:

- Khối u thần kinh nội tiết ở tuyến giáp, tụy, u tế bào merkel, u tuyến thượng thận.

- Ung thư xương: Đa u tủy xương, Lymphoma, Sarcoma xương.

- U nguyên phát hay gây di căn xương: ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến tiền liệt,…

- Ung thư biểu mô tế bào gan HCC.

- Ung thư biểu mô đường tiêu hóa: Dạ dày, đại trực tràng.

- U phần mềm như: fibromatosis, Neurofibromatosis,…

- Ung thư đường tiết niệu, sinh dục: ung thư tử cung, ung thư bàng quang, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư biểu mô tế bào thận,…

3. Ưu điểm của chụp MRI

Chụp MRI toàn thân nói chung và chụp cộng hưởng từ MRI được kỳ vọng sẽ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiệu quả hàng đầu, bởi những ưu điểm vượt trội sau:

An toàn tuyệt đối, có thể thực hiện định kỳ

Kỹ thuật Chụp cộng hưởng từ MRI sử dụng từ trường và sóng radio để tạo hình ảnh giải phẫu chi tiết của cơ thể. Vì không sử dụng tia X hay năng lượng xâm lấn nên phương pháp này an toàn tuyệt đối, có thể sử dụng với cả thai nhi.

Chụp MRI rất an toàn với người thực hiện

Chụp MRI rất an toàn với người thực hiện

Vì thế, MRI có thể áp dụng tầm soát sàng lọc bệnh cho người khỏe mạnh, thực hiện định kỳ mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây là ưu điểm lớn nhất của MRI toàn thân so với chụp CT hay PET/CT chỉ được chỉ định trên người bệnh.

Giá trị chẩn đoán cao, nhạy

Hình ảnh MRI toàn thân có độ tương phản cao, giải phẫu chi tiết, có thể tái tạo hình 3D. Chụp MRI mạch máu không cần phải tiêm chất tương phản.

Hơn nữa, chụp MRI có thể phát hiện chính xác các tổn thương hình thành và cấu trúc bộ phận cơ thể hoặc khối u nhỏ hơn 3mm. Đặc biệt, hình ảnh MRI có thể định hướng khối u lành hay ác tính.

Thời gian chụp nhanh, không phức tạp

Người chuẩn bị chụp cộng hưởng từ MRI chỉ cần nhịn ăn 4h, chụp trong khoảng 45 - 60 phút. Trong khi đó, nếu chụp PET/CT, bạn phải thực hiện tiêm phóng xạ và chụp mất khoảng 1h30 phút - 2h 30 phút. Sau khi chụp, người bệnh phải ở lại thu gom phóng xạ và hạn chế tiếp xúc với cộng đồng.

Chi phí hợp lý

So với chụp PET/CT, chi phí chụp MRI toàn thân chỉ khoảng bằng 1/3, rất hợp lý để thăm khám tầm soát bệnh định kỳ.

4. Những ai nên chụp MRI toàn thân?

Chụp MRI toàn thân không chỉ dành cho bệnh nhân ung thư mà được khuyến cáo nên thực hiện với các đối tượng sau:

Người khỏe mạnh sàng lọc sớm bệnh lý toàn thân

Người khỏe mạnh có thể chụp MRI toàn thân để:

  • Phát hiện các bệnh lành tính như: xẹp đốt sống, thoát vị đĩa đệm, bệnh gan, thận lành tính, viêm nhiễm, nhân xơ, nang,…

  • Phát hiện u ác tính tại các cơ gan cơ thể như: phế quản, gan, tụy, biểu mô thận, lymphoma, đại trực tràng, mô mềm, u xương,…

Chụp MRI toàn thân có thể áp dụng trong khám sức khỏe định kỳ

Chụp MRI toàn thân có thể áp dụng trong khám sức khỏe định kỳ

Người có nguy cơ cao mắc ung thư

Những người có người thân mắc ung thư, đặc biệt là ung thư vú, ung thư buồng trứng có khả năng mắc ung thư cao hơn bình thường.

Ngoài ra còn có các đối tượng làm việc trong môi trường độc hại, tiếp xúc nhiều yếu tố gây ung thư như: thợ nhuộm, bác sỹ, thợ sơn, thợ than, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, công nhân khai thác mỏ, hóa dầu,…

Người mắc bệnh ác tính

Chụp MRI toàn thân có thể thực hiện để theo dõi đánh giá mức độ bệnh, hoặc phát hiện ung thư di căn, đặc biệt là ở gan, xương, não. Ngoài ra, bác sỹ cũng có thể chỉ định chụp MRI để theo dõi điều trị, đánh giá sau chấn thương.

Như vậy, chụp MRI toàn thân là phương pháp chẩn đoán hình ảnh, giúp sàng lọc phát hiện sớm bệnh rất hiệu quả, an toàn, nhiều ưu điểm. Bệnh nhân có chỉ định chụp có thể yên tâm thực hiện. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan, hãy liên hệ với MEDLATEC để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.