Tin tức

Khó thở thanh quản là bệnh gì, điều trị ra sao?

Ngày 01/09/2023
Lương Thanh Thủy
Khó thở thanh quản là một hội chứng hô hấp cần được điều trị cấp cứu ngay để không nguy hiểm đến sự sống. Vậy cụ thể đây là bệnh lý như thế nào, điều trị ra sao, nội dung bài viết dưới đây sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về những vấn đề này.

1. Khó thở thanh quản là bệnh gì?

1.1. Như thế nào là khó thở thanh quản?

Thanh quản nằm chính giữa cổ, đảm nhận vai trò hô hấp và nói:

- Chức năng hô hấp: thanh quản là nơi dẫn khí và bảo vệ đường hô hấp trên. Khi thực hiện động tác hít vào sẽ làm cho thanh môn mở ra; khi thực hiện động tác thở ra, thanh môn đóng lại.

- Chức năng nói: thanh quản đóng, mở và rung động khi phát âm để phát ra các âm thanh.

Các bộ phận cấu tạo nên thanh quản

Các bộ phận cấu tạo nên thanh quản

Thanh quản là nơi hẹp nhất của đường thở, đồng thời thực hiện hai chức năng mọi tác động đến bộ phận này đều khiến chức năng dẫn khí bị ảnh hưởng và gây nên hiện tượng khó thở. Ngoài ra, nếu dây thanh chịu sự tác động của yếu tố nào đó thì còn xuất hiện triệu chứng mất tiếng, khàn tiếng, biến đổi giọng nói,...

Khó thở thanh quản là sự rối loạn tần số và biên độ hơi thở. Tình trạng này thường là do ống thanh quản bị giảm khẩu kính ở một hoặc nhiều tầng của hầu họng. Khó thở có thể xuất hiện thành từng cơn lặp lại hoặc xuất hiện đột ngột tùy theo mức độ khó thở thanh quản mà người bệnh mắc phải.

1.2. Dấu hiệu của bệnh khó thở thanh quản

Ở mức độ nặng nhẹ của bệnh khó thở thanh quản mà cảm giác khó thở ở mỗi người bệnh sẽ khác nhau. Nếu bệnh nhẹ thì chỉ khó thở khi tham gia hoạt động thể lực; nếu bệnh nặng thì dù không hoạt động gì cũng bị khó thở. Khi quan sát ngực và cổ của người bệnh sẽ thấy lõm theo nhịp thở.

Ngoài ra, người bệnh khó thở thanh quản cũng có thể bị thở rít vì thanh quản chính là cánh cửa đóng mở cho khí đi vào bên trong lồng ngực. Trường hợp cánh cửa này hẹp thì không khí đi vào bị chèn ép nên khi thở có tiếng rít như tiếng rít của gió luồn qua khe cửa.

Dấu hiệu khó thở thanh quản

Dấu hiệu khó thở thanh quản

Tiếng thở rít này có thể nhận diện rõ khi nghe bằng tai. Nếu chức năng tạo âm thanh của thanh quản bị tác động thì người bệnh còn bị khàn tiếng. Trường hợp tắc nghẽn gần như toàn bộ thanh quản thì vô cùng nguy hiểm cho tính mạng, người bệnh sẽ có dấu hiệu đổ mồ hôi, kích động, tím tái,...

2. Điều trị khó thở thanh quản như thế nào?

2.1. Xác định mức độ khó thở thanh quản ở người bệnh

Khó thở thanh quản gồm 3 cấp độ, tùy thuộc vào cấp độ mắc phải và nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp. Trường hợp cấp cứu người bệnh cần được mở khí quản đúng cách và nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho tính mạng.

- Cấp độ 1

+ Triệu chứng toàn thân: chưa có.

+ Có triệu chứng cơ năng: tiếng rít nhẹ ở thanh quản, khó thở, ho, khàn tiếng.

- Cấp độ 2

+ Đã xuất hiện triệu chứng toàn thân: vật vã, lo sợ, hốt hoảng, kích động.

+ Có triệu chứng cơ năng: mất tiếng, tiếng ho dạng ồm ồm, giao tiếp gặp khó khăn, có tiếng rít rõ rệt ở thanh quản.

- Cấp độ 3

+ Triệu chứng toàn thân: hôn mê, vật vã, đổ mồ hôi, nhịp tim chậm, da tái xanh, lờ đờ.

+ Triệu chứng cơ năng: bị mất hẳn tiếng, khóc hay ho đều không ra tiếng, khó thở dữ dội, nhịp thở rối loạn.

2.2. Phương pháp điều trị khó thở thanh quản

Không nên kéo dài tình trạng khó thở thanh quản vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của người bệnh. Ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu: khó thở, khó nói, khàn tiếng, mất tiếng,... cần đưa người bệnh đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng ngay.

Muốn điều trị dứt điểm tình trạng khó thở thanh quản thì cần phải tìm ra nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Vì thế việc điều trị khó thở thanh quản cần kết hợp cả điều trị triệu chứng khó thở với điều trị căn nguyên gây nên triệu chứng đó.

Mô tả quy trình mở khí quản ở bệnh nhân khó thở thanh quản

Mô tả quy trình mở khí quản ở bệnh nhân khó thở thanh quản

Thông thường, nếu chỉ bị khó thở thanh quản cấp độ 1 thì người bệnh sẽ được điều trị nội khoa bằng thuốc uống. Nếu ở cấp độ 2 thì cần dùng thuốc đặc trị và có thể cần thở oxy, việc mở khí quản tùy từng trường hợp sẽ được bác sĩ cân nhắc. Nếu ở cấp độ 3 thì thường sẽ phải điều trị bằng phương pháp mở khí quản, dùng thuốc truyền tĩnh mạch và thở oxy.

Với điều trị triệu chứng khó thở, người bệnh sẽ được thực hiện các biện pháp cấp cứu nhằm làm giảm khó chịu khi đường thở bị tắc nghẽn như:

- Dùng thuốc giãn đường thở tạm thời, thuốc giảm viêm.

- Sử dụng dụng cụ hỗ trợ như mặt nạ thở, đặt dây thở vào mũi,... để cung cấp thêm oxy cho người bệnh.

- Phẫu thuật mở khí quản cho trường hợp nguy kịch bằng cách tạo lỗ nhỏ trên cổ ở phần dưới thanh quản để người bệnh có thêm một đường thở mới.

Với điều trị bệnh lý là căn nguyên gây nên khó thở thanh quản, chỉ áp dụng khi người bệnh đã được kiểm soát thoát khỏi nguy kịch do khó thở. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tiến hành một số xét nghiệm cần thiết để xác định căn nguyên và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Cần phải sớm tìm ra nguyên nhân khiến người bệnh bị khó thở thanh quản vì tình trạng này kéo dài sẽ vô cùng nguy hiểm cho sự sống của người bệnh.

Tùy theo nguyên nhân gây ra khó thở thanh quản mà phương pháp điều trị ở từng bệnh nhân sẽ có sự khác nhau, ví dụ như:

- Khó thở do dị vật: loại bỏ dị vật khỏi đường thở.

- thanh quản do viêm VA: nạo VA.

- Cấu trúc dây thanh bất thường hoặc có sẹo ở dây thanh: phẫu thuật chỉnh hình dây thanh.

Để được chẩn đoán đúng nguyên nhân gây khó thở thanh quản, khách hàng có thể đến trực tiếp Chuyên khoa Hô hấp - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hoặc liên hệ đặt trước lịch hẹn khám qua hotline 1900 56 56 56. Sau khi đã có những kiểm tra giúp chẩn đoán xác định bệnh bác sĩ sẽ tư vấn để quý khách biết hướng điều trị tốt nhất đối với bệnh lý này.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ