Tin tức
Giải phẫu thanh quản và những bệnh lý thường gặp
- 20/06/2024 | Giải đáp thắc mắc: Mổ u nang thanh quản kiêng nói bao lâu?
- 27/06/2024 | Lao thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- 10/07/2024 | Bị viêm thanh quản uống thuốc gì? Cách dùng như thế nào?
- 14/07/2024 | Cắt dây thanh quản có nói được không? Người bệnh cần lưu ý gì sau phẫu thuật?
1. Giải phẫu thanh quản
Thanh quản là bộ phận quan trọng của cơ thể, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về vị trí, cấu tạo cũng như chức năng hoạt động của cơ quan này. Phần giải phẫu thanh quản dưới đây sẽ giúp bạn hiểu cơ bản về cơ quan này.
Thanh quản nằm ở phía trước cổ
- Về vị trí: Thanh quản nằm ở trước cổ, phía dưới hầu họng, nối giữa yết hầu với khí quản. Cơ quan này có khả năng di động khi chúng ta nuốt, cúi xuống, ngẩng lên,...
- Cấu tạo: Thanh quản giống như hình tháp và có 3 mặt. Thanh quản ở nam giới thường dài hơn so với nữ giới, ở nam giới chiều dài thanh quản là khoảng 44mm, ở nữ là 36mm. Thanh quản được cấu tạo từ các sụn. Những sụn này được nối lại với nhau bởi các khớp, màng, cơ và dây chằng. Cụ thể như sau:
+ Sụn thanh quản, gồm 2 loại sụn là sụn đơn và sụn kép. Các sụn được nối vào các cơ lân cận hay nối với nhau bằng các khớp thanh quản và các dây chằng.
Trong đó:
- Sụn đơn gồm sụn giáp, sụn nhẫn, sụn nắp thanh môn, sụn liên phễu.
- Sụn kép (còn được gọi là sụn đôi) gồm có sụn sừng, sụn chêm, sụn thóc, sụn vừng, sụn phễu.
+ Các màng thanh quản gồm có màng giáp móng, màng nhẫn giáp, màng tứ giác, màng nhẫn thanh âm, màng nhẫn khí quản.
+ Các dây chằng: Gồm có dây chằng giáp móng, dây chằng nhẫn giáp, dây chằng phễu nắp thanh hầu, dây chằng nhẫn hầu, dây chằng nhẫn phễu, dây chằng thanh âm trên, dây chằng âm dưới, các dây chằng của nắp thanh môn.
+ Các khớp thanh quản gồm có khớp nhẫn giáp, khớp nhẫn phễu,
+ Các cơ thanh quản được chia thành 3 nhóm chính là:
- Nhóm cơ làm hẹp thanh môn: Gồm cơ nhẫn phễu bên, cơ giáp phễu, cơ phễu chéo và ngang, cơ phễu nắp thanh hầu.
- Nhóm cơ làm rộng nắp thanh môn: Gồm cơ nhẫn phễu sau, cơ giáp nắp thanh hầu.
- Nhóm cơ làm căng và chùng dây thanh âm gồm cơ nhẫn giáp và cơ thanh âm.
2. Chức năng của thanh quản
Thanh quản có kích thước nhỏ bé nhưng lại có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của con người. Dưới đây là những chức năng của thanh quản:
- Chức năng hô hấp: Thanh quản là một phần rất quan trọng trong quá trình hô hấp nhờ chức năng đóng mở thanh môn và hoạt động này do cơ nhẫn - phễu sau thực hiện. Trong trường hợp thanh môn bị tắc nghẽn hoặc không được mở rộng sẽ dẫn đến khó thở và gây tử vong. Người bệnh cần được cấp cứu kịp thời, cần nhanh chóng mở đường thở, nếu cần thiết có thể phẫu thuật mở khí quản.
- Bảo vệ đường hô hấp dưới: Thanh quản cùng góp phần phòng tránh tình trạng dị vật xâm nhập vào phổi bằng phản xạ ho. Hoạt động mở rộng và đóng lại của thanh quản cùng với những áp lực bên trong lồng ngừng và sau đó nhanh chóng mở ra tức thì sẽ khiến cho luồng không khí đẩy mạnh trở lại và từ đó đẩy dị vật ra ngoài.
Thanh quản góp phần giúp chúng ta hô hấp, tạo phản ứng ho và hắt hơi.
- Ho và hắt hơi: Đây là phản xạ hô hấp xảy ra nhờ luồng khi bị đẩy nhanh và mạnh cùng với hoạt động đóng khe thanh môn đột ngột và mở lại ra một cách bất ngờ.
- Tạo âm thanh: Khi cơ hoành, cơ rộng bụng, cơ gian sườn co lại, luồng khí đẩy từ phổi ra ngoài có thể làm dây thanh âm rung và từ đó chúng ta có thể phát ra âm thanh, giúp chúng ta có thể trò chuyện, chia sẻ cảm xúc, truyền đạt kiến thức,...
Thanh quản có thể điều chỉnh được cao độ và âm lượng. Tuy nhiên, khi đi qua đường hô hấp, được cấu hình khác nhau phụ thuộc vào hầu họng, lưỡi, môi, miệng,... âm thanh nguồn sẽ thay đổi.
3. Một số bệnh lý về thanh quản
Dưới đây là một số bệnh lý về thanh quản thường gặp:
- Viêm thanh quản: Là bệnh lý thường gặp nhất với những biểu hiện như đau nhức cổ họng, giọng khàn, tăng tiết nước bọt, khó thở,..
Viêm thanh quản khiến bạn khàn tiếng, khó khăn khi giao tiếp
- Ung thư thanh quản: Là tình trạng có những tế bào hay các khối u ác tính trong thanh quản. Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Một số triệu chứng bệnh như ho kéo dài, khàn tiếng trên 3 tuần, khó thở, sụt cân không rõ nguyên nhân.
- U lành tính thanh quản: Bệnh gây ra những triệu chứng như khàn tiếng, khó thở.
- Polyp thanh quản: Nguyên nhân gây bệnh thường là do lạm dụng dây thanh quản quá mức khi cơ quan này đang xảy ra nhiễm trùng. Đối tượng dễ bị bệnh là giáo viên, ca sĩ,... Polyp thanh quản gây ra một số triệu chứng như khàn tiếng, khó nuốt, khó thở,…
- Nang dây thanh: Là tình trạng niêm mạc dây thanh có những nang nhỏ và trong các nang này có chứa dịch nhầy hoặc mủ. Bệnh gây ra một số triệu chứng như khàn tiếng, nuốt vướng, khó thở.
4. Hướng dẫn cách bảo vệ thanh quản, phòng ngừa bệnh tật
Để thanh quản luôn khỏe mạnh và hạn chế mắc bệnh, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Đánh răng hàng ngày và súc miệng với nước muối.
- Tránh tiếp xúc với những người đang mắc bệnh truyền nhiễm.
- Điều trị dứt điểm bệnh đường hô hấp (nếu mắc).
- Ăn uống khoa học, tránh ăn đồ cay nóng, hay đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây, rau củ.
- Tập luyện thể dục đều đặn.
- Điều trị trào ngược dạ dày thực quản nếu có bệnh.
- Không uống bia rượu và tránh dùng chất kích thích.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hay khi đến những nơi đông người.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, có chứa nhiều hóa chất.
- Hạn chế nói liên tục và la hét.
- Nếu bị viêm thanh quản cấp thì cần nghỉ ngơi và hạn chế nói chuyện.
- Khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm những bệnh lý tiềm ẩn và kịp thời điều trị, phòng ngừa biến chứng bệnh.
Bạn nên đi khám sớm nếu có biểu hiện khác thường
Hy vọng những thông tin về giải phẫu thanh quản, chức năng thanh quản, các bệnh lý thường gặp và cách giúp thanh quản luôn khỏe mạnh đã giúp bạn hiểu hơn về cơ quan này và biết cách phòng bệnh hiệu quả.
Chuyên khoa Tai mũi họng của Hệ thống Y tế MEDLATEC là nơi quy tụ nhiều bác sĩ chuyên môn cao, được đầu tư những trang thiết bị nội soi tai mũi họng tích hợp NBI sàng lọc ung thư vòm họng thanh quản không gây đau đớn và thực hiện nhanh gọn, an toàn. Quy trình thăm khám khoa học, giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian.
Mọi thắc mắc và có nhu cầu đặt lịch khám sớm, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!