Tin tức

Kính áp tròng - những điều nên biết trước khi sử dụng

Ngày 30/01/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Với ưu điểm nổi trội về tính thẩm mỹ và khả năng điều chỉnh tật khúc xạ cho đôi mắt, kính áp tròng hiện đang là lựa chọn của rất nhiều người. Tuy nhiên, nếu lần đầu dùng kính bạn sẽ không tránh khỏi cảm thấy khó khăn và băn khoăn về rủi ro tiềm ẩn trong quá trình sử dụng. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về loại kính này để biết cách dùng sao cho đúng.

1. Kính áp tròng là gì, gồm những loại nào?

1.1. Kính áp tròng là kính gì?

Kính áp tròng được thiết kế hình chảo, có độ cong phù hợp và ôm sát vào giác mạc, khi dùng không cần gọng đỡ. Khi kính bám vào giác mạc sẽ được ngăn cách với bề mặt giác mạc bằng một lớp nước mỏng. 

Lớp nước này có vai trò giúp kính dễ dàng di chuyển theo các chuyển động của mắt. Ngoài ra chính lớp nước đó cũng sẽ được thay mới thường xuyên bằng nước mắt nên giảm được nguy cơ bị bám đọng vi khuẩn. Nhờ có lớp nước ấy mà giác mạc được bôi trơn và giảm nguy cơ trầy xước.

Kính áp tròng gồm nhiều loại khác nhau sản xuất theo mục đích sử dụng của người dùng, có tác dụng điều chỉnh các tật khúc xạ mắt. Việc dùng loại kính này không chỉ đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ mà còn cải thiện tầm nhìn cho người sử dụng.

1.2. Phân loại kính áp tròng

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại kính áp tròng nhưng được sử dụng nhiều nhất là:

Có rất nhiều loại kính áp tròng được bán trên thị trường để phục vụ nhu cầu của người dùng

Có rất nhiều loại kính áp tròng được bán trên thị trường để phục vụ nhu cầu của người dùng

- Kính mềm: ngậm nước, chứa 40 - 80% nước để thẩm thấu oxygen và đem lại cảm giác thoải mái khi sử dụng.

- Kính cứng: làm bằng LRPO, có thể tăng mức độ thẩm thấu oxygen.

- Kính để dùng hằng ngày: hạn dùng trong ngày, phù hợp với người không dùng kính áp tròng thường xuyên mà chỉ cần dùng trong những trường hợp nhất định.

- Kính để dùng hàng tháng: làm từ silicone hydrogel, làm tăng tính thấm oxy cho giác mạc.

- Kính đổi màu: làm đổi màu tròng mắt, người dùng có thể lựa chọn màu sắc theo nhu cầu của mình.

- Kính bảo vệ: chống lại các tác hại của tia UV.

2. Những ưu - nhược điểm của việc sử dụng kính áp tròng

2.1. Ưu điểm

Kính áp tròng là sự lựa chọn của nhiều người bởi:

- Vừa điều chỉnh được tật khúc xạ vừa cải thiện tính thẩm mỹ cho đôi mắt, giúp người dùng cảm thấy tự tin và thoải mái khi giao tiếp.

- Sử dụng tiện lợi và dễ dàng, rất phù hợp với những người làm công việc cần hoạt động mạnh, khi đi mưa không lo bị nhòe vì nước.

- Cải thiện tầm nhìn cho mắt vì không bị giới hạn bởi gọng kính, dễ di chuyển theo chuyển động của mắt nên dễ dàng quan sát xung quanh.

- Có thể bảo vệ mắt trước tác động nguy hại của các yếu tố bên ngoài, nhất là tia UV.

2.2. Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm nổi trội nêu trên thì việc dùng kính áp tròng cũng có một số nhược điểm như:

Dùng kính áp tròng không đúng cách dễ mắc bệnh về giác mạc

Dùng kính áp tròng không đúng cách dễ mắc bệnh về giác mạc

- Nếu không đeo kính đúng cách dễ làm cho giác mạc bị trầy xước, viêm loét hoặc nhiễm trùng. Thường gặp nhất là trường hợp mắc bệnh biểu mô do tế bào ngoài cùng của giác mạc bị tổn thương khi tiếp xúc với kính áp tròng.

- Hơi khó đeo, nhất là với người mới dùng lần đầu.

- Cần được vệ sinh hàng ngày nên hơi mất thời gian.

- Có thời hạn sử dụng, để đảm bảo an toàn cho đôi mắt thì khi kính quá hạn cần phải thay.

- Mỗi lần đeo kính tay cần được vệ sinh sạch sẽ.

3. Cách sử dụng kính áp tròng

3.1. Cách đeo kính áp tròng

Trình tự đeo kính áp tròng như sau:

- Rửa tay sạch sẽ để loại bỏ các tác nhân nguy hại.

- Nhẹ nhàng lắc hộp đựng kính và dung dịch bảo vệ để giúp kính được giãn ra.

- Trượt nhẹ kính khỏi hộp rồi để kính lên lòng bàn tay.

- Đặt kính lên trên đầu ngón tay trỏ, các ngón tay còn lại nhẹ nhàng kéo mi mắt xuống phía dưới, mắt mở to và không được chớp.

- Áp kính vào trong mắt.

- Nhắm mắt lại và chớp nhẹ để kính khớp tròng mắt.

3.2. Cách tháo kính áp tròng

Khi muốn tháo kính áp tròng, bạn cần:

- Rửa tay để diệt khuẩn trước khi thực hiện các thao tác tháo kính.

- Đứng trước gương, mắt liếc nhìn ngược lên trên.

- Dùng ngón tay giữa để kéo mi mắt dưới còn ngón trỏ và ngón cái bóp nhẹ để lấy kính áp tròng ra ngoài.

- Cho kính vào hộp và nhỏ thuốc nhỏ mắt để giữ ẩm cho mắt.

Hướng dẫn cách đeo kính áp tròng

Hướng dẫn cách đeo kính áp tròng

4. Một vài lưu ý khi sử dụng kính áp tròng

- Khám bác sĩ chuyên khoa mắt trước khi quyết định dùng kính áp tròng để đeo đúng độ với tật khúc xạ và tránh tình trạng bị kích ứng mắt. 

- Lựa chọn kính áp tròng có đầy đủ thông tin về nguồn gốc sản xuất.

- Luôn vệ sinh tay sạch sẽ trước khi đeo kính và tháo kính.

- Không đeo kính áp tròng trong thời gian quá dài để cho giác mạc có thời gian tiếp xúc với không khí, nhờ đó mà tránh được nguy cơ thiếu oxy và viêm nhiễm.

- Sau khi tháo kính ra cần ngâm kính trong dung dịch chuyên dụng.

- Nếu kính bị trầy xước hay bị rách thì cần bỏ ngay để không làm tổn thương cho giác mạc.

- Không dùng kính quá hạn để tránh nguy cơ vi khuẩn hay tạp chất xâm nhập vào trong mắt.

- Không dùng chung kính với người khác để tránh bị lây bệnh về mắt.

- Chọn kính có kích cỡ, hình dạng phù hợp với nhãn cầu.

- Thường xuyên vệ sinh hộp kính và thay mới theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc 4 tuần/lần thay.

- Không nên đeo kính áp tròng khi bị bệnh giác mạc, viêm mạn tính ở mi mắt, bị khô mắt.

- Nên đeo kính trước khi trang điểm vì nếu thao tác này diễn ra sau thì trước đó tay đã dễ chạm vào đồ trang điểm, đến khi khi đeo kính mắt dễ bị nhiễm trùng.

- Khám mắt định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc ngay khi phát hiện các bất thường ở mắt như: ngứa, rát, đỏ, cộm,...

Mặc dù kính áp tròng có nhiều ưu điểm đáng để lựa chọn nhưng do đặc điểm nước ta môi trường tương đối ô nhiễm, khí hậu nóng ẩm nên việc dùng loại kính này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ viêm nhiễm, tổn thương giác mạc. Để đảm bảo an toàn cho đôi mắt của mình, bạn chỉ nên dùng kính áp tròng khi cần thiết đồng thời cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết có nên dùng hay không và dùng loại nào thì phù hợp.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.