Tin tức
Lấy ráy tai cho bé, những điều cha mẹ nên lưu ý
- 15/02/2023 | Cách lấy ráy tai đúng cách và an toàn bạn nên biết!
- 01/09/2023 | Những dụng cụ lấy ráy tai cho bé an toàn hiện nay
- 01/12/2023 | Nút ráy tai ở trẻ là gì? Làm sao để xử lý?
1.
Sự hình thành và tác dụng của ráy tai
Ráy tai là “sản phẩm” kết hợp của hỗn hợp hòa tan của lông, da chết và chất tiết của tuyến nhầy trong ống tai. Tai thường xuyên tạo nên ráy tai và chỉ hình thành ở 1/3 phần ngoài ống tai chứ không sản sinh ở phần gần với màng nhĩ.
Ráy tai là lớp màng bảo vệ ống tai trước sự xâm nhập của tác nhân gây hại
Hỗn hợp ráy tai cũ thường khô, có màu nâu hoặc đen trong khi hỗn hợp ráy tai mới thường mềm hơn và có màu vàng. Sau khi đã hình thành, ráy tai sẽ đi qua ống tai ngoài đến với lỗ tai rồi tự rơi ra ngoài.
Ráy tai có tác dụng:
- Giúp cho ống tai và màng nhĩ được bảo vệ trước các yếu tố gây hại.
- Chống thấm, giữ khô cho tai.
- Ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn, bụi bẩn, dị vật,... vào sâu bên trong tai.
2. Lấy ráy tai cho bé và những điều cần lưu ý
2.1. Có nên lấy ráy tai cho bé hay không?
Không ít người có thói quen lấy ráy tai cho bé như một hành động vệ sinh cơ thể hàng ngày. Thực chất hành động này là không cần thiết. Hầu hết các trường hợp ống tai ngoài có khả năng tự làm sạch thông qua chuyển động của động tác nhai và cơ hàm. Điều này khiến cho ráy tai cùng tế bào chết bên trong tai tự động di chuyển ra khỏi lỗ tai.
Cha mẹ chỉ nên lấy ráy tai cho bé khi ở trong tình huống:
- Ráy tai tích tụ quá nhiều khiến việc quan sát màng nhĩ khi thăm khám tai bị cản trở.
- Ráy tai làm cho ống tai ngoài bị tắc nghẽn. Đây là hiện tượng xảy ra khi ống tai ngoài có hình dáng khác thường hay kích thước quá nhỏ nên ráy tai khó thoát ra ngoài được từ đó hình thành nút ráy tai. Nút ráy tai sẽ trở thành rào cản làm giảm thính lực của bé khiến trẻ bị giảm hoặc mất khả năng nghe tạm thời. Trường hợp này cần phải lấy ráy tai để không cản trở đến khả năng nói của bé.
Cha mẹ không nên lấy ráy tai cho bé nếu ráy tai không tích tụ thành cục và không tự chảy ra ngoài được
Cha mẹ không nên lạm dụng việc lấy ráy tai cho bé vì thực tế không phải ai cũng biết cách vệ sinh ống tai đúng. Có những trường hợp trong quá trình lấy ráy tai, thực hiện động tác quá mạnh hay đưa dụng cụ lấy ráy tai vào quá sâu bên trong khiến tai bé bị tổn thương.
Vì thế, trong hầu hết các trường hợp, cha mẹ nên để yên ráy tai cho bé, không cần can thiệp.
2.2. Cách lấy ráy tai khô, bị vón cục cho bé
- Tại nhà
Thông thường, để vệ sinh tai cho bé, cha mẹ chỉ cần dùng khăn bông mềm và ấm lau bên ngoài tai là được. Với những trường hợp trẻ có ráy tai khô tích tụ, cha mẹ có thể lấy ráy tai cho bé bằng cách:
+ Lấy một chiếc khăn bông mềm, mỏng và sạch thấm nước hơi ẩm rồi lau nhẹ bên ngoài vành tai cho trẻ.
+ Xoắn nhẹ một góc khăn rồi từ từ đưa sâu vào trong tai, cứ thể xoắn lại cho ráy tai bám vào đường xoắn của khăn rồi rút cho ráy tai ra ngoài.
+ Nếu bé có nhiều ráy tai vón cục thì dùng dung dịch nước muối sinh lý 0.9% nhỏ 5 - 10 giọt vào trong tai bé, 3 - 4 lần/ngày để ráy tai mềm dần, tự rơi ra ngoài.
Tuyệt đối không lau, lấy ráy tai cho bé khi trẻ đang bị viêm tai giữa.
- Tại cơ sở y tế
Nếu trẻ có nút ráy tai, đã áp dụng biện pháp làm mềm bằng nước muối sinh lý mà nút ráy tai không thể rã ra và không bị đẩy ra ngoài thì cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ tai mũi họng để trẻ được lấy ráy tai an toàn. Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để gắp hoặc hút sạch ráy tai cho trẻ mà không làm tổn thương đến ống tai và màng nhĩ.
Nếu trẻ có vấn đề về ráy tai, cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ tai mũi họng để trẻ được thăm khám và xử trí an toàn
3. Khi vệ sinh tai cho bé, cha mẹ cần nhớ
Như vậy có thể thấy rằng ráy tai là chất được cơ thể sản sinh hàng ngày với những công dụng như đã nói ở trên. Thực tế việc ráy tai tích tụ không hề gây nên nhiễm trùng tai mà nó chính là thành phần bôi trơn, giúp diệt khuẩn và giúp tai không bị ngứa, không bị khô. Do đó, đại đa số trường hợp, lấy ráy tai cho bé là không cần thiết. Nếu cần phải lấy ráy tai thì thao tác này cần được thực hiện thật an toàn.
Để vệ sinh tai cho bé đúng cách, cha mẹ cần lưu ý:
- Tốt nhất nếu cần thiết, mỗi tháng chỉ nên lấy ráy tai cho bé 2 - 3 lần.
- Chỉ lấy ráy tai cho trẻ khi nó không có khả năng tự trôi ra ngoài, đã tích tụ nhiều ngày thành các cục vón trong tai, hình thành nút ráy tai gây suy giảm thính lực của trẻ.
- Không dùng vật dụng sắc nhọn để lấy ráy tai cho bé.
- Trong quá trình lấy ráy tai cho bé hãy nói chuyện hoặc cho trẻ xem những video mà trẻ yêu thích để thu hút sự tập trung của trẻ vào việc khác, nằm im để thao tác lấy ráy tai diễn ra thuận lợi.
- Khi tắm cho bé cần cố gắng không cho nước vào trong ống tai quá nhiều. Sau khi tắm xong, hãy dùng khăn bông ẩm sạch lau khô nhẹ nhàng hết vành tai ngoài cho bé.
Trẻ có ráy tai khô hay ướt không quan trọng bởi đây đều là dịch tiết do cơ thể sản sinh nhằm thực hiện những công dụng nhất định. Cha mẹ chỉ cần nhận biết được tính chất ráy tai như thế nào là bình thường, khi nào cần lấy ráy tai cho bé.
Nếu tai trẻ có hiện tượng chảy mủ, ra dịch có mùi hôi, ngứa ngáy, trẻ hay quấy khóc, nghe kém,... thì cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ tai mũi họng thăm khám ngay để tìm ra nguyên nhân khiến trẻ gặp tình trạng này và giúp con được điều trị hiệu quả.
Những nội dung từ bài viết này hy vọng sẽ là nguồn tham khảo hữu ích đối với các bậc cha mẹ trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho con, để cha mẹ biết được lấy ráy tai cho bé khi nào là cần thiết và thực hiện sao cho an toàn.
Nếu nghi ngờ trẻ có biểu hiện bất thường ở tai, cha mẹ có thể đặt trước lịch khám qua hotline 1900 56 56 56 và cho con đến thăm khám cùng bác sĩ tai mũi họng - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để biết chính xác vấn đề con mình đang gặp phải.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!