Tin tức

Lupus ban đỏ - “kẻ sát nhân” thầm lặng ít người biết

Ngày 07/01/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Ly
Đã bao giờ bạn nghe đến căn bệnh Lupus ban đỏ chưa? Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng gia tăng, đặc biệt là nữ giới. Lupus đến nay vẫn chưa tìm được phương pháp để điều trị. Các biện pháp và thuốc được áp dụng nhằm mục đích ngăn ngừa các đợt cấp và những diễn biến xấu có thể xảy ra.

1. Đại cương về bệnh Lupus ban đỏ 

Lupus ban đỏ còn được gọi đơn giản là Lupus, thuộc nhóm bệnh tự miễn mạn tính. Với người bình thường, hệ miễn dịch có nhiệm vụ chống lại các tác nhân lạ khi xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, với các bệnh nhân Lupus, khả năng này của hệ miễn dịch sẽ mất đi và không thể phân biệt được tác nhân lạ - quen. Do đó mà cơ chế bảo vệ của hệ miễn dịch sẽ chống lại chính nó và gây ra tổn thương ở hầu hết tất cả các cơ quan.

Lupus ban đỏ là căn bệnh tự miễn mạn tính nguy hiểm có thể gây ra những tổn thương ở hầu hết các cơ quan

Lupus là căn bệnh tự miễn mạn tính nguy hiểm có thể gây ra những tổn thương ở hầu hết các cơ quan 

Hiện nay, có hai thể bệnh phổ biến là Lupus ban đỏ dạng đĩa và Lupus ban đỏ hệ thống, gây ra những diễn biến khác nhau ở mỗi cá thể, nhất là với các trường hợp Lupus ban đỏ hệ thống. Bệnh diễn ra theo từng đợt cấp, đợt sau thường nặng hơn so với đợt trước và nhiều trường hợp có thể đe dọa tính mạng. 

Đối tượng dễ mắc bệnh Lupus

Bệnh Lupus có thể xảy ra ở mọi đối tượng với bất kỳ độ tuổi nào. Đặc biệt, theo nghiên cứu hiện nay, có đến khoảng 90% Lupus xảy ra ở nữ giới và tỷ lệ cao nhất rơi vào nhóm từ 15 - 50 tuổi. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Lupus ban đỏ hiện nay có thể là: 

  • Phụ nữ đang trong giai đoạn sinh sản. Để lý giải về vấn đề này, các nhà khoa học cho rằng, đây là thời kỳ cơ thể phụ nữ có những chuyển biến nhanh chóng và thay đổi nội tiết tố nữ. Yếu tố này có thể là điều kiện thuận lợi để cấu thành bệnh và phát triển sang Lupus.

  • Phụ nữ đến thời kỳ mãn kinh. Lúc này, các hormone nữ giới sẽ có sự biến đổi đột ngột dẫn đến sức đề kháng giảm. Chính sự thay đổi này mà thông thường, người ở giai đoạn mãn kinh chịu rất nhiều ảnh hưởng của bệnh Lupus. 

Các yếu tố cấu thành bệnh Lupus 

Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này cho đến nay vẫn là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu y khoa. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì một số yếu tố môi trường hoặc gen có thể góp phần khiến bệnh Lupus hình thành.

  • Người thường xuyên làm việc trong môi trường có chất độc hại, ô nhiễm nguồn nước, không khí,... có thể dẫn đến căn bệnh Lupus bởi hệ miễn dịch cơ thể sẽ chịu ảnh hưởng liên tục. 

  • Một số loại thuốc điều trị sử dụng trong thời gian dài có thể gây ra nhiều chuyển biến khác trong cơ thể. Đó cũng có thể là yếu tố cấu thành nên căn bệnh Lupus ban đỏ.

  • Di truyền là yếu tố rất quan trọng bởi một gia đình có người bị bệnh thì nguy cơ mắc Lupus sẽ rất cao.

  • Ánh nắng mặt trời với chỉ số tia cực tím cao tác động làm tổn thương da và khởi phát nên các đáp ứng của hệ miễn dịch trong cơ thể.

  • Các loại mầm bệnh như virus, vi khuẩn là yếu tố không thể bỏ qua có thể dẫn đến nguy cơ bị bệnh Lupus. Đặc biệt, chúng còn có khả năng kích thích và gây ra các đợt cấp ở bệnh nhân Lupus.

Ánh sáng trực tiếp từ mặt trời có thể tạo nên những kích ứng trên da và gây ra các đợt cấp ở bệnh nhân Lupus

Ánh sáng trực tiếp từ mặt trời có thể tạo nên những kích ứng trên da và gây ra các đợt cấp ở bệnh nhân Lupus 

Ngoài ra, một số yếu tố khác liên quan đến nội tiết tố cũng có thể là lý do và đồng thời lý giải vì sao nữ giới mắc Lupus nhiều hơn nam. Tuy nhiên, chưa có chứng minh nào cụ thể để lý giải về những bí ẩn liên quan đến căn bệnh nguy hiểm Lupus ban đỏ. Chính vì vậy mà bất kể ai cũng có thể là nạn nhân của căn bệnh này. Thậm chí kể cả trẻ em được sinh ra trong một môi trường lành mạnh, gia đình không có người bị Lupus cũng có thể mắc bệnh. Do đó mà bạn không thể chủ quan trước căn bệnh đầy nguy hiểm này.

2. Triệu chứng phổ biến khi mắc bệnh

Các triệu chứng liên quan đến Lupus hiện nay vô cùng đa dạng, đặc biệt là các bệnh nhân bị Lupus ban đỏ hệ thống. Một số biểu hiện phổ biến và xuất hiện ở hầu hết người bị Lupus bao gồm: 

Phát ban ở mặt

Nổi ban đỏ hình cánh bướm ở mặt là biểu hiện chiếm tỷ lệ cao (30%) ở hầu hết người bị Lupus. Đây cũng là một trong những dấu hiệu để nhận biết sớm các ca bệnh Lupus. Ban đỏ có thể nổi rõ hơn và gây khó chịu khi có sự tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. 

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp khi bình thường sẽ không thấy ban đỏ trên mặt. Những khi có sự kích thích như nhiệt độ cao hoặc ánh nắng chiếu thẳng lên mặt thì nhanh chóng hình thành ban và mất dần khi ngừng tác động. 

Bệnh lý xương khớp

Đau nhức xương khớp là vấn đề gần như xuất hiện với hầu hết bệnh nhân Lupus. Với các trường hợp Lupus ban đỏ hệ thống, hệ xương khớp có thể bị tác động do cơ chế sinh bệnh. Ngoài ra, người sử dụng thuốc điều trị trong thời gian dài có thể gây nhiều tổn hại xương khớp do tác dụng phụ. Chính vì vậy mà bệnh nhân bị Lupus gần như đau nhức các khớp quanh năm, nhất là khi thời tiết giao mùa và trở lạnh.

Đau nhức hay tê bì chân, tay có thể xảy ra với nhiều bệnh nhân Lupus

Đau nhức hay tê bì chân, tay có thể xảy ra với nhiều bệnh nhân Lupus

Sốt 

Sốt kéo dài thường không quá phổ biến và thường gặp khi bệnh nhân Lupus bị viêm, nhiễm một cơ quan nào đó. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân Lupus có biểu hiện sốt thì đôi khi cũng thuộc dấu hiệu cảnh bảo đợt cấp. 

Tê bì chân, tay

Gần như 1/3 số bệnh nhân Lupus mắc hội chứng Raynaud nên các mạch máu dần bị teo lại. Quá trình tuần hoàn máu kém dẫn đến biểu hiện tê bì chân, tay, xuất hiện các vết bầm tím trên da. 

Đau tức ngực

Đau tức ngực hay khó thở là biểu hiện khi phổi bị viêm, tràn dịch do Lupus. Hoặc khi người bệnh bị thiếu máu cơ tim do quá trình lưu thông máu kém cũng có thể gây ra triệu chứng đau tức ngực.

Ngoài ra, những người bị Lupus nếu bệnh tấn công hệ mạch máu, phá hủy tiểu cầu khiến cho hàm lượng xuống thấp hơn mức bình thường sẽ tạo nên những chấm đỏ. Đây là do mạch máu có biểu hiện rò rỉ. Bên cạnh đó thì đa số những người bị bệnh Lupus đều có triệu chứng rụng tóc hay ban đỏ trên da đầu. 

Cho đến nay, căn bệnh Lupus ban đỏ vẫn là một lời ẩn số cho các nhà nghiên cứu y khoa. Tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng trong khi chưa tìm được hướng điều trị dứt điểm khiến không ít người lo lắng. Tuy nhiên, tỷ lệ người tử vong do Lupus có chiều hướng giảm dần trong những năm qua và tuổi thọ của người bệnh ngày càng cao. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào biện pháp hạn chế của y khoa và ý chí ở mỗi người bệnh.

Một lối sống tích cực, tinh thần lạc quan kết hợp cùng phương pháp chữa trị phù hợp sẽ giúp bệnh nhân Lupus kéo dài tuổi thọ

Một lối sống tích cực, tinh thần lạc quan kết hợp cùng phương pháp chữa trị phù hợp sẽ giúp bệnh nhân Lupus kéo dài tuổi thọ

Nếu bạn muốn được tìm hiểu kỹ hơn về Lupus ban đỏ, có thể liên hệ với bác sĩ chuyên khoa theo hotline: 1900.56.56.56 tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được tư vấn.

Từ khoá: Lupus lupus ban đỏ

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.