Tin tức
Lưu ý khi chữa trị viêm họng cấp để bệnh nhanh khỏi
- 03/06/2021 | 7 cách phòng ngừa viêm họng cấp lúc giao mùa đơn giản, hiệu quả
- 27/05/2021 | Viêm họng cấp: triệu chứng nhận diện bệnh điển hình nhất
- 14/07/2020 | Viêm họng cấp ở trẻ vào mùa hè - nguyên nhân, cách phòng ngừa và xử lý
1. Viêm họng là bệnh gì? Viêm họng cấp tính có nguy hiểm không?
Họng của chúng ta có chứa nhiều mạch máu, dây thanh âm, các cơ hầu và hạch amidan. Viêm họng cấp tính là tình trạng viêm cấp tính xảy ra ở vùng niêm mạc mũi, họng kèm theo viêm amidan hay viêm xoang, viêm mũi. Chính vì sự liên quan này nên viêm họng cấp tính cũng có thể được gọi là viêm họng-amidan cấp.
Viêm họng cấp có thể chuyển sang mạn tính nếu không điều trị hiệu quả
Tình trạng viêm họng có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, tuy nhiên thường gặp ở trẻ em do cơ thể còn chưa hoàn thiện và sức đề kháng yếu. Thời điểm dễ xảy ra bệnh là khi thời tiết lạnh và khi giao mùa, vì ở thời điểm này, các loại virus và vi khuẩn gây bệnh hoạt động và phát triển thuận lợi. Viêm họng cấp có thể lây qua đường hô hấp, qua đường giọt bắn khi giao tiếp với người bệnh.
Thông thường, bệnh viêm họng chỉ kéo dài trong khoảng 7 ngày. Nếu bệnh nhân có sức đề kháng tốt, bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ khỏi nhanh chóng và không gây biến chứng. Ngược lại, nếu bệnh không được điều trị sớm, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng như viêm phế quản, viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm tai, thậm chí là viêm cầu thận, vô cùng nguy hiểm. Khi không được điều trị sớm, viêm họng cấp tính cũng có thể chuyển sang mạn tính, sẽ khó khăn hơn khi điều trị.
2. Viêm họng cấp có thể gây ra những triệu chứng như thế nào?
Dưới đây là một số triệu chứng điển hình của bệnh viêm họng cấp tính:
Sốt: Đây là dấu hiệu phổ biến của bệnh. Người lớn có thể bị sốt từ 38 đến 39 độ C. Trong khi đó, trẻ nhỏ có thể sốt cao hơn, lên tới 40 độ C.
Sốt là biểu hiện đặc trưng của bệnh
Đau họng: Khi bị viêm họng cấp, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau rát họng. Ngay cả khi nuốt nước bọt hay ăn những thức ăn dạng lỏng, bệnh nhân cũng có thể cảm nhật rất rõ những cơn đau rát họng. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi nói chuyện, có thể bị thay đổi giọng nói, chất giọng khàn và khó nghe hơn. Thậm chí, tình trạng đau họng có thể lan sang đến tai.
Nghẹt mũi: Nghẹt mũi và chảy nhiều nước mũi: Bệnh nhân bị nghẹt mũi và dịch mũi tiết ra nhiều hơn. Khi mới bị bệnh, dịch mũi có thể loãng và trong nhưng sau đó, dịch này có thể đặc quánh hơn và có màu vàng hoặc màu xanh.
Niêm mạc họng của bệnh nhân bị tổn thương: Khi quan sát vòm họng của bệnh nhân sẽ thấy tình trạng niêm mạc sưng và có thể xảy ra hiện tượng xuất tiết, phía trên có thể có chấm mủ trắng
Sưng đau hạch góc hàm: Những người bị viêm họng có thể có tình trạng nổi hạch ở góc hàm, khi sờ nắn sẽ có cảm giác đau. Nhưng khi khỏi bệnh, tình trạng này sẽ kết thúc.
Ngoài những triệu chứng kể trên, người bệnh còn có thể xuất hiện tình trạng đau toàn thân, nhức đầu, rất khó để tập trung làm việc.
3. Lưu ý khi chữa trị viêm họng cấp
Để điều trị bệnh viêm họng cấp, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như nội soi tai mũi họng, xét nghiệm công thức máu, phết dịch nuôi cấy vi khuẩn để xác định nguyên nhân gây bệnh và từ đó lên phác đồ điều trị theo nguyên nhân.
Trong đó, những trường hợp bội nhiễm hoặc do vi khuẩn gây bệnh thì bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh, có thể là kháng sinh nhóm beta lactam hay các nhóm kháng sinh khác. Liệu trình dùng kháng sinh liên tục từ 5 - 10 ngày, tùy từng trường hợp.
Lưu ý khi chữa trị viêm họng cấp như sau: Bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý dừng hoặc tăng liều lượng thuốc để tránh những hậu quả nghiêm trọng.
Bệnh nhân nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Với những bệnh nhân dị ứng với beta-lactam, thì có thể thay thế bằng các loại thuốc khác.
Để điều trị triệu chứng bệnh, có thể sử dụng các loại thuốc giúp giảm đau, hạ sốt theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình điều trị, nếu bạn có vấn đề về dạ dày cần thông báo với bác sĩ để bác sĩ điều chỉnh loại thuốc và lượng thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.
Một số trường hợp có thể sử dụng khí dung, thuốc nhỏ mũi, thuốc súc họng như BBM, nước muối sinh lý, bôi họng như glycerin borat 5%để cải thiện triệu chứng bệnh.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần được tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung các chất dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung vitamin C và B1. Sức đề kháng tốt sẽ giúp bệnh nhân chống lại bệnh tốt hơn và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Bệnh nhân cũng cần được nghỉ ngơi trong thời gian này, đặc biệt cơ thể người bệnh cần được giữ ấm, không để bị nhiễm lạnh, nhất là phần cổ, ngực và gan bàn chân.
Người bệnh nên ăn các loại đồ ăn dạng lỏng, uống nhiều nước. Có thể uống nước gừng mật ong để cải thiện triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó cần tránh ăn đồ cay nóng, thực phẩm cứng, có tính axit cao, hoặc một số loại thực phẩm có thể gây dị ứng, đồng thời không nên ăn một số loại đồ uống gây kích thích,…
Nên đưa trẻ đi khám sớm để được khám và điều trị bệnh
Khi tắm, bệnh nhân cần được tắm nước ấm. Tắm xong cần lau khô người trước khi mặc đồ.
Bệnh nhân cũng cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ để ngăn ngừa tối đa sự xâm nhập của khuẩn bệnh vào họng và hầu.
Trên đây là những lưu ý khi chữa trị viêm họng cấp. Các chuyên gia khuyên bạn, nếu có những dấu hiệu bất thường, bạn nên đi khám sớm để được điều trị đúng hướng và kịp thời.
Khoa Tai - Mũi - Họng của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ hàng đầu trong việc điều trị các bệnh về tai mũi họng, trong đó có viêm họng cấp. Những trang thiết bị tiên tiến, chất lượng cao cùng với đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao chính là lợi thế của MEDLATEC. Hãy gọi đến số 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết hơn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!