Tin tức

Lý giải nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng mệt mỏi do ung thư

Ngày 03/06/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Mệt mỏi do ung thư có thể xuất phát từ ảnh hưởng của quá trình điều trị bệnh nhưng cũng có thể do chính bệnh gây ra. Dù căn nguyên gây ra tình trạng ấy là gì thì người bệnh cũng cần được trợ giúp để vượt qua, tránh để kéo dài dễ gây ra những ảnh hưởng xấu đến tâm lý cũng như sức khỏe của người bệnh.

1. Hiện tượng mệt mỏi do ung thư - căn nguyên do đâu?

1.1. Mệt mỏi do ung thư là tình trạng như thế nào?

Mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư là hiện tượng khiến cho họ cảm thấy kiệt sức, yếu, mệt, chậm chạp trong suốt một thời gian dài nên không thể tập trung hay không có sức để làm bất cứ việc gì. Nhiều người trong số đó thường xuyên cảm thấy buồn bã, ủ rũ, chân tay nặng nề, thất vọng và dễ cáu giận.

Mệt mỏi do ung thư nếu kéo dài không có biện pháp khắc phục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh

Mệt mỏi do ung thư nếu kéo dài không có biện pháp khắc phục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh

Điều đáng nói là không có biện pháp nào đo được tình trạng mệt mỏi của bệnh nhân ung thư mà họ chỉ có thể mô tả với bác sĩ về những gì mình đang cảm thấy để bác sĩ hiểu được tình trạng ấy đang ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của người bệnh. Nhiều người nhầm lẫn mệt mỏi do ung thư với trầm cảm nhưng thực chất đây là hai hiện tượng khác nhau. 

Người bị trầm cảm sẽ không còn khả năng cảm nhận niềm vui và dễ từ bỏ hi vọng. Bệnh nhân ung thư có thể bị mệt mỏi nhưng không bị trầm cảm và cũng có trường hợp cùng lúc vừa bị trầm cảm vừa bị mệt mỏi. Khi nắm bắt được tình trạng mệt mỏi mà bệnh nhân đang trải qua, tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ cân nhắc xem có nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để xác định trầm cảm hay không nhờ đó có hướng xử trí phù hợp.

1.2. Nguyên nhân khiến người bệnh bị mệt mỏi do ung thư là gì?

Mệt mỏi do ung thư có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, cụ thể như:

- Chính bệnh ung thư

Sự tồn tại của bệnh ung thư có thể khiến cho cơ thể phải trải qua nhiều thay đổi từ đó gây nên tình trạng mệt mỏi mạn tính. Điển hình như khi bệnh ung thư giải phóng các protein cytokine nó sẽ khiến người bệnh cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Ngoài ra, những bệnh ung thư khác khiến cho nhu cầu năng lượng của cơ thể tăng lên, cơ bắp bị suy yếu, một số cơ quan bị tổn thương, nội tiết tố thay đổi,... tất cả điều này đều góp phần trở thành nguyên nhân gây mệt mỏi cho người bị ung thư.

Quá trình điều trị kéo dài cùng tác dụng phụ của nó là một trong những nguyên nhân khiến cho bệnh nhân ung thư bị mệt mỏi

Quá trình điều trị kéo dài cùng tác dụng phụ của nó là một trong những nguyên nhân khiến cho bệnh nhân ung thư bị mệt mỏi

- Quá trình điều trị bệnh ung thư

Dù điều trị ung thư bằng cấy ghép tủy xương, phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hay liệu pháp miễn dịch thì nó đều có thể khiến cho bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi. Tình trạng này xảy ra khi quá trình điều trị làm cho tế bào khỏe mạnh bị tổn thương và cơ thể phải hoạt động để sửa chữa những tổn thương ấy. Mặt khác, các tác dụng phụ do điều trị gây ra như nôn, thiếu máu, mất ngủ, đau đớn,... cũng là nguyên nhân gây mệt mỏi do ung thư.

2. Biện pháp khắc phục tình trạng mệt mỏi ở người bị ung thư

Về cơ bản, tình trạng mệt mỏi do ung thư ở mỗi người không giống nhau về mức độ, thời gian xuất hiện,... Việc điều trị các vấn đề cụ thể có liên quan đến ung thư có thể khiến bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn nhưng vẫn cần tới những can thiệp khác. Do đó, bác sỹ điều trị ung thư có thể yêu cầu bệnh nhân thử các phương pháp khác nhau để khắc phục tình trạng này.

Như đã nói ở trên, không có cách nào đo lường được tình trạng mệt mỏi do ung thư ở từng bệnh nhân nghiêm trọng đến mức nào hay kéo dài trong thời gian bao lâu. Cũng có những trường hợp bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân khiến bệnh nhân ung thư mệt mỏi là gì. Thực hiện một số biện pháp sau sẽ góp phần khắc phục hoặc giảm nhẹ hiện tượng mệt mỏi mà người bị ung thư đang trải qua:

2.1. Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Tác dụng phụ, sự căng thẳng hoặc đau đớn mà bệnh nhân ung thư phải trải qua trong quá trình điều trị có thể khiến họ khó ngủ từ đó gây ra mệt mỏi vào ngày hôm sau. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên tạo cho mình thói quen đi ngủ vào một khung giờ nhất định, tránh hoạt động căng thẳng trước giờ ngủ để giấc ngủ đến nhanh và dễ dàng hơn.

2.2. Phân chia lại hoạt động hàng ngày cho hợp lý

Tùy theo hoạt động của cơ thể trong một ngày mà mức độ năng lượng sẽ có sự tăng giảm khác nhau. Người bệnh nên ghi lại nhật ký mỗi ngày để xem lúc nào cơ thể cảm thấy khỏe nhất và khi nào thì bị mệt mỏi nhất. Căn cứ trên sự ghi chép này để sắp xếp lại lịch trình, làm việc khó vào lúc khỏe khoắn sẽ giảm thiểu được sự quá tải về công việc.

2.3. Hoạt động thể chất

Rất nhiều nghiên cứu về tình trạng mệt mỏi do ung thư đã chỉ ra rằng trong và sau điều trị ung thư, hoạt động thể chất khoa học sẽ làm giảm đi cảm giác mệt mỏi. Vì thế người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc tập thể dục để có một kế hoạch tập luyện an toàn phù hợp với thể trạng của mình. Yoga là một bộ môn có tác dụng cải thiện giấc ngủ cho bệnh nhân đang điều trị ung thư rất hiệu quả.

Hoạt động thể chất phù hợp với thể trạng sẽ giúp giảm tình trạng mệt mỏi do ung thư

Hoạt động thể chất phù hợp với thể trạng sẽ giúp giảm tình trạng mệt mỏi do ung thư

2.4. Có chế độ ăn nhiều năng lượng

Bệnh ung thư làm suy giảm cảm giác thèm ăn nhưng dù không muốn ăn người bệnh vẫn cần phải bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể vì càng thiếu dinh dưỡng tình trạng mệt mỏi do ung thư càng trở nên nghiêm trọng. Người bệnh nên ăn thành nhiều bữa nhỏ và chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau củ, trứng, đậu, các loại hạt, hoa quả,... Đặc biệt, người bệnh nên cố gắng ăn cá ít nhất 2 ngày/tuần vì omega-3 trong cá có tác dụng giảm viêm và giảm mệt mỏi rất tốt.

2.5. Tìm sự tư vấn

Chia sẻ cảm xúc hay những gì mình đang gặp phải sẽ giúp cho cảm giác mệt mỏi ở người bị ung thư bớt nghiêm trọng. Muốn làm được điều này người bệnh có thể tìm đến bạn bè, người thân, chuyên gia tâm lý,... Có thể xem đây là liệu pháp hành vi giúp giảm căng thẳng rất hiệu quả.

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy, sau điều trị ung thư, một số bệnh nhân được áp dụng liệu pháp hành vi đã báo cáo lại rằng mức độ mệt mỏi của họ đã được giảm xuống. Bởi vậy, hướng dẫn kiểm soát căng thẳng, tư vấn về sức khỏe tinh thần đồng thời áp dụng những bài tập thư giãn phù hợp là điều rất cần thiết để vượt qua mệt mỏi do ung thư.

Bản thân bệnh ung thư đã là nguyên nhân dễ gây ra mệt mỏi cho người bệnh, cộng thêm những đau đớn về thể xác mà họ phải trải qua thì việc tìm ra biện pháp khắc phục tình trạng mệt mỏi do ung thư lại càng trở nên cần thiết. Người bệnh ung thư nên tìm đến bác sĩ điều trị của mình để chia sẻ khi:

- Cảm thấy tình trạng mệt mỏi kéo dài trên 24 giờ và thường mệt mỏi sau khi ngủ dậy.

- Dễ bị ngã, chóng mặt, không minh mẫn, mất thăng bằng.

- Cảm thấy rất khó để tỉnh giấc.

- Bị hụt hơi thường xuyên.

- Cảm thấy tình trạng mệt mỏi càng ngày càng trầm trọng.

Ngoài những chia sẻ trên đây, nếu còn bất cứ băn khoăn nào về bệnh ung thư, bạn đọc có thể liên hệ ngay tổng đài 1900 56 56 56, đội ngũ chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn kịp thời và chính xác.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.