Tin tức

Mách bạn những cách chữa đau thần kinh tọa đơn giản nhất

Ngày 31/12/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Đau dây thần kinh tọa có thể do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng thường là do tình trạng thoát vị đĩa đệm dẫn tới chèn ép rễ thần kinh tọa khiến người bệnh bị đau, tê nhức, yếu cơ,… Một số cách chữa đau thần kinh tọa như nhiệt trị liệu, siêu âm trị liệu, kéo dãn cột sống, vận động trị liệu, nắn cột sống,... dưới đây là một số cách bạn có thể tham khảo. 

1. Xoa bóp, bấm huyệt: Cách chữa đau thần kinh tọa đơn giản nhất

Đây được cho là liệu pháp chữa đau thần kinh tọa đơn giản và hiệu quả, cũng không cần dùng thuốc. Khi bị đau, bạn có thể nhờ đến các chuyên gia áp dụng các bước xoa bóp dưới đây để khắc phục tình trạng đau nhức: 

cách chữa đau thần kinh tọa

Xoa bóp giúp giảm đau thần kinh tọa hiệu quả

- Người bệnh nằm sấp sau đó sẽ được xoa vuốt theo dọc đường đi của dây thần kinh tọa, từ thắt lưng xuống mông, đùi rồi cẳng chân nhằm giãn cơ do dây thần kinh chi phối.

- Kỹ thuật viên sẽ dùng 3 ngón tay khép sát lại rồi day miết lên những khối cơ ở lưng, mông, đùi và gót chân của người bệnh. Động tác này có thể giúp thư giãn, làm mềm cơ, giảm tình trạng co cứng - nguyên nhân gây áp lực lên dây thần kinh tọa và khiến người bệnh bị đau.  

- Nắm 2 bàn tay và dùng các khớp tay để lăn đều ở vùng bị đau của người bệnh. Động tác này có tác dụng làm giảm đau nhức và tê bì cho người bệnh. 

- Úp 2 bàn tay xuống những khối cơ dọc theo dây thần kinh tọa và từ từ thực hiện các động tác bóp nắn. Mục đích của bước này là giúp lưu thông khí huyết và xoa dịu cơn đau cho người bệnh. 

- Kỹ thuật viên cần xác định một số vị trí huyệt vị và dùng ngón tay để ấn một lực vừa phải làm nóng huyệt để giảm đau, giảm áp lực cho dây thần kinh tọa và kích thích lưu thông khí huyết. 

2. Ngủ đúng tư thế cũng là cách chữa đau thần kinh tọa hiệu quả

Có thể bạn hơi bất ngờ nhưng ngủ đúng tư thế cũng là một trong những cách vô cùng hiệu quả khi điều trị tình trạng đau dây thần kinh tọa. Chính vì thế, trước khi nghĩ đến sử dụng thuốc giảm đau, bạn có thể thử điều chỉnh lại tư thế ngủ của mình để cảm nhận hiệu quả mà không cần lo về tác dụng phụ không mong muốn.

Ngủ đúng tư thế để tránh đau thần kinh tọa

Ngủ đúng tư thế để tránh đau thần kinh tọa

Dưới đây là một số tư thế nằm ngủ tốt cho bạn: 

Nằm ngửa: Tư thế này sẽ giúp bạn duy trì một đường cong tự nhiên của cột sống, giúp các bộ phận của cơ thể được thư giãn, trong đó có dây thần kinh tọa. Bạn có thể đặt một chiếc gối dưới đầu gối để dây thần kinh tọa không bị kéo căng và khiến cho giấc ngủ được sâu hơn. 

Nằm nghiêng: Nếu bị đau dây thần kinh tọa, bạn cũng có thể nằm nghiêng sang bên không bị đau, đồng thời kẹp một chiếc gối mỏng giữa 2 bên đầu gối giúp phần chân trên được nâng đỡ. 

Bên cạnh các tư thế nằm nghiêng, nằm thẳng thì người bệnh cũng cần lưu ý đến không gian của phòng ngủ. Chẳng hạn như nên ngủ trên nệm cứng. Phòng ngủ cần yên tĩnh, thoáng mát và đủ tối để giấc ngủ ngon hơn. 

3. Chườm nóng - Cách chữa đau thần kinh tọa được nhiều người áp dụng

Đây là phương pháp chữa đau dây thần kinh tọa khá nhanh và hiệu quả, hơn nữa, với cách này, bệnh nhân có thể tự thực hiện mà không cần sự trợ giúp của người khác. Chườm nóng giúp mạch máu được giãn ra và lưu thông vì thế giúp người bệnh giảm cảm giác đau nhức.  

Chườm nóng là một cách giảm đau hiệu quả

Chườm nóng là một cách giảm đau hiệu quả

Cách thực hiện như sau: Bạn chỉ cần đổ nước nóng khoảng 40 đến 45 độ C trong túi chườm, sau đó chườm lên vùng thần kinh tọa bị đau. Chườm trong khoảng 20 đến 30 phút sẽ cảm thấy giảm đau nhức rõ rệt.

4. Tắm nước ấm: Cách chữa đau thần kinh tọa không phải ai cũng biết

Tắm bằng nước ấm rất tốt và đặc biệt tốt với những người bị đau dây thần kinh tọa. Hơi nóng của nước chính là yếu tố giúp mạch máu của bạn được lưu thông dễ dàng hơn và tình trạng co thắt ở các cơ và áp lực từ đĩa đệm lên dây thần kinh cũng giảm.

Tắm nước ấm giúp cơ thể thư giãn, giảm đau

Tắm nước ấm giúp cơ thể thư giãn, giảm đau

Bạn có thể tắm trong bồn nước ấm hoặc tắm dưới vòi hoa sen với nhiệt độ nước ấm khoảng 35 đến 40 độ. Nếu kết hợp với một số loại tinh dầu như tinh dầu gừng, tinh dầu bạc hà và mát-xa khi tắm thì sẽ hiệu quả hơn nhiều. Bên cạnh việc tắm nước ấm, người bệnh cũng có thể chườm ấm để giảm đau.

5. Cách chữa đau thần kinh tọa bằng một số bài tập tại nhà

Khi những cơn đau quá nghiêm trọng thì cơ thể cần được nghỉ ngơi. Ngược lại nếu cơn đau đã thuyên giảm thì tập luyện chính là cách lâu dài để bạn điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát. Bạn có thể tham khảo một số bài tập dưới đây: 

- Đứng thẳng sát chân cầu thang, sau đó, bạn đưa 1 chân để lên nấc thang đầu tiên. Từ từ vươn người về phía trước trong khoảng 30 giây, lưu ý giữ cho cột sống lưng thẳng và hít thở sâu. Kết thúc động tác, trở về tư thế ban đầu. Sau đó đổi chân và thực hiện tương tự mỗi bên khoảng 3 lần. Tác dụng của động tác này là xoa dịu cơn đau và giải phóng áp lực cho dây thần kinh tọa. 

- Một bài tập khác như sau: Bạn nằm ngửa, chân duỗi thẳng. Cong chân trái lên, vắt chéo sang bên chân phải, mắt cá chân trái cạnh đầu gối phải. Tiếp đó, 2 tay giữ đùi trái, kéo cong người về phía trước. Giữ tư thế trong 30 giây và trở về tư thế ban đầu, tiếp đó đổi bên. Tập khoảng 10 phút mỗi ngày. 

Bên cạnh những bài tập trên, bạn có thể lựa chọn một số phương pháp tập luyện khác dưới sự tư vấn của chuyên gia chẳng hạn như yoga hay đi bộ,… Đồng thời người bệnh nên chú ý đến điều chỉnh các tư thế trong sinh hoạt hằng ngày, để bệnh không trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời lưu ý về vấn đề dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe và duy trì trọng lượng vừa phải, vóc dáng cân đối. 

Hãy gọi đến số 1900565656, các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ tư vấn chi tiết hơn cho bạn về cách chữa đau thần kinh tọa và đặt lịch khám sớm nhất cho bạn. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ