Tin tức
Mọi điều nên biết về phương pháp nội soi điều trị thoát vị bẹn
- 14/02/2022 | Những điều bạn nên biết trong quá trình điều trị thoát vị bẹn
- 16/02/2022 | Bệnh thoát vị bẹn có thể điều trị được không?
- 01/12/2023 | Phương pháp nội soi điều trị thoát vị bẹn và một số điều cần biết
1. Nhận diện bệnh thoát vị bẹn
1.1. Thoát vị bẹn là bệnh gì?
Thoát vị bẹn là tình trạng tạng bên trong bụng không nằm đúng vị trí thông thường nữa mà di chuyển qua điểm yếu của thành bụng ở vùng bẹn. Bệnh có biến chứng nguy hiểm là gây nghẹt, phù nề, hoại tử, nhiễm trùng nguy hiểm đến sự sống của người bệnh.
Mô phỏng giúp hình dung về thoát vị bẹn
1.2. Triệu chứng điển hình của bệnh thoát vị bẹn
Đại đa số bệnh nhân bị thoát vị bẹn phát hiện thấy ở bẹn có một khối to, phồng mà trước đó họ không có triệu chứng gì. Khối phồng này tăng kích thước khi đứng lâu, ho, hoặc rặn lúc đi đại tiện và thường mất khi nằm. Ngoài ra, có thể cảm thấy đau tức khi ho, tập thể dục hoặc cúi xuống; cảm giác nóng ran, đau nhói, cảm giác nặng hoặc đầy ở bẹn; sưng bìu ở nam giới,...
2. Vì sao cần phẫu thuật thoát vị bẹn?
Biến chứng của thoát vị bẹn là gây nghẹt tức là tạng thoát vị không thể chui trở lại vào ổ bụng, gây phù nề dẫn tới thiếu máu nuôi, hoại tử và nhiễm trùng. Nếu tạng thoát vị là ruột thì có thể gây tắc ruột, biểu hiện bởi các triệu chứng như buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, không đánh hơi và đi cầu được. Nếu không mổ kịp thời trong vòng 4-6 tiếng sau khi khởi phát thì ruột có thể hoại tử, gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân.
Bệnh thoát vị bẹn không có khả năng tự khỏi. Vì thế, phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn từ sớm là cách tốt nhất để tăng hiệu quả gia cố tạng, giảm tái phát và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Không điều trị thoát vị bẹn sớm người bệnh có thể bị đau đớn dữ dội, hoại tử ruột
3. Phương pháp nội soi điều trị thoát vị bẹn: đối tượng, ưu điểm và quy trình
3.1. Đối tượng cần mổ nội soi thoát vị bẹn
Phương pháp nội soi điều trị thoát vị bẹn được thực hiện khi khối thoát vị bẹn khiến người bệnh bị đau đớn, cản trở cuộc sống thường ngày, bị thoát vị nghẹt hoặc thoát vị kẹt.
Để thực hiện phương pháp này, người bệnh cần gây mê toàn thân sau đó bác sĩ tiến hành rạch một đường nhỏ ở bụng để đặt trocar, bơm khí CO2 tạo khoang, phân tích lỗ thoát vị và đặt lưới giúp tăng khả năng bảo vệ cho thành bụng.
3.2. Ưu điểm của nội soi thoát vị bẹn
- Dễ dàng nhìn thấy mạch máu đi nuôi tinh hoàn và ống dẫn tinh nên quá trình phẫu thuật không lo gây teo tinh hoàn, tắc ống dẫn tinh.
- Có thể khâu lại ống phúc tinh mạc trong trường hợp thoát vị bẹn ở trẻ em mà không ảnh hưởng đến bộ phận xung quanh.
- Quá trình nội soi có thể đánh giá được ống phúc tinh mạc ở bên đối diện nên không xảy ra tình trạng bỏ sót thoát vị bên đối diện.
- Thời gian tiến hành phẫu thuật và nằm viện ngắn. Thông thường, người bệnh có thể xuất viện sau khi mổ 1 - 2 ngày.
- Sau phẫu thuật 3 - 5 giờ người bệnh đã hồi phục và có thể vận động nhẹ sau 1 - 2 tuần.
- Giảm thiểu tối đa tái phát.
- Ít đau, có tính thẩm mỹ cao.
Phương pháp nội soi điều trị thoát vị bẹn cần thực hiện tại cơ sở y tế uy tín để đảm bảo yếu tố hiệu quả và an toàn
3.3. Rủi ro tiềm ẩn từ phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn
Nội soi điều trị thoát vị bẹn vẫn là hình thức phẫu thuật nên vẫn tiềm ẩn một vài rủi ro như: nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu, phản ứng phụ với thuốc gây mê, đau kéo dài,... Rủi ro này sẽ tăng nguy cơ với trường hợp người bệnh bị khó thở, mắc bệnh tim, tuổi trên 50,...
Tuy nhiên, so với những nguy cơ biến chứng do không tiến hành phẫu thuật kịp thời thì rủi ro này không đáng kể. Chưa kể đến, trước khi thực hiện phương pháp nội soi điều trị thoát vị bẹn, người bệnh đã trải qua quá trình thăm khám, xét nghiệm đánh giá sức khỏe. Từ quá trình này, bác sĩ đã đánh giá được nguy cơ và có phương án xử trí nên các rủi ro có thể xảy ra đã được giảm về mức tối đa.
3.4. Quy trình mổ nội soi điều trị thoát vị bẹn
Để tiến hành nội soi thoát vị bẹn, một quy trình gồm các bước sau sẽ được diễn ra nghiêm túc và chuẩn chỉnh:
- Bước 1: gây mê toàn thân cho người bệnh để không có cảm giác đau trong thời gian phẫu thuật.
- Bước 2: rạch 3 vết nhỏ ở gần vị trí khối thoát vị rồi luồn ống nội soi có đèn sáng, camera và các dụng cụ cần thiết vào bên trong. Điều này giúp bác sĩ quan sát được toàn bộ hình ảnh tại khu vực thoát vị qua màn hình máy tính.
- Bước 3: thực hiện đẩy tạng sa trở lại vị trí ban đầu và đóng khối thoát vị lại.
- Bước 4: đặt lưới nhân tạo vào thành bụng rồi rút toàn bộ dụng cụ, ống nội soi ra ngoài.
- Bước 5: khâu vết rạch và đưa người bệnh về theo dõi tại phòng hồi sức.
Để tránh được các rủi ro tiềm ẩn do phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn, người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán đúng và điều trị bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn giỏi; hệ thống máy móc hiện đại; phòng mổ vô trùng tuyệt đối,... Những yếu tố này chỉ được hội tụ đầy đủ ở cơ sở y tế chất lượng, uy tín.
Mong rằng những thông tin được chia sẻ đã giúp quý khách hàng có được hình dung sơ bộ về phương pháp nội soi điều trị thoát vị bẹn. Nếu đang nghi ngờ triệu chứng bệnh, quý khách có thể đặt lịch khám nhanh chóng cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để được tiến hành các kiểm tra giúp chẩn đoán đúng, điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!