Tin tức

Một số loại thuốc chữa viêm đường tiết niệu cho hiệu quả tốt

Ngày 26/12/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Viêm đường tiết niệu có thể xảy ra ở cả nam và nữ, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sức khỏe. Một trong những cách điều trị được áp dụng nhiều là dùng thuốc. Vậy có những loại thuốc chữa viêm đường tiết niệu nào, cách sử dụng ra sao?

1. Tìm hiểu về bệnh lý viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu là một dạng bệnh lý nhiễm trùng thường gặp, trong đó vi khuẩn E.coli được cho là tác nhân chính gây bệnh. Chúng thường tấn công vào cơ thể của bệnh nhân qua hậu môn, trực tràng rồi trú ngụ tại niệu đạo, niệu quản, bàng quang và gây tình trạng viêm nhiễm.

Viêm đường tiết niệu có thể gây ra những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại

Viêm đường tiết niệu có thể gây ra những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại

Căn bệnh này xuất hiện ở cả nam và nữ giới, trong đó nữ giới mắc bệnh nhiều hơn. Bởi vì, cấu tạo hệ tiết niệu của phái nữ khá đặc biệt, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây tổn thương đường tiết niệu.

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh viêm đường tiết niệu là: tiểu rắt, tiểu buốt, thậm chí nhiều bệnh nhân đối mặt với tình trạng tiểu tiện lẫn máu. Ngoài ra, chúng ta nên chú ý tới màu sắc nước tiểu để phát hiện tình trạng viêm đường tiết niệu. Ở bệnh nhân nam, nước tiểu có xu hướng chuyển màu vàng đục, có lẫn máu hoặc mủ, kèm mùi hôi khó chịu. Đối với bệnh nhân nữ, nước tiểu cũng có mùi hôi nồng bất thường, màu đục.

Căn bệnh này khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng tới tâm lý. Đáng lo ngại hơn khi người bệnh không theo dõi và điều trị dứt điểm tình trạng viêm đường tiết niệu thì bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm.

Để điều trị bệnh, chúng ta bắt buộc phải sử dụng thuốc chữa viêm đường tiết niệu theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu chủ quan, uống thuốc không đủ liều lượng, bệnh có nguy cơ tái phát rất cao.

Bệnh nhân gặp khó khăn khi đi tiểu tiện hàng ngày

Bệnh nhân gặp khó khăn khi đi tiểu tiện hàng ngày

2. Nguyên tắc sử dụng thuốc chữa viêm đường tiết niệu

Trước khi tìm hiểu cụ thể về các loại thuốc chữa viêm đường tiết niệu, bệnh nhân cần nắm được một số nguyên tắc điều trị với thuốc. Đối với bệnh lý này, bác sĩ thường kê kháng sinh vì đây là thuốc giúp điều trị viêm hiệu quả cao. Tuy nhiên, kháng sinh được dùng sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và thể trạng của người bệnh. Đồng thời, việc lựa chọn kháng sinh còn dựa theo khả năng đề kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh.

Thuốc kháng sinh thường được chỉ định dùng trong vòng 5 - 7 ngày. Nếu các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm, bệnh nhân thông báo với bác sĩ để điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.

Bên cạnh kháng sinh, bệnh nhân viêm đường tiết niệu còn được chỉ định dùng kết hợp các loại thuốc có tính sát trùng trên đường tiết niệu để tăng hiệu quả điều trị.

Sử dụng thuốc chữa viêm đường tiết niệu, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề

Sử dụng thuốc chữa viêm đường tiết niệu, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề

3. Các loại thuốc kháng sinh chữa viêm đường tiết niệu thường dùng

3.1. Kháng sinh dẫn xuất Sulfamid

Nhóm kháng sinh dẫn xuất Sulfamid giúp ngăn ngừa quá trình tổng hợp acid folic của vi khuẩn gây bệnh, đồng thời hạn chế dihydrofolat synthetase và enzym tham gia vào quá trình này. Hiện nay, kháng sinh dẫn xuất Sulfamid được chia thành 4 loại dựa vào khả năng hấp thu và thải trừ, đó là:

  • Loại thuốc có khả năng hấp thu và thải trừ nhanh.
  • Loại thuốc hấp thu ít.
  • Loại thuốc thải trừ chậm.
  • Loại thuốc dùng tại chỗ.

Bệnh nhân viêm đường tiết niệu thường được chỉ định dùng loại thuốc có khả năng hấp thu và thải trừ nhanh. Lưu ý thuốc kháng sinh dẫn xuất Sulfamid có khả năng gây kháng thuốc tương đối cao, do đó bệnh nhân phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Các trường hợp có tiền sử tiểu đường phụ thuộc insulin, bệnh nhân suy gan, suy thận, phụ nữ đang mang thai, cho con bú và trẻ nhỏ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Tốt nhất những đối tượng nêu trên không nên dùng thuốc kháng sinh dẫn xuất Sulfamid trong điều trị viêm đường tiết niệu để tránh biến chứng xấu xảy ra.

Đặc biệt, nhóm thuốc này có thể gây một số tác dụng phụ tới hệ tiêu hóa, thận, da, gan,… Khi sử dụng, bệnh nhân nên chú ý theo dõi các biểu hiện bất thường và thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh thuốc.

Kháng sinh dẫn xuất Sulfamid thường dùng trong điều trị viêm đường tiết niệu

Kháng sinh dẫn xuất Sulfamid thường dùng trong điều trị viêm đường tiết niệu

3.2. Kháng sinh dẫn xuất Cephalosporin

Nhóm kháng sinh dẫn xuất Cephalosporin là một trong những thuốc chữa viêm đường tiết niệu cực kỳ hiệu quả. Đây là loại kháng sinh phổ rộng được nghiên cứu và sản xuất dựa trên phương pháp bán tổng hợp. Thuốc hỗ trợ ức chế quá trình tổng hợp của tế bào vi khuẩn, từ đó loại bỏ hoàn toàn các tác nhân gây viêm đường tiết niệu. Đặc biệt, nhóm thuốc kháng sinh dẫn xuất Cephalosporin có thể sử dụng cả đường uống và đường tiêm, tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ.

Liều sử dụng nhóm thuốc kháng sinh dẫn xuất Cephalosporin có gây tác dụng phụ hay không? Thực tế, một số bệnh nhân có thể gặp phản ứng phụ ngoài da, ví dụ như nổi mề đay hoặc phát ban. Ngoài ra, nhiều người đối mặt với tác dụng phụ của thuốc về tiêu hóa, cụ thể là tiêu chảy, nôn mửa; tác dụng phụ liên quan tới máu, đó là tình trạng giảm tiểu cầu, bạch cầu, thiếu máu…

Nếu bạn có tiền sử mẫn cảm, dị ứng với nhóm thuốc Penicillin, hãy chủ động thông báo để bác sĩ nắm được tình hình và cân nhắc xem bạn có thể dùng các loại thuốc kháng sinh dẫn xuất Cephalosporin hay không.

3.3. Kháng sinh dẫn xuất Quinolon

Nhắc tới thuốc chữa viêm đường tiết niệu, chúng ta không thể bỏ qua nhóm kháng sinh dẫn xuất Quinolon. Nhóm kháng sinh này được chia thành 4 thế hệ, trong đó các loại thuốc kháng sinh dẫn xuất Quinolon thế 1 chuyên dùng để điều trị tình trạng viêm đường tiết niệu. Đa phần bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc đường uống, một số ít sẽ tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đau đầu, chóng mặt là tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp khi dùng kháng sinh dẫn xuất Quinolon

Đau đầu, chóng mặt là tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp khi dùng kháng sinh dẫn xuất Quinolon

Thuốc kháng sinh dẫn xuất Quinolon chống chỉ định cho bệnh nhân gặp vấn đề liên quan tới hệ thần kinh trung ương, người thường xuyên uống rượu bia, phụ nữ đang có thai, trẻ dưới 16 tuổi và bệnh nhân đang điều trị với glucocorticoid.

Khi sử dụng nhóm thuốc kháng sinh Quinolon, bệnh nhân có thể gặp một vài tác dụng phụ ngoài ý muốn, ví dụ như: chóng mặt, buồn nôn, hay bị đau nhức đầu và nhạy cảm với ánh sáng. Bên cạnh đó, người bệnh còn bị tiêu chảy, đau rát thượng vị, có dấu hiệu sưng khớp, da nổi mẩn và ngứa ngáy… Nếu cảm thấy có các dấu hiệu bất thường sau khi uống thuốc, người bệnh cần thông báo với bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Với những chia sẻ trên, chắc hẳn các bạn đã nắm được một số loại thuốc chữa viêm đường tiết niệu. Đa phần thuốc điều trị bệnh viêm đường tiết niệu đều là kháng sinh, bệnh nhân nên chú ý tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế các tác dụng phụ ngoài ý muốn xảy ra. Tốt nhất, bạn nên đi thăm khám tại cơ sở y tế uy tín như chuyên khoa Tiết niệu thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được kiểm tra kỹ và điều trị phù hợp. Nếu có nhu cầu đặt lịch khám, Quý khách hãy liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.