Tin tức

Nấm độc là gì? Có những loại nấm độc nào?

Ngày 31/03/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Số ca ngộ độc nấm thường ít hơn so với ngộ độc các loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ngộ độc nấm lại rất cao. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn nấm độc là gì, có những loại nào và làm sao để phòng tránh tối đa nguy cơ bị ngộ độc nấm?

1. Nấm độc là gì và một số loại nấm độc ở Việt Nam

Về thắc mắc “nấm độc là gì”, các chuyên gia giải thích như sau nấm độc là những loại nấm mà khi ăn vào, khiến cơ thể bị ngộ độc và gây nguy hiểm đến tính mạng. Dưới đây là một số loại nấm độc thường gặp ở Việt Nam:

- Nấm độc tán trắng: Loại nấm này có chứa các amanitin, mang độc tính rất cao, có thể mọc đơn hoặc mọc theo cụm trong rừng. Đặc điểm của loại nấm này như sau:

+ Phần mũ nấm thường bóng nhẵn, màu trắng và dính chặt vào cuống nấm. Khi còn non, mũ nấm có hình trứng nhưng khi cây nấm trưởng thành mũ nấm sẽ trở nên phẳng hơn và đường kính mũ khoảng 5 đến 10 cm. Khi cây nấm già đi, phần mép của mũ nấm sẽ cụp xuống.

+ Phiến nấm có màu trắng.

+ Phần cuống nấm phình dạng củ và có màu trắng. Bao gốc có hình đài hoa.

+ Thịt nấm cũng có màu trắng, rất mềm và có mùi thơm nhẹ.

- Nấm độc trắng hình nón: Đây cũng là loại nấm có độc tính khá cao. Đặc điểm của nó gần giống so với loại nấm độc tán trắng nêu trên. Tuy nhiên phần thịt nấm thường có mùi khó chịu.

Nấm độc trắng hình nón

Nấm độc trắng hình nón

- Nấm mũ khía nâu xám: Độc tố có trong loại nấm này là muscarin. Nấm mũ khía nâu xám có thể mọc ở nhiều nơi như rừng hoặc những khu vực có nhiều lá cây mục nát.

Dưới đây là một số đặc điểm của nấm:

+ Mũ nấm có hình nón hoặc hình chuông có đường kính từ 2 đến khoảng 8cm. Từ đỉnh xuống phần mép của mũ sẽ có những sợi tơ màu vàng đến màu nâu. Ở những cây nấm già, phần mép mũ nấm sẽ xẻ thành nhiều tia riêng rẽ.

+ Phiến nấm: Khi còn non, phiến nấm có màu hơi trắng đồng thời dính chắc vào cuống nấm. Tuy nhiên, đến khi cây nấm già, phiến nấm sẽ chuyển thành màu xám hay nâu và bị tách khỏi cuống nấm.

+ Phần cuống nấm sẽ có màu trắng đến màu nâu và phần thịt nấm thường có màu trắng.

- Nấm ô tán trắng phiến xanh: Loại nấm này thường có độc tố thấp hơn so với những loại nấm độc khác. Thông thường, chất độc trong nấm chỉ gây rối loạn tiêu hóa. Nấm ô tán trắng phiến xanh thường mọc ở một số vị trí như trên bãi cỏ, ven chuồng trâu, ruộng ngô,…

Nấm ô tán trắng phiến xanh

Nấm ô tán trắng phiến xanh

Một số đặc điểm của nấm ô tán trắng phiến xanh như sau:

+ Mũ nấm: Khi còn non, mũ nấm thường có màu vàng nhạt, hình bán cầu dài. Ở những cây nấm trưởng thành thì mũ nấm lại có màu trắng và thường phẳng hoặc có hình ô.

+ Phiến nấm: Khi còn non, phiến nấm sẽ có màu trắng. Đến khi trưởng thành, phiến nấm sẽ đổi thành màu xanh.

+ Cuống nấm: Độ dài của cuống nấm thường là 10 đến 30 cm và có màu trắng, xám hoặc nâu.

+ Phần thịt nấm có màu trắng.

2. Lưu ý để tránh bị ngộ độc nấm

Để tránh bị ngộ độc nấm, bạn cần lưu ý những điều sau:

- Phân biệt nấm thường và nấm độc: Để có thể phân biệt chính xác nấm độc và nấm thường, cần phải có nhiều kinh nghiệm và cần có đầy đủ cơ sở nghiên cứu. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ ăn phải nấm độc, bạn nên lưu ý:

+ Không nên ăn các loại nấm có màu sặc sỡ.

+ Không ăn các loại nấm có mùi hắc hoặc một số mùi bất thường.

Không nên ăn nấm mọc hoang

Không nên ăn nấm mọc hoang

+ Không nên ăn nấm quá non hoặc quá già. Khi nấm quá non, nấm sẽ chưa xòe hết mũ do đó chưa thể nhận biết rõ được đặc điểm cấu tạo của nó và chưa thể xác định xem nấm có độc hay không.

+ Những cây nấm đã bị chảy sữa cũng không nên ăn.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có rất nhiều trường hợp ngoại lệ, tuy là nấm độc nhưng hình dáng và màu sắc lại không có sự khác biệt lớn so với nấm thường và việc nhận biết nấm độc sẽ rất khó khăn. Chính vì thế, chuyên gia khuyên rằng, nếu không có đủ kiến thức và kinh nghiệm phân biệt thì hãy mặc định tất cả các loại nấm trong rừng đều là nấm độc và tuyệt đối không ăn. Chỉ ăn nấm khi biết chắc chắn đó là loại nấm lành.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý, có một số loại nấm không có tính độc nhưng vì mọc ở những nơi ô nhiễm hay ở những tầng đất bên dưới có chứa chất độc hại, đặc biệt là phốt pho thì cũng có thể gây ngộ độc nấm, rất nguy hiểm.

Nấu chín nấm để tránh ngộ độc

Nấu chín nấm để tránh ngộ độc

- Lưu ý khi chế biến nấm:

+ Khi nấm còn tươi thì nên chế biến ngay. Tránh ăn nấm đã bị ôi thiu, dập nát vì lúc này, nấm có thể hình thành độc tố và gây ngộ độc cho người tiêu thụ nó.

+ Khi chế biến nấm thì cần đảm bảo đun chín kỹ, tránh để nấm sống dính vào đồ ăn đã được nấu chín.

+ Nếu đã ăn nấm thì tốt nhất không nên uống rượu. Nguyên nhân vì một số thành phần trong nấm có thể gây phản ứng hóa học với rượu và gây ngộ độc.

Cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế nếu có biểu hiện bất thường sau khi ăn nấm

Cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế nếu có biểu hiện bất thường sau khi ăn nấm

Trong trường hợp không may bị ngộ độc nấm, cần xử trí theo hướng dẫn dưới đây:

+ Nếu thấy người bệnh có một số biểu hiện nghi ngờ ngộ độc nấm như đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu, đi ngoài nhiều lần, cơ thể mệt mỏi,… cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Không chỉ có người có triệu chứng bất thường mà ngay cả người cùng ăn loại nấm đó và chưa xuất hiện những dấu hiệu lạ cũng cần đưa đến cơ ở y tế. Lưu ý khi đến bệnh viện, cần mang theo mẫu nấm hay món ăn được chế biến từ loại nấm đó để bác sĩ xác định loại nấm, phục vụ cho quá trình điều trị.

+ Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ thực hiện rửa dạ dày hoặc cho người bệnh uống than hoạt tính sớm.

+ Nếu người bệnh xuất hiện các biểu hiện ngộ độc nấm hơn 6 tiếng tính từ lúc ăn nấm thì nên đưa người bệnh đến các bệnh viện tuyến trên để có thể tiến hành lọc máu, cấp cứu, bảo vệ tính mạng cho người bệnh.

Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “nấm độc là gì”. Chuyên gia khuyên bạn không nên tự hái và ăn nấm bên ngoài. Tốt nhất hãy mua nấm tại những cửa hàng uy tín để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc nấm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.