Tin tức

Nam sinh 15 tuổi mắc Gút mà không hề hay biết

Ngày 17/01/2025
Ban Biên tập
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trịnh Thị Nga
Hệ thống Y tế MEDLATEC tiếp nhận nam học sinh, 17 tuổi đến khám do đau âm ỉ bàn ngón 1 chân trái nhiều đợt trong 2 năm thì được chẩn đoán đợt cấp Gout (Gút) mạn. Từ ca bệnh, chuyên gia Cơ xương khớp đưa ra một số lưu ý người dân cần biết để tránh bỏ sót, hoặc làm bệnh trầm trọng hơn.

Lần đầu đi khám phát hiện mắc bệnh Gút mạn

Nam học sinh L.M.H (nam, 17 tuổi, ở Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khám do đau khớp bàn ngón 1 chân trái thì được chẩn đoán đợt cấp Gút mạn. Sau 1 tuần điều trị, nam học sinh hết đau.

Bố mẹ cháu H. chia sẻ, 2 năm nay xuất hiện nhiều đợt đau âm ỉ bàn ngón 1 chân trái, đau khi đi lại vận động, tự hết sau 3-5 ngày. Đợt này, cách vào viện 2 ngày, đau khớp bàn ngón 1 chân trái nhiều, sưng nóng, đau liên tục, tăng khi vận động, đôi khi đau về đêm, không có tiền sử chấn thương, không đau cột sống và các khớp khác, chưa điều trị thuốc nên đi khám.

Về tiền sử bản thân và gia đình, bố mẹ cho biết, cháu H., từng mắc Tứ chứng Fallot - bệnh tim bẩm sinh tim thường gặp nhất đã phẫu thuật hơn 15 năm nên có khám chuyên khoa Tim mạch định kỳ, dị ứng thuốc kháng sinh (Ceftriaxone). Phía gia đình có ông ngoại bị bệnh Gút.

ThS.BSNT. Trịnh Thị Nga - Trưởng Chuyên khoa Cơ xương khớp, Hệ thống Y tế MEDLATEC cho biết: Khi khám, khớp bàn ngón chân cái chân trái của người bệnh sưng nóng, không đỏ, ấn đau cạnh khớp, hạn chế vận động chủ động do đau, không phát hiện hạt tophi trên lâm sàng. Trước chẩn đoán sơ bộ theo dõi Gút (hiện Bộ Y tế đã thống nhất danh pháp bệnh Gút, không gọi là Gout), bệnh nhân được tư vấn chẩn đoán chuyên sâu về xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh (Chụp cắt lớp vi tính năng lượng kép khớp bàn ngón chân, siêu âm khớp bàn ngón chân).

Hình ảnh lắng đọng tinh thể urate dạng đám tại khớp bàn ngón 1 chân trái trên phim chụp CT năng lượng kép

Kết quả đáng lưu ý có xét nghiệm Bilan viêm tăng (BC: 14.42G/L, CRP: 13.47 mg/L), Acid uric máu tăng cao: 543.22 µmol/L, có hình ảnh lắng đọng tinh thể urate dạng đám tại khớp bàn ngón 1 chân trái trên phim chụp cắt lớp vi tính (CT) năng lượng kép. Vì vậy, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đợt cấp Gút mạn nên thêm hình ảnh chụp CT và siêu âm của bệnh nhân.

Bác sĩ Nga cho biết: “Cách đây 2 năm cháu H., đã từng xuất hiện các triệu chứng tương tự như lần này, do không khám và không đi kiểm tra, nên không biết mắc Gút. Tức thời điểm mắc Gút khi cháu H., mới có 15 tuổi. Đến lần nay, khi bệnh nhân đau nhiều mới đi khám chẩn đoán và điều trị bệnh”.

Hồi cứu sau 1 tuần điều trị, gia đình cho biết cháu H., hết đau khớp bàn ngón 1 chân trái.

Những hiểu lầm dễ gặp về bệnh Gút

Bệnh Gút hay còn gọi thống phong, là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc axit uric từ trong máu. Axit uric thường vô hại và được hình thành trong cơ thể, sau đó sẽ được đào thải qua nước tiểu và phân. Với người bị bệnh Gút, lượng axit uric trong máu được tích tụ qua thời gian. Khi nồng độ này quá cao, những tinh thể nhỏ của axit uric được hình thành. Những tinh thể này tập trung lại ở khớp và gây viêm, sưng và đau đớn cho bệnh nhân.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh Gút như chế độ ăn uống nhiều đạm và hải sản, tuổi tác và giới tính, uống nhiều bia rượu trong thời gian dài, béo phì, gia đình có người bị bệnh Gút.

Từng được mệnh danh là “bệnh nhà giàu” nên không ít trường hợp chủ quan, trường hợp của học sinh H., là một dẫn chứng.

“Cháu H., có chế độ ăn uống bình thường, thể trạng thấp bé (do mắc bệnh lý tim bẩm sinh), trẻ tuổi nên khi xuất hiện dấu hiệu bất thường gia đình vẫn chủ quan nghĩ do thay đổi thời tiết gây nên. Tuy nhiên, do cháu H. mắc tim bẩm sinh có tím nên có nguy cơ mắc bệnh Gút và tăng acid uric cao hơn, lại thêm yếu tố di truyền là ông ngoại mắc Gút. Vì vậy, cháu H., cần được khám, kiểm tra định kỳ 3-6 tháng để kiểm soát bệnh Gút tốt nhất”, bác sĩ Nga lưu ý.

Mặc dù là bệnh lành tính, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể trở nên trầm trọng như u cục tophi, tổn thương khớp, sỏi thận... Đặc biệt, người trẻ mắc Gút có thể các bệnh lý về tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo thường, bệnh thận mạn tính...

Theo bác sĩ Nga, khi xuất hiện dấu hiệu đau như khớp đau đột ngột, dữ dội, sưng tấy, sưng đỏ, vùng xung quanh khớp ấm lên... hầu hết các dấu hiệu này thường kéo dài vài giờ trong 1-2 ngày, để phát hiện bệnh kịp thời người dân cần đi khám ngay. Từ kết quả khám, bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh tránh bệnh tiến triển biến trầm trọng, gây hậu quả và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Gút được chẩn đoán thế nào?

Tiêu chuẩn chẩn đoán Gút theo ACR/EULAR 2015: Chẩn đoán xác định khi tìm thấy tinh thể urat trong dịch khớp hay trong các hạt tô phi (tiêu chuẩn vàng) hoặc đạt ≥ 8/23 điểm.

Bệnh Gút có đặc điểm viêm một hoặc vài khớp bàn ngón chân cái

Trường hợp của bệnh nhân này, theo bác sĩ Nga, bệnh nhân có tổng điểm: 11 điểm nên đủ tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Gút, gồm:

  • Đặc điểm của viêm một hoặc vài khớp: Khớp bàn ngón chân cái (2 điểm);
  • Tính chất đợt viêm cấp (đỏ khớp, ấn vào khớp viêm có điểm đau, khó khăn khi đi lại hoặc vận động khớp): Có 2/3 điểm (2 điểm);
  • Xét nghiệm acid uric máu: Kết quả 480 -<600 mmol/l (3 điểm);
  • Chụp căt lớp vi tính năng lượng khép (CT-scanner): Bắt màu urat đặc biệt: Chỉ cần 1 trong 3 hình ảnh (4 điểm).

Bệnh Gút di truyền, các thành viên nên kiểm soát thế nào?

Gút là một loại viêm khớp phổ biến và gây đau đớn do tăng acid uric trong máu. Bệnh Gút là bệnh đa nhân tố, có sự đóng góp của cả yếu tố về di truyền và môi trường.

Xét nghiệm - Chỉ số quan trọng để kiểm soát bệnh Gút

Chia sẻ nguyên nhân gây Gút do di truyền, Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Trần Hiền - Chuyên khoa Y sinh học di truyền, Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC cho biết: Hầu hết các gen liên quan đến mức độ acid uric trong máu, hoặc bệnh Gút đều tham gia vào hệ thống vận chuyển urat ở thận. Ví dụ, các gen vận chuyển urat như SLC2A9, ABCG2 và SLC22A12 điều chỉnh mức acid uric trong huyết thanh và nguy cơ mắc bệnh Gút. Tuy nhiên, mối liên quan giữa sự biến đổi trong mức acid uric máu và các biến thể di truyền là nhỏ, tính hữu dụng lâm sàng của các xét nghiệm gen trong dự đoán nguy cơ Gút thường bị hạn chế, trong khi nồng độ acid uric máu có khả năng dự đoán tốt hơn nguy cơ phát triển bệnh Gút.

Để phòng ngừa mắc Gút, người dân nên xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh giảm thiểu nguy cơ tích tụ axit uric, các đợt viêm Gút cấp bằng cách uống nhiều nước, hạn chế bia rượu, duy trì cân nặng hợp lý, không ăn quá nhiều thực phẩm giàu nhiều chất dinh dưỡng và thực hiện khám sức khỏe định kỳ.

Là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia, đầu tư đồng bộ phương tiện chẩn đoán hiện đại, tự động của Trung tâm Xét nghiệm, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao... Bởi vậy, trong suốt 30 năm qua, Hệ thống y tế MEDLATEC luôn là cơ sở y tế uy tín được người dân lựa chọn cho thăm khám, kiểm tra sức khỏe bệnh bệnh lý đa chuyên khoa nói chung và bệnh lý cơ xương khớp nói riêng.

Để được hỗ trợ tư vấn, hoặc đặt lịch khám, người dân vui lòng gọi tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ