Tin tức

Nguyên nhân dẫn đến chảy máu chân răng và cách xử trí hiệu quả

Ngày 09/11/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Chảy máu chân răng cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm. Chính vì thế, bạn tuyệt đối không được chủ quan với tình trạng này. Cần tìm ra nguyên nhân để biết cách xử trí phù hợp. 

1. Những lý do khiến bạn bị chảy máu chân răng 

Chảy máu chân răng xuất hiện khi vệ sinh răng miệng. Đó là khi phần lợi, nướu bỗng nhiên bị chảy máu và có thể kèm theo một số biểu hiện khác như sưng nướu và hôi miệng, đau răng,…

Chảy máu ở chân răng có thể do nhiều lý do khác nhau

Chảy máu ở chân răng có thể do nhiều lý do khác nhau

Dưới đây là một số nguyên nhân cụ thể khiến bạn bị chảy máu ở chân răng: 

- Viêm nha chu: Nha chu là bộ phận có tác dụng chống đỡ răng. Do đó, nếu bộ phận này bị viêm, bị tổn thương thì răng sẽ dễ bị lung lay, đồng thời kèm theo tình trạng chảy máu từ chân răng. Nguy hiểm hơn là người bệnh có thể phải đối mặt với tình trạng mất răng nếu không được điều trị sớm. 

- Viêm nướu: Tác dụng của nướu(lợi) chính là giữ chắc và bảo vệ răng. Trong trường hợp bạn vệ sinh răng sai cách hoặc không giữ gìn vệ sinh răng miệng mỗi ngày thì những mảng bám sẽ xuất hiện và làm tăng nguy cơ viêm nướu. Triệu chứng thường gặp nhất của viêm nướu là chảy máu chân răng. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như hôi miệng, sưng và đỏ nướu. 

Viêm nướu khiến chân răng chảy máu

Viêm nướu khiến chân răng chảy máu

- Áp xe chân răng: Tình trạng viêm hốc răng nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới vỡ răng, thủng răng khiến vi khuẩn xâm nhập vào chân răng và gây ra những ổ mủ, áp xe. Trong đó, biểu hiện của bệnh thường gặp nhất là chảy máu ở vùng chân răng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng bị đau nhức răng, sưng mặt, thậm chí là sốt. 

- Ngoài nguyên nhân do các bệnh về răng miệng, tình trạng chảy máu chân răng còn có thể do một số nguyên nhân khác như sau: 

+ Thiếu hụt vitamin, suy dinh dưỡng cũng là nguyên nhân phổ biến. Kèm theo đó, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác như buồn ngủ, đau nhức xương,…

+ Do thuốc: Một số bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bệnh bằng một số loại thuốc chống đông máu. Một trong những tác dụng phụ mà loại thuốc này có thể mang lại là tình trạng chảy máu chân răng.

+ Nội tiết tố thay đổi: Chị em đang trong giai đoạn mang thai, dậy thì hay tiền mãn kinh hoặc sử dụng thuốc tránh thai sẽ có một sự thay đổi lớn về nội tiết tố và đây cũng chính là nguyên nhân có thể gây ra tình trạng chảy máu chân răng. 

+ Do sốt xuất huyết: Nếu thấy bệnh nhân bị chảy máu chân răng, người nhà không nên chủ quan vì đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh đang diễn biến xấu. Cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh nguy hiểm đến tính mạng. 

+ Ung thư miệng: Ngoài chảy máu chân răng, người bệnh mắc ung thư miệng còn có thể gặp phải một số triệu chứng bất thường khác như khó nuốt, khó nhai, chảy máu chân răng và hôi miệng, nổi hạch,…

+ Ngoài ra, chảy máu chân răng còn có thể do một số yếu tố khác gây ra như thiếu máu, ung thư vú,…

2. Phải làm thế nào khi bị chảy máu chân răng?

Nếu thường xuyên bị chảy máu chân răng, việc đầu tiên mà người bệnh cần làm đó là tới các cơ sở y tế Chuyên khoa Răng Hàm Mặt để được thăm khám, xác định nguyên nhân và được điều trị kịp thời theo phương pháp tốt nhất. 

Vệ sinh răng đúng cách để cải thiện tình trạng chảy máu

Vệ sinh răng đúng cách để cải thiện tình trạng chảy máu

- Nếu chảy máu chân răng là do tình trạng vệ sinh răng miệng sai cách, bạn nên điều chỉnh lại thói quen vệ sinh răng miệng của mình: 

+ Nên đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày. Đồng thời cần lựa chọn loại bàn chải mềm mại để tránh gây tổn thương đến lợi. Thường xuyên thay bàn chải (khoảng 3 tháng thay một lần). 

+ Khi đánh răng, cần lưu ý, đánh dọc theo chân răng, không nên đánh ngang hoặc chà xát mạnh để tránh gây tổn thương niêm mạc. 

+ Lưu ý đi lấy cao răng định kỳ vì cao răng cũng chính là nguyên nhân gây viêm lợi và chảy máu chân răng. 

+ Sau khi ăn, bạn nên súc miệng ngay, thay vì dùng tăm hay dùng chỉ nha khoa để có thể loại bỏ được những mẩu vụn thức ăn nhỏ nhất. 

- Nếu nguyên nhân chảy máu ở chân răng là do thiếu dinh dưỡng thì nên bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là vitamin C và vitamin K. Vitamin C có nhiều trong cam, bưởi, ổi,… Một số loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin K có thể kể đến như củ cải, chuối,… Ngoài ra, nên bổ sung Canxi, Magie,… để tăng cường sức khỏe răng miệng đồng thời chống phản ứng viêm. Bên cạnh đó, bạn nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để loại bỏ các mảng bám trên răng tốt hơn. 

Nên đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn điều trị

Nên đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn điều trị

- Ngừng hút thuốc là cũng là yếu tố quan trọng để góp phần cải thiện sức khỏe răng miệng, giúp răng tránh khỏi tình trạng xỉn màu và giúp cho hơi thở trở nên thơm mát. Bên cạnh đó, loại bỏ thuốc lá còn giúp bạn tránh được nguy cơ mắc phải một số bệnh lý nguy hiểm, trong đó bao gồm cả ung thư. 

- Dùng thuốc điều trị: Tùy theo từng trường hợp các bác sĩ sẽ kê một số đơn thuốc chữa viêm và ngăn ngừa tình trạng chảy máu. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần được lấy cao răng để khôi phục lại nướu và phòng bệnh trong tương lai. Ngoài ra bệnh nhân cũng cần kết hợp với thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể để ngăn ngừa bệnh tái phát. 

Trong trường hợp chảy máu chân răng là do những bệnh lý khác, người bệnh cần điều trị bệnh lý mới có thể điều trị triệt để được tình trạng này. Lời khuyên cho bạn là nên đi khám để được các bác sĩ xác định và điều trị kịp thời, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm. 

Để được giải đáp mọi thắc mắc về sức khỏe răng miệng hoặc có nhu cầu thăm khám, bạn có thể liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo đường dây nóng 1900 56 56 56, tổng đài viên sẽ tư vấn chi tiết cho bạn.

Từ khoá: ung thư hôi miệng

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.