Tin tức

Nguyên nhân gây táo bón là gì? Điểm danh các thuốc trị táo bón hiệu quả

Ngày 14/11/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Tình trạng táo bón xảy ra không phải là điều hiếm gặp và có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Táo bón mặc dù không nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng cũng gây ra nhiều khó chịu và bất tiện cho cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Vậy nên dùng thuốc trị táo bón nào để khắc phục tình trạng này? Câu trả lời sẽ có trong bài phân tích dưới đây.

1. Bối rối vì bị táo bón mà không rõ nguyên nhân

Tình trạng táo bón có thể bắt gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, bao gồm các triệu chứng đặc trưng như: khó đi đại tiện, đi ngoài lâu, nhiều ngày mới đi một lần, phân vón cục, khô cứng, nhỏ hoặc lớn hơn bình thường, người bệnh cần phải dùng nhiều sức để rặn và có thể gây đau hậu môn.

Táo bón có thể bị nhẹ, trung bình hay nặng tùy từng người. Có những trường hợp chỉ bị táo bón ít ngày nhưng đối với người khác lại bị táo bón mạn tính, thường xuyên bị khó chịu, đau đớn khi đi ngoài.

Nguyên nhân dẫn đến táo bón bao gồm 2 trường hợp như sau:

1.1. Do lối sống

  • Thực đơn ăn uống nghèo nàn chất xơ: chất xơ có tác dụng hỗ trợ phân có thể dễ dàng di chuyển trong ruột và tống ra ngoài cơ thể. Nếu ăn ít chất xơ có thể khiến bạn bị táo bón;

  • Ít vận động khiến hệ tiêu hóa đình trệ;

  • Uống không đủ nước khiến phân bị khô, khó được đào thải ra ngoài;

  • Có thói quen nhịn đi vệ sinh;

  • Tuổi tác: tuổi càng cao cơ quan tiêu hóa càng bị lão hóa, giảm co thắt cơ ruột gây nên tình trạng táo bón. 

Táo bón có thể bắt  nguồn từ nguyên nhân thói quen, lối sống hoặc do bệnh lý gây nên

Táo bón có thể bắt  nguồn từ nguyên nhân thói quen, lối sống hoặc do bệnh lý gây nên

1.2. Do nguyên nhân khác 

Bên cạnh thói quen và lối sống gây nên táo bón, tình trạng này cũng có thể là do xuất phát từ nguyên nhân sinh lý và bệnh lý, cụ thể như sau:

  • Phụ nữ mang thai: trong giai đoạn đầu mang thai, một số hormone thai kỳ (trong đó có progesterone) sẽ được cơ thể mẹ bầu tiết ra nhiều hơn. Điều này sẽ tác động đến hệ tiêu hóa, nhu động ruột và quá trình bài tiết phân. Vì vậy mà nhiều thai phụ gặp phải tình trạng táo bón trong 3 tháng đầu thai kỳ;

  • Bị tắc nghẽn hậu môn hoặc trực tràng (sa trực tràng, trĩ) dẫn đến táo bón;

  • Rò hậu môn: vết rách niêm mạc hậu môn có thể gây đau đớn cho người bệnh và nhiều bệnh nhân e sợ việc phải rặn khi đi cầu nên gây ra hiện tượng táo bón;

  • Hội chứng ruột kích thích: điển hình là biểu hiện chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón xảy ra xen kẽ;

  • Thoát vị ổ bụng là nguyên nhân làm giảm áp lực ổ bụng gây khó khăn cho việc di chuyển của phân;

  • Rối loạn nội tiết do bị tiểu đường, suy giáp, suy tuyến yên;

  • Phẫu thuật phụ khoa hoặc ổ bụng: những cơn đau hậu phẫu và thuốc giảm đau thường chứa một chất là codein gây táo bón;

  • Bệnh lý hệ thần kinh trung ương: bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng, đột quỵ,... cũng có liên quan đến triệu chứng táo bón;

  • Khối u trực tràng nằm trên đường cản trở sự đào thải phân khiến bệnh nhân khó đi ngoài và đau khi rặn;

  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: thuốc chống trầm cảm, codeine, thuốc hạ huyết áp, thuốc bổ sung sắt, thuốc kháng axit không chứa magie có thể gây phản ứng là làm chậm nhu động ruột dẫn tới táo bón.

2. Điều trị táo bón bằng loại thuốc nào?

Đối với những nguyên nhân gây táo bón là do lối sống, lối sinh hoạt hàng ngày thì có thể điều chỉnh bằng cách thay đổi các thói quen thiếu lành mạnh, bổ sung nhiều nước và chất xơ thì tình trạng táo bón sẽ được cải thiện đáng kể. Còn đối với nguyên nhân bệnh lý thì bên cạnh việc áp dụng một lối sinh  hoạt khoa học, bệnh nhân cần được điều trị bằng các thuốc trị táo bón. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ quyết định loại thuốc phù hợp, đó có thể là những thuốc sau:

  • Thuốc nhuận tràng tạo khối: đây thường là chỉ định đầu tay cho phần lớn các trường hợp bị táo bón. Ưu điểm của thuốc là độ lành tính, hiệu quả và an toàn cao với công dụng làm tăng hàm lượng nước và kích thước cũng như khối lượng phân, kích thích nhu động ruột. Một số thuốc nhuận tràng tạo khối được dùng phổ biến hiện nay bao gồm: polycarbophil, Psyllium và methylcellulose;

  • Thuốc nhuận tràng kích thích: thúc đẩy các cơ trong đại tràng tăng lực co bóp, phù hợp với những bệnh nhân yếu cơ ruột kết, phân di chuyển chậm do táo bón. Các loại thuốc nhuận tràng kích thích phổ biến trên thị trường bao gồm: natri picosulfat, dẫn xuất diphenylmethane (bisacodyl) hoặc các anthraquinon tự nhiên (senna),...;

  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: gồm các loại như polyethylen glycol, các poly – alcohol không hấp thu (glycerin, sorbitol, lactoluse), muối nhuận tràng (Na+, Mg2+). Cơ chế hoạt động của loại thuốc này đó là hút nước từ các mô ruột xung quanh để giúp phân mềm hơn và bôi trơn ruột kết. Khi dùng những thuốc này bệnh nhân phải tích cực bổ sung thật nhiều nước;

  • Thuốc nhuận tràng làm mềm phân: tác dụng của thuốc giúp tăng lượng nước vào phân, đồng thời bọc bên ngoài phân một lớp dầu để chúng dễ dàng di chuyển trong ruột và bài tiết ra ngoài. Thuốc cũng đảm bảo tính an toàn và hiệu quả cao. Docusate chính là thuốc mềm phân được dùng nhiều nhất;

  • Các loại thuốc trị táo bón khác: áp dụng đối với những trường hợp bị táo bón nghiêm trọng mà những thuốc nhuận tràng nêu trên không đem lại hiệu quả. Thường thì trường hợp táo bón rất nặng mới dùng các thuốc này.

Nếu bị táo bón là do bệnh lý thì ngoài điều chỉnh lối sống, bệnh nhân cần được điều trị bằng các thuốc trị táo bón

Nếu bị táo bón là do bệnh lý thì ngoài điều chỉnh lối sống, bệnh nhân cần được điều trị bằng các thuốc trị táo bón

3. Thuốc trị táo bón có thể gây nên những tác dụng phụ gì?

Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của các thuốc trị táo bón đó là tiêu chảy. Cụ thể tùy từng loại thuốc mà có thể gây ra những biểu hiện như sau:

  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: bệnh nhân khi dùng thuốc này có thể gặp phải triệu chứng đầy hơi, khó chịu vùng bụng. Ngoài ra do thuốc nhuận tràng thẩm thấu có thể làm gia tăng lượng nước trong phân vì hút nước ở ruột kết nên người bệnh cần phải tăng uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước;

  • Thuốc nhuận tràng làm mềm phân: người bệnh khi dùng thuốc làm mềm phân có thể bị đầy hơi, khó chịu vùng bụng, chướng bụng. Những thuốc này yêu cầu bệnh nhân cần bổ sung nhiều nước bởi vì nếu uống quá ít nước, thành phần của thuốc sẽ tạo thành các khối sền sệt  gây tắc nghẽn hoặc nghẹt thở;

  • Thuốc nhuận tràng kích thích: một trong số những tác dụng phụ có khả năng xảy ra khi sử dụng thuốc nhuận tràng kích thích đó là co thắt các bộ phận khác trong đường tiêu hóa, gây đau dạ dày, buồn nôn và nôn mửa. Bởi vì thuốc kích thích  đại tràng co bóp mạnh hơn nên bên cạnh tác dụng phụ là tiêu chảy, bệnh nhân còn có thể bị chuột rút và đau bụng.

Thuốc trị táo bón có thể gây ra những tác dụng phụ khó chịu cho người bệnh

Thuốc trị táo bón có thể gây ra những tác dụng phụ khó chịu cho người bệnh

Bởi vì các thuốc nhuận tràng có thể gây nên nhiều phản ứng phụ nên người bệnh không nên lạm dụng những loại thuốc này khi chữa táo bón. Tóm lại, để thuốc trị táo bón phát huy tác dụng hiệu quả thì bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ