Tin tức

Nguyên nhân trẻ nổi mẩn đỏ như muỗi đốt và cách xử lý

Ngày 30/12/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt là tình trạng có thể khiến các bậc phụ huynh cảm thấy hoang mang lo lắng. Bởi không biết nguyên nhân do đâu và cần phải làm gì để khắc phục. Hiểu được điều này, bài viết sau đây của MEDLATEC chia sẻ đến cha mẹ một số thông tin liên quan. 

1. Đâu là nguyên nhân làm trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt?

Tình trạng trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, là do các nguyên nhân chủ yếu sau:

1.1. Giai đoạn đầu bệnh tay chân miệng

Biểu hiện trong 1-2 ngày đầu bị tay chân miệng ở trẻ làm không ít cha mẹ nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da khác. Khi đó, trẻ thường nổi các nốt ban hồng với đường kính khoảng vài mm trên bề mặt da rồi trở thành bóng nước. Thông thường, chúng xuất hiện ở lòng bàn tay hay bàn chân, miệng, mông,... giống như bé bị muỗi đốt khiến các bậc phụ huynh có tâm lý chủ quan. 

Bệnh tay chân miệng có thể làm vùng da quanh miệng trẻ bị mẩn đỏ

Bệnh tay chân miệng có thể làm vùng da quanh miệng trẻ bị mẩn đỏ

1.2. Trẻ bị chàm 

Cơ thể trẻ xuất hiện mẩn đỏ như muỗi đốt có thể là một trong các dấu hiệu biểu hiện của bệnh chàm - một tình trạng bệnh lý trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khoảng từ 1-5 tháng tuổi hay gặp phải. Các nốt này thường nổi ở vùng da tại những vị trí như má, quanh miệng, phía tai sau hay mu bàn tay.

1.3. Bị nấm da

Khi bị nấm da, khu vực quanh miệng hay mặt của trẻ thường nổi các nốt đỏ như muỗi đốt, còn các khu vực khác trên cơ thể thì không. Tác nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do vi trùng nấm men (Candida) gây ra.

1.4. Rôm sảy 

Nếu trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt, các bậc phụ huynh có thể chú ý đến trường hợp bé đang bị rôm sảy. Trong đó, hầu hết thường bị tình trạng này vào thời điểm thời tiết nắng nóng của những ngày hè.

Các nốt mẩn đỏ do rôm sảy nhìn như bị muỗi đốt ở trẻ

Các nốt mẩn đỏ do rôm sảy nhìn như bị muỗi đốt ở trẻ

1.5. Mụn hạt kê

Đây cũng là một nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ ở trẻ. Bệnh chủ yếu tác động đến da với sự xuất hiện của các nốt sần màu đỏ hay trắng mọc rải rác trên da ở vùng mặt hoặc nổi tại một vị trí nhất định, có kích thước không quá 3mm.

1.6. Sốt phát ban 

Sốt phát ban là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Rubella và virus sởi. Đây là bệnh có thể làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ như bị muỗi đốt ở trẻ bên cạnh các triệu chứng khác.

1.7. Bị dị ứng thời tiết 

Khi thời tiết thay đổi đột ngột, quá nóng hay quá lạnh đều có khả năng làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ trên bề mặt da của trẻ. Điều này là do cơ thể bé có các phản ứng dị ứng với yếu tố thời tiết hoặc các yếu tố khác từ bên ngoài. Đi kèm với các nốt mẩn đỏ, trẻ còn có thể phải trải qua tình trạng sổ mũi, ho khan, hắt hơi,...

Các nốt mẩn đỏ còn xảy ra do trẻ bị dị ứng thời tiết 

Các nốt mẩn đỏ còn xảy ra do trẻ bị dị ứng thời tiết 

1.8. Côn trùng cắn 

Nếu bị côn trùng cắn, da bé sẽ xuất hiện một số biểu hiện như nổi mẩn đỏ như muỗi đốt, viêm, ngứa ngáy,... Trường hợp loại côn trùng này là kiến ba khoang có độc tố mạnh còn có thể dẫn đến sự hình thành của các bọng nước lớn gây viêm loét và cảm giác đau cho trẻ. 

2. Cha mẹ nên làm gì để xử lý và ngăn trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt? 

Vậy cha mẹ có thể dùng những cách nào để xử lý và phòng ngừa tình trạng trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt? Sau đây là thông tin giải đáp thắc mắc đó.

2.1. Về điều trị

Cách điều trị tương ứng với nguyên nhân gây ra. Chẳng hạn như: 

- Do nấm hay bệnh tay chân miệng: cắt móng tay của bé, dặn dò và chú ý giữ cho bé không được gãi lên vùng da bị tổn thương. Thêm vào đó, cho bé mặc các loại quần áo rộng rãi với chất liệu thấm hút mồ hôi, kèm ăn các loại thức ăn có tính thanh mát.

- Do bệnh chàm: nên cho trẻ tắm bằng nước mát để làm sạch da, giảm ngứa và viêm. Song song với đó, sử dụng các loại thuốc theo sự kê đơn của bác sĩ.  

Làm sạch da bằng cách cho bé tắm bằng nước mát

Làm sạch da bằng cách cho bé tắm bằng nước mát

- Do côn trùng cắn: sử dụng khăn mát chườm lên vị trí các vùng da có xuất hiện các nốt mẩn đỏ đó. Ngoài ra, có thể dùng một vài loại thuốc bôi da an toàn giúp làm giảm hiện tượng sưng tấy. 

Tuy nhiên, tốt nhất là các bậc cha mẹ nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân và tình trạng của trẻ. Từ đó, có phương pháp điều trị hoặc sử dụng thuốc đúng theo chỉ định. 

2.2. Về phòng ngừa 

Bên cạnh đó, cha mẹ đừng quên một số lưu ý sau để phòng ngừa tình trạng nổi mẩn đỏ như muỗi đốt ở trẻ.

  • Vệ sinh cơ thể trẻ thật sạch sẽ, tắm rửa mỗi ngày.

  • Giữ không gian sinh hoạt của trẻ luôn được thoáng mát, gọn gàng, hạn chế tiếp xúc với các "thủ phạm" gây ra tình trạng dị ứng (bụi bẩn, nấm mốc, côn trùng,...).

  • Đảm bảo giữ ấm hoặc làm mát cơ thể cho trẻ vào các thời điểm thời tiết giao mùa, quá nóng hoặc quá lạnh.

  • Tạo điều kiện để trẻ được tham gia vào các hoạt động vui chơi, sinh hoạt, được vận động lành mạnh để tăng cường sức đề kháng. 

  • Cho trẻ uống nhiều nước, cung cấp đủ chất dinh dưỡng và tránh các loại thực phẩm có khả năng gây ra phản ứng dị ứng. 

Nói tóm lại, có nhiều nguyên do có thể làm xuất hiện tình trạng trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt. Vì thế, để xác định được tác nhân chính xác và có phương pháp điều trị tối ưu cho trẻ, cha mẹ đừng nên lơ là, chủ quan. Điều cần làm là gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm và khắc phục kịp thời.

Cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được thăm khám các vấn đề về sức khỏe mà bé đang gặp phải. Liên hệ với bệnh viện thông qua số điện thoại: 1900 56 56 56 để được tư vấn thêm thông tin hoặc đặt lịch khám nhanh nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ